125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Vắc xin cho trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết

            Vắc xin cho trẻ em: Những điều cha mẹ cần biết

            THAI THINH MEDIC
            23/10/2024

            Là cha mẹ, chắc hẳn bạn luôn mong muốn con mình khỏe mạnh, vui vẻ và được bảo vệ an toàn. Bên cạnh việc chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ, một trong những cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe của con chính là cho con đi khám sức khỏe định kỳ và tiêm vắc xin đầy đủ. Bài viết sau đây sẽ trả lời các câu hỏi thường gặp của cha mẹ về vắc xin cho trẻ, giải đáp tại sao các bác sĩ khuyến nghị tiêm một số loại vắc xin nhất định cũng như thời điểm tiêm chủng phù hợp cho trẻ.

            Vắc xin là gì?

            Vắc xin là loại thuốc tiêm hoặc thuốc uống có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nghiêm trọng, thậm chí các bệnh có thể đe dọa tính mạng. Vắc xin hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra các kháng thể – công cụ cần thiết để chống lại virus và vi khuẩn gây bệnh. uy nhiên, cơ thể cần vài tuần để sản sinh ra các kháng thể này. Vì vậy nếu trẻ tiếp xúc với bệnh ngay trước hoặc ngay sau khi tiêm, trẻ vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

            vac-xin-cho-tre-em-2

            Trẻ cần những loại vắc xin nào?

            Hầu hết trẻ em khỏe mạnh đều cần được tiêm vắc xin theo lịch trình nhất định khi chúng lớn lên. Bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ thời điểm tiêm chủng phù hợp cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ có thể tìm hiểu thêm lịch tiêm chủng cho trẻ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC. Sau đây là thông tin về các loại vắc xin cho trẻ em quan trọng được khuyến cáo:

            Giai đoạn 0 - 6 tuổi

            • Vắc xin Lao: Giúp trẻ phòng ngừa vi khuẩn Lao, tránh những ảnh hưởng đến phổi, xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác. Vắc xin Lao được chỉ định tiêm cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt (tiêm ngay trong 24 giờ đầu sau sinh) nếu trẻ đủ cân nặng trên 2kg, >= 34 tuần tuổi thai và sức khỏe ổn định. 
            • Vắc xin viêm gan B: Bảo vệ trẻ khỏi virus viêm gan B, nguyên nhân gây suy gan nghiêm trọng. Trẻ cần tiêm 3 liều vắc xin trong vòng 18 tháng đầu đời.
            • Vắc xin phòng virus hợp bào hô hấp (RSV): Mẹ hoặc trẻ sơ sinh nên được tiêm nirsevimab (kháng thể đơn dòng RSV) để ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp dưới do virus hợp bào hô hấp ở trẻ sơ sinh.
            • Vắc xin Rotavirus (RV): Vắc xin bảo vệ trẻ khỏi các loại virus gây tiêu chảy nặng, đe dọa tính mạng. Trẻ sơ sinh cần nhận 2 hoặc 3 liều vắc xin uống trong giai đoạn từ 2 - 6 tháng tuổi, tùy thuộc vào loại vắc xin sử dụng.
            • Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván: Trẻ cần được tiêm 5 mũi vắc xin phòng chống lại ba căn bệnh này. Liều đầu tiên bắt đầu từ 2 tháng tuổi và tiếp tục đến khi trẻ lên 6 tuổi.
            • Vắc xin phòng viêm màng não, viêm phổi, và nhiễm trùng khí quản do Haemophilus influenzae type b (Hib): Trẻ cần tiêm 3 hoặc 4 liều (tùy thuộc vào nhãn hiệu vắc xin), mũi đầu tiên bắt đầu tiêm từ 2 tháng tuổi.
            • Vắc xin phế cầu khuẩn (PCV 15, PCV 20; PPSV23 khi 2 tuổi): Vắc xin ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng như viêm màng não và nhiễm trùng máu, bao gồm 4 liều, lịch tiêm bắt đầu từ 2 tháng tuổi.
            • Vắc xin bại liệt (IPV): Bao gồm năm  liều vắc xin giúp phòng ngừa bệnh bại liệt nguy hiểm. Liều đầu tiên tiêm khi trẻ được 2 tháng tuổi.
            • Vắc xin sởi, quai bị, rubella (MMR): Vắc xin phòng 3 bệnh sởi, quai bị và rubella, tiêm 2 liều vào hai đợt 12-15 tháng tuổi và 4- 6 tuổi.
            • Vắc xin Viêm gan A: Virus viêm gan A cũng có thể gây suy gan. Trẻ em được khuyến cáo nên tiêm 2 liều vắc xin viêm gan A, bắt đầu khi trẻ tròn 1 tuổi để phòng bệnh hiệu quả
            • Vắc xin thủy đậu: Hai liều vắc xin thủy đậu tiêm cách nhau 4 - 5 năm. Liều đầu tiên thường được tiêm khi trẻ được 12-15 tháng, cùng vắc xin sởi, quai bị, rubella. Liều thứ 2 tiêm khi trẻ được 4 - 6 tuổi.
            • Vắc xin viêm não Nhật Bản: Trẻ cần tiêm 2 hoặc 3 liều (tùy thuộc vào nhãn hiệu vắc xin), mũi đầu tiên bắt đầu tiêm từ 9 tháng tuổi.
            • Vắc xin phòng viêm màng não mô cầu tuýp ACYW: Trẻ 9-23 tháng tuổi sẽ tiêm hai liều, cách nhau 3 tháng; trẻ từ hai tuổi trở lên và người lớn tiêm một liều duy nhất.
            • Vắc xin cúm: CDC Hoa Kỳ khuyến nghị tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên và người lớn tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm vào trước khi mùa cúm bắt đầu. Trẻ dưới 9 tuổi có thể cần tiêm nhiều hơn 1 liều để đảm bảo khả năng phòng bệnh tối ưu.
            • Vắc xin thương hàn: Trẻ cần tiêm 1 liều vào lúc 2 tuổi, nhắc lại mỗi 3 năm.
            vac-xin-cho-tre-em-3

            Giai đoạn 7 - 18 tuổi

            • Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván: Sau khi đã tiêm đủ các mũi cơ bản, trẻ cần nhắc lại 1 mũi sau mỗi 10 năm để đảm bảo khả năng bảo vệ của vắc xin.
            • Vắc xin phòng bệnh não mô cầu tuýp ACYW:  1 liều duy nhất.
            • Vắc xin phòng não mô cầu nhóm B: Nếu chưa từng đc tiêm trước đó, trẻ cần tiêm 2 liều, cách nhau 1 năm.
            • Vắc xin HPV: Vắc xin phòng virus HPV  (Human Papilloma Virus) - loại virus gây viêm nhiễm vùng sinh dục và ung thư cổ tử cung cũng như các loại ung thư ở vùng họng, hậu môn, dương vật, âm đạo, hoặc âm hộ và mụn cóc sinh dục. Phác đồ tiêm cho trẻ 11 - 14 tuổi bao gồm 2 mũi. Nếu bắt đầu tiêm sau tuổi 15, trẻ sẽ tiêm phác đồ 3 mũi.
            • Vắc xin cúm: Vắc xin được khuyến cáo tiêm nhắc lại hàng năm.

            Ngoài ra, trẻ cũng cần tiêm các vắc xin dưới đây nếu chưa được tiêm trước 7 tuổi:

            • Vắc xin Viêm gan A
            • Vắc xin Viêm gan B
            • Vắc xin bại liệt
            • Vắc xin sởi - quai bị - rubella
            • Vắc xin thủy đậu
            vac-xin-cho-tre-em-4

            Tại sao trẻ cần tiêm nhiều mũi tiêm cùng một lúc?

            Các nhà khoa học căn cứ thời gian tiêm vắc xin cho trẻ em dựa trên một số yếu tố quan trọng:

            • Độ tuổi vắc xin hoạt động tốt ưu trong hệ miễn dịch: Các nhà nghiên cứu đã thực hiện nhiều nghiên cứu để xác định thời điểm và liều lượng phù hợp cho từng loại vắc xin cho trẻ em, bao gồm cả thời gian tiêm nhắc lại.
            • Ngăn ngừa bệnh kịp thời: Việc tiêm vắc xin sớm giúp bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật ngay từ đầu. Nếu các mũi tiêm cách nhau trong thời gian dài, trẻ có thể thiếu sự bảo vệ cần thiết. Đặc biệt, những bệnh cần phòng ngừa bằng vắc xin thường gây ra những nguy cơ nghiêm trọng hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ so với người lớn.

            Có thể cha mẹ đang băn khoăn liệu có nên hoãn lại các mũi tiêm cho con hay không. Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng lịch tiêm chủng được khuyến nghị bởi CDC đã được chứng minh là tối ưu nhất cho sức khỏe của trẻ em. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy có bất kỳ lịch tiêm nào khác an toàn hoặc hiệu quả hơn.

            Cha mẹ cũng cần lưu ý rằng cơ thể trẻ phải chống lại tới 6000 vi trùng mỗi ngày. Trong khi số vi trùng mà một đợt tiêm vắc xin tiêu chuẩn tiếp xúc với trẻ chỉ rơi vào khoảng 150.

            vac-xin-cho-tre-em-5

            Tại sao một số loại vắc xin trẻ cần tiêm nhắc lại?

            Nhiều loại vắc xin cho trẻ em yêu cầu trẻ phải nhận hơn một liều để giúp hệ miễn dịch xây dựng đầy đủ các yếu tố bảo vệ cần thiết. Vì vậy việc cho trẻ tiêm đầy đủ liều vắc xin theo phác đồ là rất quan trọng; nếu không, trẻ có thể không nhận được sự bảo vệ cần thiết để chống lại các bệnh lý nguy hiểm.

            Hơn nữa, một số vắc xin có thể giảm hiệu lực theo thời gian. Các mũi tiêm nhắc lại trong trường hợp này sẽ giúp đảm bảo hệ miễn dịch của trẻ vẫn có khả năng chống lại các bệnh tật.
            Nếu trẻ bỏ lỡ một liều tiêm phòng, hãy nói chuyện với bác sĩ của trẻ để đặt lịch lại. Ngoài ra, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh CDC cũng cung cấp "Lịch tiêm chủng bù" dành cho những trẻ đã bỏ lỡ các mũi tiêm phòng cần thiết.

            vac-xin-cho-tre-em-6

            Ai không nên tiêm vắc xin?

            Trẻ bị cảm nhẹ vẫn có thể đi tiêm vắc xin đúng lịch. Tuy nhiên, trong trường hợp trẻ bị ốm nặng, các bác sĩ có thể tư vấn hoãn tiêm cho đến khi trẻ khỏe hơn. Cha mẹ hãy thông báo chi tiết cho bác sĩ về bất kỳ tình trạng sức khỏe nào mà trẻ đã hoặc đang gặp phải trước khi tiêm vắc xin.

            Trẻ em mắc một số loại ung thư hoặc gặp vấn đề về hệ miễn dịch nên tránh tiêm các vắc xin sống, bao gồm vắc xin cúm dạng xịt, vắc xin thủy đậu và vắc xin phòng sởi-quai bị-rubella. Nếu trẻ có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nói trên, cha mẹ hãy cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ.

            Bên cạnh đó, trẻ không nên tiêm lại vắc xin nếu đã từng có phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với loại vắc xin đó trong quá khứ. Ngoài ra, trẻ cũng có thể cần bỏ một mũi vắc xin khi bị dị ứng nặng với trứng, gelatin hoặc một số loại kháng sinh. Bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ liệu loại vắc xin đó có phù hợp với trẻ hay không.

            vac-xin-cho-tre-em-7

            Tác dụng phụ của vắc xin

            Giống như bất kỳ loại thuốc nào khác, vắc xin cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Hầu hết các phản ứng đều nhẹ và không kéo dài. Sau khi tiêm, trẻ có thể sẽ tỏ ra khó chịu, bị sốt nhẹ, cảm thấy đau hoặc bị đỏ da tại vùng tiêm.

            Một số trẻ cũng có thể gặp phải tình trạng sưng hạch bạch huyết và đau khớp. Những phản ứng này thường tự hết mà không cần can thiệp. Cha mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn nếu trẻ gặp các tình trạng này.

            Các phản ứng phụ nghiêm trọng do vắc xin rất hiếm gặp. Tuy nhiên, cha mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng như phát ban, sốt cao và sưng tấy chỗ tiêm sau khi tiêm vắc xin.

            vac-xin-cho-tre-em-8

            Không cho trẻ tiêm vắc xin có sao không?

            Nếu không tiêm vắc xin cho trẻ em, trẻ sẽ có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Nếu trẻ bị ốm, trẻ có thể lây lan vi khuẩn cho những em chưa được tiêm phòng đầy đủ hoặc những người không thể tiêm vắc xin.

            Giống như cha mẹ, các bác sĩ nhi khoa luôn muốn trẻ được an toàn và khỏe mạnh. Nếu cha mẹ có bất kỳ thắc mắc hay lo lắng nào, hãy trao đổi với bác sĩ để đưa ra quyết định tốt nhất cho con.
             

            Share