125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Nhau thai bong non - Những điều cần biết

            Nhau thai bong non - Những điều cần biết

            THAI THINH MEDIC
            12/10/2024

            Nhau thai bong non là gì?

            Nhau thai bong non là tình trạng có thể xảy ra bất ngờ trong thai kỳ và có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tình trạng này không phổ biến và ít khi xảy ra.

            Nhau thai phát triển trong tử cung khi bạn mang thai. Nhờ có nó mà em bé mới có thể lớn lên khỏe mạnh trong bụng mẹ. Nhau thai được gắn vào thành tử cung, và bé được nối với nhau thai qua dây rốn. Nếu bạn bị nhau thai bong non, nghĩa là nhau thai tách ra khỏi tử cung quá sớm, khi bé chưa sẵn sàng chào đời.

            Dấu hiệu và triệu chứng của nhau thai bong non

            Nhau thai bong non ảnh hưởng đến khoảng 1% phụ nữ mang thai. Nó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào sau 20 tuần thai, nhưng thường gặp nhất trong ba tháng cuối thai kỳ.

            Khi xảy ra, thường rất đột ngột. Bạn có thể thấy chảy máu âm đạo, nhưng cũng có trường hợp không có máu. Lượng máu có thể khác nhau. Chảy máu ít không phải là lý do để chủ quan, bạn cần đi khám để được bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng.

            Nhiều dấu hiệu khác nhau có thể xuất hiện, chẳng hạn như:

            • Đau bụng dưới nhiều,  đột ngột, kéo dài
            • Đau lưng
            • Cơn co tử cung mạnh, kéo dài hơn bình thường
            • Vấn đề về nhịp tim của em bé
            • Sốc mất máu có thể xảy ra, có thể có dấu hiệu đông máu nội mạch lan tỏa

            Ngoài những dấu hiệu cấp tính, bạn cũng cần cảnh giác với các dấu hiệu của bong non mạn tính, như:

            • Bạn bị chảy máu âm đạo nhẹ, lúc có lúc không.
            • Lượng nước ối của bạn ít.
            • Bé không đạt được các mốc phát triển đúng theo độ tuổi.

            Các yếu tố gây ra tình trạng nhau thai bong non

            Phần lớn trường hợp, bác sĩ không rõ nguyên nhân chính xác. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ khác có thể gây ra tình trạng này, ví dụ như:

            • Tiền sử bong nhau thai: Nếu mẹ bầu đã trải qua tình trạng bong nhau thai trong lần mang thai trước, cần đặc biệt chú ý. Có khoảng 1/10 khả năng vấn đề này có thể xảy ra lại trong thai kỳ hiện tại.
            • Hút thuốc: Một nghiên cứu cho thấy phụ nữ hút thuốc trước khi mang thai có nguy cơ bị bong nhau thai cao hơn 40% cho mỗi năm họ hút thuốc.
            • Sử dụng cocaine hoặc các loại ma túy khác: Khoảng 10% phụ nữ sử dụng cocaine trong ba tháng cuối thai kỳ gặp phải tình trạng bong nhau thai.
            • Huyết áp cao: Dù bạn bị huyết áp cao trước hay trong khi mang thai, hãy làm việc với bác sĩ để kiểm soát tình trạng này.
            • Vấn đề về túi ối: Túi ối giúp bảo vệ bé trong tử cung. Nếu bạn bị nhiễm trùng ối hoặc vỡ ối, rò ối trước khi chuyển dạ (đặc biệt ở phụ nữ đa ối), nguy cơ bong nhau thai sẽ tăng.
            • Mang thai khi lớn tuổi: Nguy cơ bị bong nhau thai sẽ cao hơn nếu bạn từ 35 tuổi trở lên, đặc biệt là ở những người trên 40 tuổi.
            • Mang song thai hoặc đa thai: Đôi khi việc sinh bé đầu có thể làm nhau thai tách ra trước khi bé tiếp theo sẵn sàng chào đời.
            • Tiền sản giật
            • Tổn thương bụng: Tai nạn hoặc va đập có thể gây tổn hại đến vùng bụng. Luôn thắt dây an toàn khi di chuyển để bảo vệ sức khỏe của bạn.
            • Rối loạn mạch máu, rối loạn huyết khối

            Bạn không thể ngăn chặn hoàn toàn tình trạng bong nhau thai, nhưng có thể giảm nguy cơ bằng cách tránh thuốc lá, rượu và ma túy.

            Nếu bạn từng bị bong nhau thai, hãy báo cho bác sĩ biết. Họ sẽ theo dõi sát sao và có thể đưa ra những cách giúp ngăn ngừa tình trạng này tái diễn.

            Chẩn đoán nhau thai bong non

            Nếu bạn bị chảy máu hoặc đau bụng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Bác sĩ sẽ khám và làm các xét nghiệm máu, có thể siêu âm để kiểm tra bên trong tử cung. (Dù có siêu âm, vẫn có những trường hợp nhau bong non khó phát hiện).

            Điều trị nhau thai bong non

            Nhau thai không thể gắn lại, vì vậy cách điều trị sẽ phụ thuộc vào thời gian mang thai của bạn, mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong nhau và sức khỏe của mẹ và bé.

            • Nếu bạn mang thai dưới 34 tuần: Bạn có thể phải nhập viện để theo dõi, miễn là nhịp tim của bé vẫn bình thường và tình trạng bong nhau không quá nghiêm trọng. Nếu bé khỏe và bạn ngừng chảy máu, có thể bạn sẽ được về nhà. Bạn cũng có thể được tiêm steroid để giúp phổi của bé phát triển nhanh hơn, phòng trường hợp bạn sinh non.
            • Thai kỳ trên 34 tuần: Trong trường hợp bong nhau thai ở mức độ nhẹ, các bác sĩ có thể xem xét cho mẹ sinh theo phương pháp tự nhiên. Bạn có thể phải sinh mổ gấp và truyền máu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

            Biến chứng của nhau thai bong non

            Nếu chỉ có một phần nhỏ của nhau thai tách ra, có thể không gây ra nhiều vấn đề. Nhưng nếu một phần lớn hoặc toàn bộ nhau thai tách khỏi tử cung, nó có thể gây hại nghiêm trọng cho cả mẹ và bé. Đối với mẹ, điều này có thể gây ra:

            • Mất máu nghiêm trọng, bạn có thể bị sốc và cần truyền máu để bù lại
            • Rối loạn đông máu
            • Suy thận hoặc nhiều cơ quan trong cơ thể bị suy giảm chức năng
            • Tử vong – cho cả mẹ hoặc bé

            Nếu bạn bị bong nhau thai hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn, bạn sẽ cần phải mổ lấy thai ngay.

            Các rủi ro cho thai nhi gồm:

            • Sinh non: Bé sinh ra trước 37 tuần. Có khoảng 10% trẻ sinh ra từ mẹ bị nhau bong non sẽ bị như vậy.
            • Vấn đề về phát triển: Nếu bé sinh non do tình trạng này, bé có thể gặp nhiều vấn đề về sức khỏe khi còn nhỏ và sau này.
            • Thai chết lưu: Là tình trạng thai nhi tử vong trong tử cung sau tuần thứ 20 của thai kỳ.

            Nguồn: https://www.webmd.com/baby/what-is-placental-abruption 

            Share