125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Mang thai an toàn với viêm loét đại tràng: Có thể hay không thể?

            Mang thai an toàn với viêm loét đại tràng: Có thể hay không thể?

            THAI THINH MEDIC
            18/10/2024

            Bệnh viêm loét đại tràng không phải là lý do khiến bạn không thể lập gia đình. Dù có thể gặp một số khó khăn, nhưng bạn vẫn có thể có một thai kỳ khỏe mạnh. Hãy tìm hiểu và giải đáp thắc mắc trước khi bắt đầu kế hoạch mang thai.

            Bệnh viêm loét đại tràng có gây khó mang thai hơn không?

            Thông thường, viêm loét đại tràng không làm cản trợ khả năng mang thai của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đã từng trải qua một số ca phẫu thuật đối với căn bệnh này, bạn có thể sẽ gặp một số khó khăn khi mang thai và trong quá trình hồi phục.

            Chẳng hạn, trong phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng, bác sĩ thường sẽ loại bỏ hoàn toàn ruột già và tạo ra một túi bên trong để chứa chất thải. Điều này có thể để lại sẹo ở vùng chậu. Vì vậy, nếu bạn cần phẫu thuật cắt bỏ đại tràng và vẫn mong muốn sinh con, bác sĩ có thể đề nghị cắt bỏ một phần đại tràng và gắn túi bên ngoài. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến khả năng mang thai của bạn. Sau khi sinh con, bác sĩ có thể phẫu thuật lần 2 để tạo túi bên trong.

            Làm thế nào để tăng khả năng có một thai kỳ khỏe mạnh?

            Ngay khi có ý định mang thai, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ của mình và bác sĩ sản phụ khoa. Hãy thảo luận với họ về cách chăm sóc sức khỏe của bạn để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh. Bạn có thể sẽ cần phải thăm khám với bác sĩ chuyên về các trường hợp thai kỳ nguy cơ cao.

            Điều quan trọng nhất là bạn cần có các biện pháp kiểm soát bệnh viêm loét đại tràng trước khi mang thai. Việc mang thai khi đang mắc bệnh có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng khác trong thai kỳ như: sinh non, thiếu máu….

            Đa phần các thuốc điều trị viêm loét đại tràng đều tương đối an toàn cho sản phụ. Bạn cần trao đổi với bác sĩ nếu bạn đang bị viêm loét đại tràng và muốn mang thai. Trong trường hợp bạn đang dùng những loại thuốc chống chỉ định hoặc có thể ảnh hưởng đến thai kỳ,, bác sĩ sẽ đổi thuốc cho bạn sang một loại thuốc cùng tác dụng nhưng an toàn hơn.

            Bạn không nên ngừng thuốc đột ngột mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc ngừng thuốc có thể khiến bệnh nặng hơn, gây ảnh hưởng đến sản phụ và thai nhi.

            Khi bệnh bùng phát, bạn có thể bị thiếu cân và thiếu các dưỡng chất quan trọng cho thai kỳ. Nếu bạn không đạt đủ cân nặng, nguy cơ sảy thai trong ba tháng đầu sẽ tăng cao. Khi thiếu cân, bạn cũng có thể sinh con non và nhẹ cân. Chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn thiết kế thực đơn khoa học.

            Nếu bạn có cân nặng bình thường, trong suốt thai kỳ, bạn nên tăng từ 11 đến 16 kg. Nếu bắt đầu với tình trạng thiếu cân, bạn nên đặt mục tiêu tăng từ 13 đến 18 kg.

            Giống như những phụ nữ không mắc viêm loét đại tràng, bạn nên uống vitamin bổ sung dành cho bà bầu mỗi ngày khi có kế hoạch mang thai và trong suốt thai kỳ. Thỉnh thoảng, sắt trong vitamin có thể làm dạ dày khó chịu, do đó bạn có thể cần thử nhiều loại vitamin khác nhau.

            Bạn nên kiểm tra mức độ sắt trong cơ thể, vì phụ nữ mắc viêm loét đại tràng thường dễ bị thiếu máu.

            Bạn cũng có thể cần bổ sung thêm axit folic để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh. Viêm loét đại tràng và thuốc sulfasalazine (dùng để điều trị bệnh) có thể khiến cơ thể khó hấp thụ axit folic.

            Chế độ ăn uống lành mạnh cho một thai kỳ khỏe mạnh khi bị viêm loét đại tràng

            Khi bạn mang thai và mắc viêm loét đại tràng, có thể thực hiện một số bước đơn giản để đảm bảo bạn và em bé nhận đủ dưỡng chất cần thiết.

            Tuân thủ những nguyên tắc cơ bản

            Hãy duy trì một chế độ ăn uống đơn giản:

            • Ăn nhiều trái cây, rau củ
            • Chọn ngũ cốc nguyên hạt cho ít nhất một nửa lượng ngũ cốc bạn ăn.
            • Hãy thay thế các sản phẩm sữa giàu chất béo, như sữa nguyên kem, bằng sữa không béo hoặc ít béo.
            • Giảm ăn muối.
            • Hãy ưu tiên uống nước lọc thay vì các loại nước ngọt có đường.
            • Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, đường hoặc cay.
            • Tránh các loại hạt, bắp rang, và ngô, vì chúng có thể làm tăng tình trạng viêm.
            • Uống nhiều nước vì cơ thể có thể bị mất nước do tiêu chảy.
            • Chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

            Trái cây và rau củ

            Trái cây và rau củ rất tốt cho sức khỏe của bạn và em bé. Nếu chất xơ làm triệu chứng viêm loét đại tràng nặng hơn, bạn vẫn có thể ăn chúng bằng cách thay đổi cách chế biến.

            Hãy hấp hoặc nướng rau củ và trái cây thay vì ăn sống. Tránh các loại rau củ có nhiều chất xơ như bông cải xanh, súp lơ và táo. Thay vào đó, hãy chọn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như việt quất, anh đào, cà chua, bí đỏ và ớt chuông.

            Canxi

            Canxi là khoáng chất thiết yếu, đặc biệt quan trọng trong thời kỳ mang thai. Bạn nên bổ sung canxi từ các nguồn thực phẩm như:

            • Sữa chua, phô mai cứng
            • Nước ép, đồ uống, ngũ cốc và bánh mì được bổ sung canxi.
            • Đậu phụ, đậu nành, đậu đen, hoặc cá hộp có xương mềm như cá mòi hoặc cá hồi.
            • Uống sữa trong bữa ăn hoặc thêm sữa vào ngũ cốc để dễ tiêu hóa hơn.

            Đối với những người không dung nạp lactose, hãy thử:

            • Sữa không chứa lactose hoặc sữa đậu nành bổ sung canxi.
            • Viên uống hoặc giọt lactase, giúp tiêu hóa lactose.

            Chất béo lành mạnh từ cá

            Cá là nguồn cung cấp axit béo omega-3 tuyệt vời, giúp phát triển não và mắt của em bé. Chúng còn giúp làm dịu các triệu chứng khó chịu của viêm loét đại tràng.

            Thủy ngân tích tụ khá nhiều trong một số loại hải sản. Tuy nhiên, khi mang thai, bạn vẫn có thể ăn các loại cá khác theo những hướng dẫn sau:

            • Ăn tối đa 340 gram (khoảng 12 ounce) cá có hàm lượng thủy ngân thấp mỗi tuần, chẳng hạn như tôm, cá ngừ đóng hộp loại nhẹ, cá hồi, và cá trê.
            • Tránh ăn cá mập, cá kiếm, cá thu vua hoặc cá ngói, vì chúng chứa nhiều thủy ngân.
            • Giới hạn cá ngừ trắng albacore ở mức 170 gram (6 ounce) mỗi tuần.

            Bổ sung dinh dưỡng

            Bệnh viêm loét đại tràng có thể khiến cơ thể bạn không hấp thụ đủ một số vitamin và khoáng chất quan trọng từ thức ăn. Hãy trao đổi với bác sĩ, họ có thể đề nghị bổ sung thêm vitamin ngoài những loại vitamin bà bầu.

            Ví dụ, nếu bạn dùng thuốc sulfasalazine, bạn có thể cần bổ sung thêm axit folic nhiều hơn mức khuyến nghị cho phụ nữ mang thai.

            Thuốc steroid có thể làm giảm mức canxi, vì vậy bạn có thể cần bổ sung thêm canxi và vitamin D.

            Để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt, bạn cần bổ sung thêm chất này.

            Thuốc điều trị viêm loét đại tràng sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ như thế nào?

            Có hai loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng được biết đến là gây dị tật bẩm sinh: methotrexate và thalidomide. Hãy trao đổi với bác sĩ chuyển sang loại thuốc khác ít nhất 3 tháng trước khi có kế hoạch mang thai.

            Bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng dùng steroid hoặc giảm liều xuống mức rất thấp. Steroid có thể gây rủi ro trong thai kỳ, như tăng nhẹ nguy cơ em bé sinh ra bị hở hàm ếch.

            Các loại thuốc khác điều trị viêm loét đại tràng có thể an toàn để sử dụng. Để kiểm soát tốt bệnh trong thai kỳ, bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.

            Có thể sinh em bé khỏe mạnh không?

            Chăm sóc tốt trong thai kỳ sẽ giúp bạn tăng khả năng sinh con khỏe mạnh. Bạn cần theo sát bác sĩ để kiểm soát tốt bệnh viêm loét đại tràng trong suốt thai kỳ, vì phụ nữ mắc bệnh viêm ruột thường có nguy cơ gặp các biến chứng như sảy thai, sinh non, và sinh con nhẹ cân.

            Thuốc điều trị viêm loét đại tràng là nguyên nhân chính khiến nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng nhẹ, chứ không phải bệnh viêm loét đại tràng.

            Bác sĩ sản phụ khoa sẽ coi thai kỳ của bạn là có nguy cơ cao và sẽ giới thiệu bạn đến bác sĩ chuyên về thai kỳ phức tạp (bác sĩ tiền sản). Điều này có nghĩa là bạn sẽ được kiểm tra định kỳ bởi bác sĩ sản, bác sĩ tiêu hóa và bác sĩ tiền sản.

            Bệnh viêm loét đại tràng sẽ ảnh hưởng đến em bé như thế nào?

            Khả năng bạn truyền bệnh viêm loét đại tràng cho em bé rất thấp, chỉ khoảng 2% đến 5%. Nguy cơ này tăng lên khoảng 30% nếu cả cha lẫn mẹ đều mắc bệnh viêm ruột.

            Việc thông báo cho bác sĩ nhi khoa về thuốc điều trị viêm loét đại tràng mà mẹ đã dùng là rất quan trọng.

            Nếu bạn đã sử dụng thuốc sinh học trong hai tam cá nguyệt cuối của thai kỳ, hệ miễn dịch của em bé — cơ chế phòng vệ chống lại vi khuẩn — có thể bị ảnh hưởng. Trong nửa năm đầu đời, cần tránh tiêm cho bé các loại vắc-xin có virus sống.

            Nguồn: https://www.webmd.com/ibd-crohns-disease/ulcerative-colitis/uc-pregnancy-faqs 

            Share