Cúm mùa đang bùng phát mạnh đầu năm 2025, đe dọa sức khỏe của hàng triệu người. Các bệnh viện liên tục ghi nhận số ca mắc gia tăng, nhiều trường hợp diễn tiến nặng do biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Đặc biệt, người già, trẻ nhỏ và người mắc bệnh nền có nguy cơ cao gặp biến chứng nguy hiểm. Giữa làn sóng dịch bệnh, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta cần làm gì để bảo vệ bản thân và gia đình?
Tại sao dịch cúm đầu năm 2025 diễn biến phức tạp?
Dịch cúm đầu năm 2025 đang trở thành mối lo ngại lớn khi số ca mắc tăng cao và xuất hiện nhiều trường hợp diễn tiến nặng. Không chỉ tại Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với tình trạng lây lan nhanh chóng của virus cúm, gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Các chuyên gia cảnh báo rằng đây có thể là một trong những đợt dịch cúm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, với nhiều yếu tố tác động khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát.
Sự bùng phát mạnh mẽ của dịch cúm năm 2025 không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động đồng thời. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người ít tiếp xúc với virus cúm trong thời gian dài do các biện pháp giãn cách xã hội trước đây. Điều này vô tình làm hệ miễn dịch kém thích nghi với virus cúm khi nó quay trở lại, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn và diễn tiến nặng hơn, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh, ẩm, cùng với tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng, đặc biệt là nồng độ bụi mịn PM2.5 cao, tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và xâm nhập vào cơ thể. Hệ hô hấp bị ảnh hưởng bởi không khí ô nhiễm cũng dễ tổn thương hơn, khiến người bệnh có nguy cơ gặp phải biến chứng nặng.
Vắc xin cúm đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh và hạn chế biến chứng. Tuy nhiên, việc tiêm chủng chưa phổ biến rộng rãi, đặc biệt ở nhóm có nguy cơ cao, khiến dịch bệnh có điều kiện lây lan mạnh. Hơn nữa, đa phần người bệnh chủ quan với triệu chứng cúm ban đầu và tự điều trị tại nhà thay vì đến cơ sở y tế sớm. Khi bệnh trở nặng, virus có thể gây tổn thương phổi, làm suy giảm chức năng hô hấp và dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết hoặc suy đa cơ quan. Việc nhập viện muộn khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn và làm tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những đối tượng nhạy cảm như trẻ nhỏ, người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, hen suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính,...
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thống kê, mỗi năm có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó 3 - 5 triệu ca trở nặng và có tới 290.000 - 650.000 trường hợp tử vong [1]. Thực tế cho thấy, nhiều người vẫn có tâm lý xem nhẹ bệnh cúm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi bệnh chuyển biến nặng. Vì vậy, việc chủ động phòng ngừa, tiêm vaccine và nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của cúm là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Tìm hiểu thông tin về bệnh cúm mùa
Cúm có phải bệnh cảm thông thường?
Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi-rút cúm lưu hành ở tất cả các nơi trên thế giới. Các triệu chứng của cúm mùa bao gồm sốt đột ngột, ho (thường là ho khan), đau đầu, đau cơ và khớp, mệt mỏi, đau họng và chảy nước mũi. Ho có thể nặng và kéo dài từ hai tuần trở lên.
Hầu hết mọi người phục hồi hết sốt và các triệu chứng khác trong vòng một tuần mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cúm mùa có thể gây ra bệnh nặng hoặc tử vong, đặc biệt trong số các nhóm đối tượng nguy cơ cao bao gồm trẻ nhỏ, người già, phụ nữ mang thai, nhân viên y tế và những người đang mắc các bệnh nặng khác [1].
Nhiều người cho rằng cúm mùa là bệnh cảm lạnh thông thường, tuy nhiên đây lại là 2 bệnh khác nhau. Khác với cảm lạnh, cúm mùa có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề như viêm tai, viêm phổi, viêm não… hoặc tử vong, đặc biệt là với nhóm đối tượng trẻ nhỏ, người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai nếu không được điều trị kịp thời.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Mùa cúm ở Việt Nam vào tháng mấy?
Bệnh cúm lưu hành quanh năm và lan rộng vào mùa đông - xuân và mùa thu - đông, đỉnh điểm của mùa cúm tại Việt Nam có thể rơi vào tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10 hàng năm.
Phân loại các chủng cúm
Virus cúm được phân thành 4 chủng, có ký hiệu là A, B, C, D:
- Cúm A là chủng phổ biến nhất, có thể bùng phát thành những đợt dịch (dịch H5N1, H3N2) nếu gặp điều kiện thuận lợi.
- Chủng cúm B có khả năng lây lan rất mạnh từ người sang người nhưng nguy cơ trở thành đại dịch không cao.
- Chủng cúm C ít gặp, ít nguy hiểm hơn và không có khả năng bùng phát thành dịch.
- Chủng cúm D chỉ gây bệnh cho gia súc và không gây bệnh ở người.
Bệnh cúm lây lan như thế nào?
Bệnh cúm lây lan chủ yếu thông qua những giọt bắn li ti tạo ra khi người mắc cúm hắt hơi, ho hoặc nói chuyện.
Ngoài ra, cũng có trường hợp người mắc cúm khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể nào đó chứa virus cúm sau đó chạm vào mắt, mũi, miệng của mình.

Bệnh cúm lây lan như thế nào?
Nhận biết triệu chứng bệnh cúm thường gặp
Bệnh cúm dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh vì có triệu chứng tương đồng nhau. Các mẹ có thể nghĩ đến bệnh cúm khi thấy các dấu hiệu sau:
- Đau đầu, sổ mũi, hắt hơi, ho
- Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C)
- Đau nhức cơ bắp, mệt mỏi toàn thân, không còn sức lực
- Đau đầu, chóng mặt, cảm giác ớn lạnh
- Buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn)
Cúm có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 1 - 5 ngày, trung bình là 2 ngày. Người bệnh đào thải virus khoảng 1 - 2 ngày trước khi khởi phát và 3 - 5 ngày sau khi có triệu chứng lâm sàng. Sốt và triệu chứng khác sẽ biến mất sau khoảng 5 ngày nhưng ho và mệt mỏi vẫn kéo dài. Trong vòng 1 hoặc 2 tuần, tất cả các triệu chứng sẽ hết hoàn toàn [2].
Bệnh cúm có thể gây nên biến chứng gì?
- Đối với trẻ em và người già, người mắc bệnh nền: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, suy hô hấp…, làm nặng thêm các bệnh nền.
- Đối với phụ nữ mang thai, bệnh cúm có thể gây biến chứng phổi hoặc sảy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây các bất thường về hệ thần kinh thai nhi.
- Hội chứng Reye (sưng phù ở gan và não) là biến chứng nguy hiểm nhất, tỷ lệ tử vong cao, thường gặp ở trẻ từ 2 đến 16 tuổi. Biến chứng Reye sẽ xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng đặc trưng giảm dần, trẻ sẽ bị nôn, mê sảng, co giật sau đó hôn mê sâu rồi tử vong.

Bệnh cúm có thể gây nên biến chứng gì?
Cách tự chăm sóc và điều trị cúm tại nhà khi có các triệu chứng nhẹ
- Nghỉ ngơi cho tới khi hạ sốt, ăn thức ăn mềm, dễ tiêu và bổ sung oresol.
- Vệ sinh mũi - họng 2 – 3 lần mỗi ngày với nước muối sinh lý
- Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại cúm. Không nên tự ý dùng thuốc kháng virus để điều trị cúm khi chưa có bác sĩ tư vấn và chỉ định.
Khi nào bạn cần đến khám?
Nếu có các triệu chứng như sốt cao, ho, đau đầu, mệt mỏi, người bệnh nên:
- Nghỉ ngơi tại nhà, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây lan virus.
- Không tự ý dùng thuốc kháng sinh hay thuốc điều trị mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Sốt > 38 độ C hoặc sốt liên tục kéo dài
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng sau đây, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời:
- Triệu chứng của cúm (ho, sổ mũi, mệt mỏi…) kéo dài trên 7 ngày
- Lơ mơ, tím tái
- Tức ngực, khó thở (ở trẻ em có khò khè, đau tai)
- Ở trẻ nhỏ: trẻ quấy khóc, giấc ngủ thất thường hoặc li bì
Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch.
Vắc xin phòng ngừa cúm an toàn, hiệu quả và có sẵn và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua. Miễn dịch ở những người tiêm vắc xin theo thời gian vì vậy nên tiêm vắc xin hàng năm để phòng bệnh cúm mùa. Tiêm vắc xin phòng cúm mùa đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ bị biến chứng của bệnh cúm và những người sống chung hoặc chăm sóc những người có nguy cơ cao. WHO khuyến cáo tiêm phòng cúm mùa hàng năm cho các đối tượng sau:
- Phụ nữ mang thai
- Trẻ em, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi
- Người cao tuổi (trên 65 tuổi);
- Người mắc bệnh mạn tính (COPD, suy tim, viêm đa khớp, bệnh lupus…);
- Nhân viên y tế;
- Người đi du lịch giữa các nước và các vùng trong một nước.
Lưu ý:
- Có thể tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng, đối với trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi nếu chưa từng tiêm ngừa cúm cần tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng.
- Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ tháng thứ 3 để bảo vệ cả mẹ và bé.
- Cần tiêm nhắc lại hàng năm vì virus cúm biến đổi liên tục, kháng thể bảo vệ cũng giảm dần theo thời gian.

Các biện pháp phòng ngừa cúm khác [3]:
- Che mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi để giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp, nên che bằng các loại khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng 1 lần hoặc ống tay áo.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên, đặc biệt là sau khi ho, hắt hơi.
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc cúm khi không cần thiết.
- Thực hiện lối sống lành mạnh: chế độ ăn cân đối dưỡng chất; tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe.
- Khi có triệu chứng như ho, sổ mũi, sốt, đau đầu, mệt mỏi, không được tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Cúm không đơn giản chỉ là bệnh cảm thông thường! Chủ động phòng bệnh bằng tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp bảo vệ sẽ giúp bạn và gia đình tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Phòng dịch vụ tiêm chủng 125 Thái Thịnh
Bạn muốn tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình? Đến ngay Thai Thinh Medic để được:
- Tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm bởi đội ngũ Bác sĩ giỏi chuyên môn - giàu kinh nghiệm
- Theo dõi sau tiêm chặt chẽ;
- Danh mục vắc xin đa dạng;
- Chi phí hợp lý cùng nhiều tiện ích khi đăng ký sử dụng dịch vụ tại Thai Thinh Medic
Phòng khám 125 Thái Thịnh
Thời gian làm việc: 07h30 - 12h00 | 13h30 - 17h00.
Hotline: 0972 88 1125
Website: thaithinhmedic.vn
Nguồn:
1. WHO : https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/influenza-(seasonal)
2. Cục Y tế dự phòng: https://vncdc.gov.vn/benh-cum-nd14502.html
3. Cục Y tế dự phòng: https://vncdc.gov.vn/thong-tin-ve-cum-mua-do-chung-cum-ah1n1-nd17597.html