Sau khi đi siêu âm đầu dò về bị chảy máu khiến nhiều chị em lo lắng, đặc biệt là các mẹ bầu. Tuy nhiên, hiện tượng này không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Theo dõi ngay bài viết sau đây để tìm hiểu nguyên nhân siêu âm đầu dò bị chảy máu và cách xử lý khi gặp phải tình trạng này chị em nhé!
1. Tại sao đi siêu âm đầu dò về bị ra máu?
Siêu âm đầu dò là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng để kiểm tra các cơ quan trong vùng chậu như tử cung, buồng trứng, cổ tử cung và ống dẫn trứng. Kỹ thuật này sử dụng một đầu dò có hình dạng dài, thon, được bọc bao cao su và phủ gel bôi trơn, sau đó đưa vào âm đạo để thu được hình ảnh chi tiết. So với siêu âm ngoài thành bụng - phương pháp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, siêu âm đầu dò có thể cung cấp hình ảnh rõ nét hơn về các cơ quan sinh dục ở nữ và hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Siêu âm đầu dò được đánh giá là phương pháp thăm khám an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, có một số trường hợp chị em phụ nữ khi đi siêu âm đầu dò về bị ra máu. Hiện tượng này khiến nhiều chị em lo lắng và e ngại việc đi siêu âm.
Trên thực tế, hiện tượng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Nguyên nhân siêu âm đầu dò bị chảy máu:
- Tác động cơ học từ đầu dò: Dù được bao bọc cẩn thận và bôi trơn, nhưng khi đầu dò di chuyển trong âm đạo có thể gây ra một chút ma sát hoặc áp lực lên niêm mạc, khiến một số mạch máu nhỏ bị vỡ và gây ra chảy máu nhẹ. Tay nghề của bác sĩ siêu âm cũng là yếu tố có thể dẫn đến tình trạng chảy máu này. Ngoài ra, tâm lý lo lắng và căng thẳng của chị em khi thực hiện siêu âm đầu dò cũng gây xu hướng siết chặt vùng âm đạo, khiến cho đầu dò gặp khó khăn trong việc di chuyển và gây ma sát mạnh hơn.
- Viêm nhiễm vùng âm đạo hoặc tử cung: Nếu phụ nữ có tình trạng viêm nhiễm tại âm đạo hoặc tử cung, như viêm âm hộ, viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo, việc siêu âm đầu dò có thể làm tổn thương mô viêm, gây ra hiện tượng chảy máu. Trong những trường hợp này, máu chảy có thể kèm theo cảm giác đau hoặc khó chịu.
- Cơ địa nhạy cảm hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt: Một số phụ nữ có cơ địa nhạy cảm, đặc biệt là những người đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Sự thay đổi nội tiết tố có thể làm niêm mạc âm đạo trở nên dễ tổn thương hơn, khiến cho việc đưa đầu dò vào có thể dẫn đến chảy máu nhẹ.
Siêu âm đầu dò bị ra máu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng nguy hiểm
2. Siêu âm đầu dò bị ra máu có sao không?
Việc đi siêu âm đầu dò về bị ra máu không phải lúc nào cũng đáng ngại. Trên thực tế, phần lớn các trường hợp là do tác động cơ học nhẹ và sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn (dưới 24 giờ) và không kèm theo các triệu chứng khác.
Tuy nhiên, đôi khi chị em cũng có thể gắp các dấu hiệu sau:
- Máu ra nhiều, ồ ạt, kéo dài sau 1 - 2 ngày sau siêu âm
- Đau bụng dữ dội, đau quặn đặc biệt ở vùng bụng dưới
- Máu có màu sắc bất thường như thâm đen, có mùi khó chịu
Các dấu hiệu này có thể cảnh báo nhiều tình trạng nghiêm trọng như viêm nhiễm, nhiễm trùng phụ khoa, đặt biệt là ảnh hưởng của dọa sảy thai, thai ngoài tử cung hoặc nhau tiền đạo ở phụ nữ mang thai. Vì vậy, chị em theo dõi sức khỏe sau khi siêu âm đầu dò bị chảy máu và tới ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ xác định nguyên nhân xử lý kịp thời khi có các dấu hiệu bất thường.
Việc đi siêu âm đầu dò về bị ra máu không phải lúc nào cũng đáng ngại.
3. Cách xử lý khi bị ra máu sau siêu âm đầu dò
Khi đi siêu âm đầu dò bị chảy máu, chị em có thể tự theo dõi tại nhà và chăm sóc cơ thể như sau:
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Sử dụng dung dịch vệ sinh nhẹ dịu, không chứa hóa chất gây kích ứng. Đồng thời lau khô vùng kín bằng khăn mềm, sạch, tránh mặc quần áo bó sát hoặc ẩm ướt.
- Nghỉ ngơi và hạn chế hoạt động mạnh để cơ thể tự hồi phục.
Ngoài ra, đối với chị em gặp các tình trạng bất thường sau siêu âm đầu dò, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân gây chảy máu và đưa ra hướng xử lý phù hợp như sau:
- Trường hợp tổn thương cơ học nhẹ: Khuyến nghị tự theo dõi hoặc thực hiện cầm máu đơn giản.
- Nguyên nhân do viêm nhiễm: Chỉ định thuốc kháng sinh/chống nấm và thuốc chống viêm để điều trị.
- Nguyên nhân do bất thường trong thai kỳ: Chỉ định thuốc an thai (khi bị dọa sảy thai) hoặc các thủ thuật điều trị ngoại khoa (khi bị thai ngoài tử cung),...
Khi đi siêu âm đầu dò bị chảy máu, chị em có thể tự theo dõi tại nhà và chăm sóc cơ thể.
4. Khi nào cần đi siêu âm đầu dò?
Siêu âm đầu dò là một kỹ thuật y khoa hữu ích khi kiểm tra các vấn đề liên quan đến vùng chậu và cơ quan sinh sản của phụ nữ. Siêu âm đầu dò có thể được chỉ định thực hiện trong các trường hợp sau đây:
Các vấn đề phụ khoa
- Khám các bệnh lý phụ khoa: Siêu âm đầu dò giúp phát hiện các khối polyp, u xơ tử cung, u nang buồng trứng hoặc viêm tắc, dính hoặc xoắn phần phụ,...
- Kinh nguyệt bất thường: Nếu chị em bị kinh nguyệt không đều, chảy máu bất thường giữa chu kỳ, hoặc đau dữ dội khi hành kinh, siêu âm đầu dò có thể hỗ trợ xác định nguyên nhân.
- Chẩn đoán viêm nhiễm phụ khoa: Công cụ này hỗ trợ kiểm tra các vấn đề viêm nhiễm âm đạo hoặc cổ tử cung khi có khí hư bất thường hoặc mùi hôi.
- Đánh giá tổn thương: Trong các trường hợp bị đau bụng dưới hoặc đau khi quan hệ tình dục, siêu âm đầu dò cung cấp hình ảnh chi tiết để chẩn đoán tình trạng.
- Xác định vị trí của vòng tránh thai: Siêu âm có thể hỗ trợ bác sĩ xem xét vị trí và đánh giá hiệu quả của vòng tránh thai.
Các vấn đề khi mang thai
- Xác định thai sớm: Đây là phương pháp hiệu quả để xác định có thai từ tuần thứ 4-5, thậm chí khi thai còn quá nhỏ để siêu âm bụng.
- Phát hiện thai ngoài tử cung: Siêu âm đầu dò giúp kiểm tra vị trí thai, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như vỡ ống dẫn trứng.
- Theo dõi tim thai: Ở tuần thứ 6-8, bác sĩ có thể đánh giá hoạt động của tim thai, phát hiện sớm các bất thường.
- Kiểm tra chảy máu bất thường: Nếu mẹ bầu gặp hiện tượng ra máu âm đạo không rõ nguyên nhân, siêu âm đầu dò giúp xác định tình trạng tử cung, quan sát hình dạng, chiều dài của cổ tử cung để đánh giá tình trạng mẹ bầu và hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng sảy thai, sinh non.
- Kiểm tra thai nhi: Bất thường dây rốn hoặc những dị tật bẩm sinh từ giai đoạn sớm.
Tham khảo thêm: Mới bầu có nên siêu âm đầu dò không? Những điều mẹ bầu cần biết
Siêu âm đầu dò có thể được chỉ định thực hiện trong thai kỳ hoặc khi thăm khám bệnh phụ khoa.
5. Lưu ý khi đi siêu âm đầu dò
Để đảm bảo có trải nghiệm thoải mái và hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán kết quả chính xác khi đi siêu âm đầu dò, chị em nên chú ý:
- Đi vệ sinh trước khi siêu âm: Việc làm rỗng bàng quang sẽ giúp đầu dò tiếp cận tốt hơn với các cơ quan vùng chậu, từ đó mang lại hình ảnh siêu âm rõ nét hơn.
- Mặc trang phục thoải mái: Hãy chọn những bộ quần áo dễ cởi, ưu tiên mặc váy rộng để thuận tiện cho việc thăm khám.
- Thông báo tình trạng sức khỏe cho bác sĩ: chu kỳ kinh nguyệt, triệu chứng bất thường, tình trạng mang thai/nghi ngờ có thai, tiền sử bệnh lý hoặc can thiệp y tế trước đó.
- Thả lỏng cơ thể và giữ tâm lý thoải mái: Siêu âm đầu dò không gây đau, nhưng có thể tạo cảm giác hơi khó chịu. Hãy hít thở sâu và thư giãn để quá trình diễn ra thuận lợi hơn.
- Vệ sinh sạch sẽ vùng kín, loại bỏ tampon (một dạng băng vệ sinh) trước khi siêu âm.
Ngoài ra chị em hãy lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị hiện đại để thực hiện siêu âm đầu dò.
Chị em cần chuẩn bị tố trước khi siêu âm để đảm bảo có trải nghiệm thoải mái
Trên đây là những thông tin chia sẻ từ chuyên gia Thai Thinh Medic cho các chị em đi siêu âm đầu dò về bị ra máu. Tình trạng này đa phần không gây nguy hiểm, tuy nhiên chị em hãy chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và đến ngay cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường để được bác sĩ tư vấn và điều trị đúng cách.