125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Polyp cổ tử cung khi mang thai: Thông tin A - Z cho mẹ bầu

            Polyp cổ tử cung khi mang thai: Thông tin A - Z cho mẹ bầu

            THAI THINH MEDIC
            20/11/2024

            Polyp cổ tử cung khi mang thai là một tình trạng không hiếm gặp, có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và quá không và quá trình sinh nở. Vậy là sao để phát hiện polyp cổ tử cung? Cách điều trị căn bệnh này như thế nào? Cùng khám phá những thông tin hữu ích về căn bệnh này trong bài viết sau đây để có một thai kỳ khỏe mạnh mẹ nhé!

            1. Polyp cổ tử cung khi mang thai là gì?

            Cổ tử cung là phần dưới của tử cung, nối liền tử cung với âm đạo, có vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản. Cổ tử cung không chỉ là "cửa ngõ" cho tinh trùng vào để thụ tinh với trứng mà còn đóng vai trò  bảo vệ thai nhi khỏi những tác nhân bên ngoài và tạo điều kiện thuận lợi cho em bé trong quá trình sinh nở.

            Polyp cổ tử cung là những khối u nhỏ, mềm, có hình dạng giống giọt nước, xuất hiện từ lớp niêm mạc cổ tử cung và có thể nhô ra ngoài. Các polyp này có kích thước dao động từ vài milimet đến vài centimet, thường có màu đỏ hoặc hồng và có thể dễ dàng chảy máu khi tiếp xúc hoặc bị kích thích. Một số polyp có cuống dài, trong khi những polyp khác có thể bám chắc vào cổ tử cung.

            Tình trạng này gặp nhiều ở những phụ nữ đã từng sinh nở, sinh nhiều con và đặc biệt là sinh con trong giai đoạn 40 - 50 tuổi. Ngoài ra, những người có tiền sử polyp cổ tử cung cũng có khả năng bị tái phát trong thai kỳ.

            Hầu hết polyp cổ tử cung là lành tính, hiếm khi tiến triển thành ung thư và không gây ra biến chứng nghiêm trọng trong thai kỳ. Tuy nhiên, các bác sĩ Sản khoa khuyến nghị mẹ bầu nên theo dõi chặt chẽ polyp cổ tử cung và loại bỏ chúng khi có dấu hiệu bất thường để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi.

            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-2

            Polyp cổ tử cung là những khối u nhỏ, mềm, có hình dạng giống giọt nước, xuất hiện từ lớp niêm mạc cổ tử cung

            2. Triệu chứng của polyp cổ tử cung khi mang thai

            Polyp cổ tử cung khi mang thai thường không gây ra triệu chứng rõ ràng, khiến nhiều phụ nữ không nhận ra sự hiện diện của chúng. Tuy nhiên, khi có triệu chứng, các dấu hiệu này có thể dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề phụ khoa khác như:

            • Ra máu âm đạo bất thường: Mẹ bầu có thể gặp phải hiện tượng ra máu nhẹ, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục hoặc trong giai đoạn khám thai. Mặc dù máu có thể xuất hiện chỉ một vài lần, nhưng cũng không nên chủ quan.
            • Ra dịch âm đạo: Dịch âm đạo có thể trở nên nhiều hơn và có màu sắc khác biệt. Một số mẹ bầu có thể nhận thấy dịch có mùi lạ hoặc giống như mủ.
            • Đau khi quan hệ tình dục: Các khối polyp có thể gây khó chịu hoặc đau đớn trong quá trình quan hệ tình dục. Đây là một triệu chứng khá phổ biến mà mẹ bầu có thể cảm nhận được.
            • Đau lưng dưới: Mặc dù đau lưng dưới thường xuyên xuất hiện trong thai kỳ, nhưng khi có polyp cổ tử cung, cảm giác đau có thể tăng lên và trở nên kéo dài hơn.

            Hầu hết các trường hợp polyp cổ tử cung khi mang thai không gây ra biến chứng nghiêm trọng, nhưng nếu mẹ bầu gặp bất kỳ triệu chứng nào trong số trên, đặc biệt là khi có ra máu, dù là ít hay nhiều, nên đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời. Việc thăm khám định kỳ trong thai kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn và tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-3

            Polyp cổ tử cung khi mang thai thường không gây ra triệu chứng rõ ràng

            3. Nguyên nhân khiến mẹ bầu mắc polyp cổ tử cung

            Polyp cổ tử cung khi mang thai có thể phát sinh từ một số nguyên nhân khác nhau, chủ yếu liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố và các yếu tố sức khỏe của mẹ bầu. Những nguyên nhân phổ biến:

            • Sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai: Trong thai kỳ, nồng độ estrogen tăng lên mạnh mẽ để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.  Polyp cổ tử cung nhạy cảm với mức độ estrogen cao, do đó khi nồng độ hormone này tăng, nguy cơ hình thành polyp cũng cao hơn.
            • Tiền sử hoặc chưa điều trị dứt điểm bệnh phụ khoa: Phụ nữ có tiền sử các bệnh lý phụ khoa như viêm cổ tử cung, viêm âm đạo hoặc lạc nội mạc tử cung chưa được điều trị triệt để có nguy cơ hình thành polyp cổ tử cung khi mang thai. Các vấn đề này có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho sự hình thành polyp trong quá trình thai kỳ.
            • Viêm nhiễm cổ tử cung do vi khuẩn hoặc yếu tố khác: Khi mang thai, hệ miễn dịch của mẹ bầu suy yếu, khiến mẹ dễ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Viêm phụ khoa khi mang thai như viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo có thể làm tăng nguy cơ hình thành polyp cổ tử cung.
            • Tổn thương niêm mạc hoặc tắc mạch máu cổ tử cung: Các tổn thương trong quá trình sinh nở hoặc do các thủ thuật phụ khoa (như nạo phá thai) có thể gây ra viêm nhiễm, tắc mạch máu và tạo điều kiện cho sự hình thành polyp.
            • Tuổi tác: Polyp cổ tử cung thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50. Những phụ nữ đã sinh nở nhiều lần hoặc trong giai đoạn sau sinh sản cũng có nguy cơ cao hơn.
            • Sử dụng sản phẩm không an toàn: Việc sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất kích thích cổ tử cung hoặc thuốc không an toàn có thể làm thay đổi tế bào cổ tử cung, dẫn đến sự phát triển của polyp.
            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-4

            Polyp cổ tử cung khi mang thai có thể phát sinh từ một số nguyên nhân khác nhau

            4. Polyp cổ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?

            Tùy từng trường hợp, polyp cổ tử cung có thể không ảnh hưởng gì hoặc gây ra một số nguy cơ cho mẹ bầu và thai nhi. Cụ thể:

            4.1. Ảnh hưởng đến mẹ bầu

            • Tác động tâm lý và thể chất: Các polyp cổ tử cung khi lớn dần có thể gây ra cảm giác đau, khó chịu hoặc chảy máu nhẹ. Điều này có thể khiến mẹ bầu cảm thấy lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và thể chất trong suốt thai kỳ.
            • Khó khăn trong sinh nở: Nếu khối polyp phát triển quá lớn, nó có thể bịt kín cổ tử cung, gây trở ngại cho việc sinh con qua đường âm đạo (sinh thường). Điều này đe dọa đến khả năng sinh nở tự nhiên của mẹ bầu và có thể phải yêu cầu phương pháp sinh mổ.
            • Tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa: Polyp cổ tử cung có thể dẫn đến tình trạng tiết dịch âm đạo nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa trong suốt thai kỳ.
            • Nguy cơ sảy thai và sinh non: Những mẹ bầu có polyp cổ tử cung, đặc biệt là trong trường hợp thụ tinh nhân tạo, có nguy cơ cao bị suy thai, sảy thai hoặc sinh non. Polyp có thể gây cản trở sự phát triển bình thường của thai kỳ và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi trong tử cung.

            4.2. Ảnh hưởng đến thai nhi

            • Chèn ép sự phát triển của thai nhi: Khi polyp phát triển lớn dần, nó có thể chiếm nhiều không gian trong tử cung và cổ tử cung, gây áp lực lên thai nhi. Điều này có thể làm cho thai nhi không phát triển bình thường, làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh hoặc khiến thai không đủ phát triển.
            • Tăng nguy cơ sảy thai: Polyp cổ tử cung có thể làm tăng tỷ lệ sảy thai và sinh non do sự cản trở về mặt thể chất và sự phát triển không bình thường của thai nhi. 
            • Nguy cơ sinh non: Các nghiên cứu chỉ ra rằng mẹ bầu bị polyp cổ tử cung có tỷ lệ sinh non cao hơn so với mẹ bầu bình thường. Khi khối polyp phát triển, nó có thể làm gia tăng sự co bóp tử cung hoặc làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến sinh non.
            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-5

            Tùy từng trường hợp, polyp cổ tử cung có thể không ảnh hưởng gì hoặc gây ra một số nguy cơ cho mẹ bầu và thai nhi.

            5. Điều trị polyp cổ tử cung khi mang thai

            Mức độ nguy hiểm của polyp cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí, kích thước và số lượng của các khối polyp. Polyp cổ tử cung có thể nhỏ và không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu. Ngược lại, với những khối polyp có kích thước lớn, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi cần được can thiệp loại bỏ sớm. Các phương pháp điều trị polyp cổ tử cung cho mẹ bầu phổ biến:

            Điều trị nội khoa

            Với những polyp có kích thước nhỏ, không gây triệu chứng hoặc không có yếu tố nguy cơ, phương pháp điều trị nội khoa có thể được sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ giúp điều trị tạm thời và không thể loại bỏ hoàn toàn polyp. Thường thì mẹ bầu sẽ được yêu cầu theo dõi và chỉ can thiệp phẫu thuật sau khi sinh.

            Điều trị ngoại khoa

            Đối với các polyp lớn hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ, bác sĩ sẽ cân nhắc thời điểm can thiệp phẫu thuật. Việc phẫu thuật thường được thực hiện khi thai đủ lớn để giảm thiểu ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

            Ngoài ra, nếu polyp gây ra các vấn đề nghiêm trọng như chảy máu kéo dài hoặc có nguy cơ viêm nhiễm, bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật ngay trong thai kỳ để tránh nguy cơ sảy thai hoặc các biến chứng khác.

            Các phương pháp điều trị ngoại khoa:

            • Xoắn polyp cổ tử cung: Đối với polyp nhỏ, phương pháp xoắn polyp là một tiểu phẫu khá đơn giản và được ưu tiên trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ dùng kẹp giữ phần chân (cuống) polyp và vặn nhẹ nhàng để loại bỏ polyp ra ngoài. Đây là phương pháp ít xâm lấn và giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và thai nhi.
            • Phẫu thuật cắt polyp cổ tử cung: Nếu polyp quá lớn hoặc không thể loại bỏ bằng phương pháp xoắn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ polyp bằng điện hoặc bằng laser. Quá trình này có thể kết hợp đốt chân polyp để ngăn ngừa sự tái phát của polyp trong tương lai. Việc điều trị sẽ được thực hiện sau khi bác sĩ đánh giá cẩn thận mức độ nguy hiểm đối với mẹ và thai nhi.

            Tốt nhất mẹ bầu bị polyp cổ tử cung nên thăm khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối polyp và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe. Mẹ bầu không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp điều trị không được bác sĩ tư vấn. Việc can thiệp không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.

            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-6

            Mẹ bầu bị polyp cổ tử cung nên thăm khám định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối polyp và đánh giá nguy cơ đối với sức khỏe. 

            6. Hướng dẫn chăm sóc sau điều trị polyp cổ tử cung trong thai kỳ

            Sau khi điều trị polyp cổ tử cung trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý những điều sau đây để có thể hồi phục nhanh chóng và hạn chế nguy cơ tái phát polyp cổ tử cung:

            • Vệ sinh vùng kín thường xuyên, không thụt rửa và vệ sinh từ trước ra sau; sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh để bảo vệ vùng âm đạo.
            • Bổ sung đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu như protein, vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
            • Tránh làm việc quá sức hoặc căng thẳng. Mẹ bầu cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể phục hồi sau điều trị. Nếu sức khỏe cho phép, mẹ bầu có thể đi bộ nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe.
            • Không quan hệ tình dục ít nhất từ 4-6 tuần sau khi điều trị polyp cổ tử cung.
            • Thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ và tuân thủ chỉ định dùng thuốc.
            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-7

            Mẹ bầu cần chú ý kiêng khem để hồi phục nhanh chóng và hạn chế nguy cơ tái phát polyp cổ tử cung

            7. Làm thế nào để phòng ngừa polyp cổ tử cung khi mang thai?

            Chị em phụ nữ có thể phòng ngừa polyp cổ tử cung khi mang thai thông qua những biện pháp đơn giản như sau:

            • Polyp cổ tử cung nhạy cảm với hormone estrogen. Việc duy trì mức độ hormone ổn định và hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ hình thành polyp. Mẹ bầu cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về việc sử dụng thuốc hay điều trị nếu có vấn đề về nội tiết tố.
            • Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tránh các viêm nhiễm phụ khoa có thể gây ra polyp cổ tử cung. Sử dụng dung dịch vệ sinh phù hợp, tránh các sản phẩm có hóa chất mạnh để bảo vệ sức khỏe của cơ thể và tránh kích ứng. Tuy nhiên, cần tránh thụt rửa quá sâu do có thể làm mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong vùng kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây viêm nhiễm.
            • Đi khám phụ khoa định kỳ và điều trị bệnh lý phụ khoa sớm như viêm nhiễm cổ tử cung, viêm âm đạo hoặc lạc nội mạc tử cung,...
            • Thực hiện chế độ dinh dưỡng và lối sống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi và thư giãn phù hợp để giảm căng thẳng.
            • Hạn chế nạo phá thai để tránh gây tổn thương thành cổ tử cung. Nếu cần thiết phải nạo phá thai, hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín và thực hiện đúng quy trình chuẩn của Bộ Y tế.
            • Khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi mà còn giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường, bao gồm polyp cổ tử cung, ngay từ khi chúng còn nhỏ.
            polyp-co-tu-cung-khi-mang-thai-8

            Chị em phụ nữ có thể phòng ngừa polyp cổ tử cung khi mang thai thông qua những biện pháp đơn giản

            Trên đây là những thông tin chi tiết về tình trạng polyp cổ tử cung khi mang thai. Mẹ bầu hãy thường xuyên đi khám thai và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để có một thai kỳ khỏe mạnh và vượt cạn an toàn.

            Share