125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Viêm phụ khoa khi mang thai: Mối nguy hiểm và biện pháp phòng ngừa

            Viêm phụ khoa khi mang thai: Mối nguy hiểm và biện pháp phòng ngừa

            THAI THINH MEDIC
            31/10/2024

            Viêm phụ khoa khi mang thai là bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10 - 20% mẹ bầu. Không chỉ gây ra những khó chịu về thể chất cho mẹ bầu, viêm phụ khoa còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

            1. Nguyên nhân gây viêm phụ khoa khi mang thai

            Chắc hẳn nhiều mẹ bầu đã từng trải qua cảm giác khó chịu do viêm phụ khoa gây ra. Căn bệnh này có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

            1.1. Nhiễm trùng do vi khuẩn

            Viêm âm đạo do Gardnerella vaginalis là bệnh nhiễm trùng phụ khoa phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai, với các triệu chứng điển hình như khí hư màu xám, có mùi tanh, kèm theo ngứa và rát vùng kín. Căn bệnh này được phát hiện ở khoảng 1 triệu phụ nữ có thai mỗi năm. 

            1.2. Nhiễm nấm

            Các mẹ bầu có thể bị viêm phụ khoa do nấm Candida gây ra. Bình thường, nấm Candida tồn tại một cách tự nhiên trong âm đạo và không gây ảnh hưởng gì đến phụ nữ. Tuy nhiên, trong thai kỳ, đặc biệt là tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3, sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo có thể khiến cho nấm phát triển mạnh mẽ và gây bệnh.

            Nhiễm nấm Candida có biểu hiện phổ biến là ngứa ngáy, nóng rát ở âm hộ và có thể làm khí hư có màu trắng, lợn cợn đục như phô mai nhưng không có mùi.

            1.3. Nhiễm trùng roi Trichomonas

            Trichomonas vaginalis là một loại ký sinh trùng đơn bào, có thể lây qua đường tình dục và gây ra nhiễm trùng phụ khoa cho mẹ bầu. Dấu hiệu đặc trưng của nhiễm Trichomonas là tiểu buốt, ngứa  sưng đỏ, khí hư vàng/xanh lá cây và có bọt, có mùi tanh. Mẹ bầu nhiễm Trichomonas có nguy cơ cao nhiễm các bệnh lây truyền qua đường sinh dục khác.

            1.4. Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)

            Tương tự nấm Candida, liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) có thể tồn tại trong môi trường âm đạo mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, sự thay đổi của môi trường âm đạo và sự mất cân bằng vi khuẩn trong thai kỳ khiến cho vi khuẩn này phát triển mạnh hơn. Khoảng 10-30% phụ nữ mang thai có thể mang vi khuẩn GBS và không có triệu chứng rõ ràng.

            Nhiễm GBS trong thai kỳ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ. Vì vậy, các bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B cho mẹ bầu ở tuần 35 - 37 để xác định xem liệu mẹ bầu có cần điều trị bằng kháng sinh trong quá trình sinh hay không.

            1.5. Nhiễm lậu cầu khuẩn

            Nhiễm lậu cầu khuẩn do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm tiết dịch âm đạo bất thường, đau khi đi tiểu, đau bụng dưới nhưng cũng có thể không có triệu chứng rõ ràng, khiến mẹ bầu khó xác định tình trạng bệnh.

            Ở phụ nữ mang thai, nhiễm lậu cầu có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-2

            2. Yếu tố nguy cơ mắc viêm phụ khoa khi mang thai

            Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu trải qua nhiều thay đổi lớn về nội tiết và sức đề kháng. Đây là yếu tố nguy cơ chính khiến mẹ bầu mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng liên quan đến nguy cơ mắc viêm phụ khoa khi mang thai. Cụ thể:

            • Thay đổi hormone: Sự thay đổi hormon khi mang thai, nhất là hormon estrogen có thể làm thay đổi môi trường âm đạo, khiến độ pH tăng cao và làm mất cân bằng vi khuẩn. Vi khuẩn có lợi trong âm đạo Lactobacillus bị suy yếu và giảm số lượng, tạo điều kiện cho vi khuẩn kỵ khí và nấm men phát triển mạnh mẽ
            • Thay đổi môi trường âm đạo: Thai kỳ khiến niêm mạc âm đạo sung huyết, phì đại và có nhiều biến đổi về cấu trúc, làm giảm khả năng miễn dịch tại chỗ. Điều này tạo điều kiện cho các vi sinh vật có hại dễ dàng xâm nhập và gây nhiễm trùng.
            • Tiểu đường thai kỳ: Phụ nữ bị tiểu đường trong thai kỳ có nguy cơ cao mắc viêm phụ khoa do sự thay đổi trong chuyển hóa đường, khiến cơ thể dễ dàng bị nhiễm trùng hơn.
            • Vệ sinh vùng kín không đúng cách: Việc thụt rửa sâu trong âm đạo hay sử dụng các sản phẩm vệ sinh không phù hợp có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật, tạo điều kiện cho các vi khuẩn và nấm men phát triển.
            • Quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục không được bảo vệ trong thời kỳ mang thai là một yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn và viêm nhiễm âm đạo.
            • Sức đề kháng suy yếu: Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu thường suy yếu, làm giảm khả năng chống lại vi khuẩn và nấm gây bệnh dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa.
            • Lạm dụng thuốc kháng sinh và thuốc đặt âm đạo: Việc sử dụng thuốc kháng sinh hoặc các loại thuốc đặt âm đạo quá mức có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo, từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
            • Chế độ ăn uống không khoa học: Một chế độ ăn uống thiếu cân bằng trong thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn gây giảm sức đề kháng. Trường hợp mẹ bầu tăng cân quá mức cũng gây áp lực lên vùng chậu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và viêm nhiễm phụ khoa.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-3

            3. Dấu hiệu cho thấy mẹ bầu đang mắc viêm phụ khoa

            Mẹ bầu cần chú ý những dấu hiệu bất thường có thể liên quan đến viêm phụ khoa khi mang thai sau đây:

            • Khí hư bất thường: Khí hư có thể thay đổi màu sắc (trắng đục, xám, xanh hoặc vàng) và mùi hôi tanh rõ rệt, đôi khi kèm bọt. Đây là triệu chứng dễ nhận biết nhất của viêm âm đạo.
            • Ngứa và rát vùng kín: Mẹ bầu có thể cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu ở khu vực âm đạo và âm hộ, đặc biệt là vào ban đêm hoặc sau khi quan hệ tình dục.
            • Tiểu buốt hoặc tiểu dắt: Mẹ bầu có thể cảm thấy nóng rát khi tiểu tiện, thậm chí tiểu buốt, có thể kèm theo nước tiểu đục hoặc có máu, dấu hiệu của nhiễm trùng nghiêm trọng.
            • Chảy máu âm đạo: Một số trường hợp viêm phụ khoa có thể gây ra hiện tượng chảy máu nhẹ ở âm đạo, cần được thăm khám và xử lý kịp thời.
              Khó chịu ở vùng bụng dưới: Viêm nhiễm có thể gây ra cảm giác đau âm ỉ hoặc khó chịu vùng bụng dưới.
            • Phát ban vùng kín: Một số trường hợp nghiêm trọng có thể xuất hiện phát ban hoặc mẩn đỏ ở vùng âm hộ và đùi.
            • Sốt và mệt mỏi: Nếu viêm nhiễm tiến triển nặng, mẹ bầu có thể bị sốt nhẹ, cảm giác mệt mỏi và không khỏe.

            Tuy nhiên vẫn có tới 50% mẹ bầu mang thai mắc viêm nhiễm phụ khoa không có triệu chứng rõ ràng. Do vậy, bên cạnh việc đi siêu âm, mẹ bầu cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các tình trạng viêm nhiễm này, từ đó hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé.

            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-4

            4. Ảnh hưởng của viêm phụ khoa khi mang thai

            Viêm phụ khoa khi mang thai không chỉ gây khó chịu cho mẹ bầu mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

            4.1. Ảnh hưởng đến thai nhi

            Viêm phụ khoa khi mang thai có thể gây nhiều tác động xấu đến thai như sau:

            • Chậm phát triển trong tử cung: Viêm âm đạo kéo dài có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, khiến trẻ chậm phát triển hoặc sinh ra thấp bé, nhẹ cân.
            • Sinh non: Nhiễm vi khuẩn hoặc nấm ở âm đạo có thể kích thích cơ thể mẹ chuyển dạ sớm, dẫn đến sinh non. Trẻ sinh non dễ gặp các vấn đề sức khỏe do chưa phát triển hoàn thiện.
            • Thai chết lưu: Viêm âm đạo trong giai đoạn đầu hoặc cuối thai kỳ làm tăng nguy cơ thai chết lưu, đặc biệt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
            • Nhiễm trùng sơ sinh: Trong quá trình sinh, thai nhi có thể bị lây nhiễm từ mẹ qua âm đạo, đặc biệt khi mẹ mắc phải các vi khuẩn nguy hiểm như liên cầu khuẩn nhóm B hoặc bệnh lậu. Những nhiễm trùng này có thể gây ra các biến chứng sau sinh nghiêm trọng như viêm màng não, viêm phổi hoặc nhiễm trùng huyết, gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của bé.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-5

            4.2. Ảnh hưởng đến thai phụ

            Ngoài tác động đến thai nhi, viêm phụ khoa còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của mẹ bầu:

            • Khó chịu và đau đớn: Viêm phụ khoa thường đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy, đau rát và khó chịu ở vùng kín, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống.
            • Suy giảm chất lượng cuộc sống: Các triệu chứng như tiểu buốt, đau khi quan hệ tình dục và khí hư bất thường có thể khiến mẹ bầu cảm thấy không thoải mái, tự ti và ảnh hưởng đến mối quan hệ với bạn đời.
            • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Viêm phụ khoa nếu không được điều trị có thể lan rộng, gây nhiễm trùng các cơ quan khác như cổ tử cung hoặc màng ối, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nước ối, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi.
            • Vỡ ối sớm: Nhiễm trùng âm đạo có thể gây ối vỡ sớm, khiến thai nhi mất đi lớp bảo vệ quan trọng, làm tăng nguy cơ sinh non và nhiễm trùng.
            • Tâm lý lo âu: Mẹ bầu dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, lo lắng về sức khỏe của bản thân và thai nhi khi mắc viêm phụ khoa, ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần và thể chất.
            • Yêu cầu sự chăm sóc y tế thường xuyên: Viêm phụ khoa buộc mẹ bầu phải thăm khám bác sĩ thường xuyên hơn, gây áp lực và khó khăn trong việc duy trì các hoạt động hàng ngày.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-6

            5. Cách chẩn đoán viêm phụ khoa khi mang thai

            Để chẩn đoán viêm phụ khoa khi mang thai, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm cần thiết. Cụ thể:

            • Thăm khám lâm sàng: Đây là bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán viêm phụ khoa. Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng kín của mẹ bầu, quan sát các triệu chứng như đỏ, sưng, khí hư bất thường hoặc có mùi hôi. Cảm giác ngứa, rát hay đau khi khám cũng có thể là dấu hiệu nhận biết.
            • Xét nghiệm mẫu dịch âm đạo: Bác sĩ sẽ lấy một mẫu dịch âm đạo để tiến hành xét nghiệm dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này giúp xác định loại vi khuẩn, nấm hoặc virus gây ra viêm nhiễm. Dựa trên kết quả, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhằm hạn chế các rủi ro cho mẹ và thai nhi.
            • Kiểm tra nước tiểu: Việc kiểm tra nước tiểu cũng được thực hiện để đánh giá mức độ nhiễm trùng và xác định có hay không sự xuất hiện của các vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Xét nghiệm này thường được thực hiện song song với việc xét nghiệm dịch âm đạo để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác và đầy đủ.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-7

            6. Cách điều trị và chăm sóc khi mắc viêm phụ khoa trong thai kỳ

            Việc điều trị và chăm sóc khi mắc viêm phụ khoa trong thai kỳ cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Những phương pháp điều trị phổ biến và cách chăm sóc cá nhân mà mẹ bầu mắc viêm phụ khoa cần lưu ý:

            Sử dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống nấm:

            • Thuốc kháng sinh: Đối với viêm âm đạo do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê các loại kháng sinh an toàn cho thai phụ như amoxicillin hoặc clindamycin. Những loại thuốc này giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và an toàn khi sử dụng theo chỉ định cho phụ nữ mang thai.
            • Thuốc chống nấm: Nếu nguyên nhân là do nhiễm nấm Candida, các loại thuốc chống nấm như miconazole hoặc clotrimazole sẽ được sử dụng. Thuốc có thể được dùng dưới dạng viên đặt âm đạo hoặc kem bôi tại chỗ, và thường không gây hại cho thai nhi.

            Chăm sóc cá nhân:

            • Vệ sinh vùng kín đúng cách: Mẹ bầu nên vệ sinh vùng kín hàng ngày bằng nước ấm và sử dụng xà phòng nhẹ nhàng. Tránh thụt rửa sâu hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH cao để bảo vệ sự cân bằng tự nhiên của vùng kín.
            • Chế độ ăn uống hợp lý: Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu probiotic như sữa chua để cân bằng vi khuẩn có lợi trong cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hạn chế tiêu thụ đường và đồ ngọt để giảm nguy cơ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
            • Trang phục thoáng mát: Mặc đồ lót bằng cotton thoáng khí, tránh các loại vải tổng hợp chật chội, giúp duy trì sự khô thoáng cho vùng kín.
            • Thăm khám định kỳ với bác sĩ sản khoa: Mẹ bầu hãy nghiêm túc tuân thủ những hướng dẫn điều trị của bác sĩ, thực hiện các buổi tái khám và khám thai định kỳ để bác sĩ theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi, đồng thời kiểm soát tình trạng viêm phụ khoa.

            Lưu ý trong quá trình điều trị:

            • Không tự ý sử dụng thuốc: Mẹ bầu tuyệt đối không nên tự mua thuốc điều trị khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể gây hại cho thai nhi nếu sử dụng không đúng cách.
            • Tránh thực hiện các mẹo dân gian: Các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng hiệu quả có thể khiến tình trạng viêm nhiễm của mẹ bầu trở nên trầm trọng hơn.
            • Kiêng quan hệ tình dục: Trong thời gian điều trị, nên hạn chế quan hệ tình dục để tránh làm tình trạng viêm nhiễm nặng thêm.
            • Tránh đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn: Ăn nhiều đồ ngọt có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ, tăng lượng khí hư và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, do đó mẹ bầu cần hạn chế tiêu thụ những thực phẩm này.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-8

            7. Cách phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai

            Để giảm thiểu nguy cơ mắc viêm nhiễm phụ khoa, mẹ bầu nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

            Vệ sinh vùng kín đúng cách:

            • Sử dụng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để vệ sinh vùng kín hàng ngày, không chứa hương liệu hoặc chất tẩy mạnh. Hãy rửa từ trước ra sau để ngăn ngừa vi khuẩn từ hậu môn xâm nhập vào âm đạo.
            • Tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh có hóa chất mạnh hoặc dung dịch vệ sinh không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể gây kích ứng và làm mất cân bằng pH tự nhiên của âm đạo.
            • Không thụt rửa sâu vì hành động này có thể làm mất vi khuẩn có lợi và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.

            Lựa chọn trang phục thoải mái, thoáng mát:

            • Ưu tiên chọn đồ lót chất liệu cotton, thoáng khí để giữ cho vùng kín luôn khô thoáng, hạn chế độ ẩm, giúp ngăn ngừa sự phát triển của nấm và vi khuẩn.
            • Tránh mặc quần lót hoặc quần bó sát gây bí bách, tăng nguy cơ kích ứng và viêm nhiễm.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-9

            Chế độ ăn uống hợp lý:

            • Bổ sung các thực phẩm giàu probiotics như sữa chua không đường, kim chi, dưa cải để hỗ trợ cân bằng hệ vi sinh vật có lợi trong âm đạo, ức chế vi khuẩn có hại.
            • Hạn chế đồ ngọt và các thực phẩm chế biến sẵn, vì chúng có thể gây gia tăng sự phát triển của vi khuẩn có hại, gây ra viêm nhiễm. Thay vào đó, nên ưu tiên thực phẩm tươi, giàu dinh dưỡng như rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.
            • Uống đủ nước (khoảng 2-3 lít/ngày) để hỗ trợ thanh lọc cơ thể và duy trì sức khỏe vùng kín.

            Duy trì lối sống lành mạnh:

            • Tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, giúp tăng cường tuần hoàn máu, nâng cao sức khỏe tổng thể và hỗ trợ hệ miễn dịch.
            • Quản lý căng thẳng bằng cách thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền, đọc sách, hoặc nghe nhạc, vì căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
            viem-phu-khoa-khi-mang-thai-10

            Quan hệ tình dục an toàn:

            • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục, cũng như phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa.
            • Khám phụ khoa định kỳ (khoảng 6 tháng/lần) để theo dõi sức khỏe vùng kín và phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn.

            Khám sức khỏe định kỳ:

            Mẹ bầu nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe tại các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ tư vấn và điều trị kịp thời nếu có dấu hiệu bất thường như ngứa, khí hư bất thường, hoặc đau rát.

            Viêm phụ khoa khi mang thai nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, các mẹ bầu cần trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe vùng kín và thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Hãy luôn nhớ rằng, một thai kỳ khỏe mạnh là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của bé yêu.
             

            Share