125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Mẹ bầu bị nhau cài răng lược có giữ được tử cung không?

            Mẹ bầu bị nhau cài răng lược có giữ được tử cung không?

            THAI THINH MEDIC
            18/10/2024

            Nhau cài răng lược là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, khiến nhiều mẹ bầu lo lắng về khả năng bảo tồn tử cung sau sinh. Vậy nhau cài răng lược có giữ được tử cung không? Trên thực tế, khả năng bảo tồn tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ xâm lấn của bánh nhau, kỹ thuật phẫu thuật và tình trạng sức khỏe của sản phụ.

            Mẹ bầu bị nhau cài răng lược có giữ được tử cung không?

            Tổng quan về tình trạng nhau cài răng lược 

            Nhau cài răng lược (hay còn gọi là rau cài răng lược) là một tình trạng bất thường xảy ra trong thai kỳ, khi một phần hoặc toàn bộ bánh nhau bám chặt vào thành tử cung mà không thể tách ra sau khi sinh. Thông thường, bánh nhau sẽ bong ra khỏi thành tử cung một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi mẹ bầu mắc nhau cài răng lược, bánh nhau không thể tự bong mà còn xâm lấn sâu vào các cơ tử cung, đôi khi có thể lan sang các cơ quan lân cận, hay gặp nhất là bàng quang. Tình trạng này có thể bắt đầu từ giai đoạn đầu của thai kỳ và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi thai nhi phát triển.

            Hình ảnh nhau cài răng lược

            Tỷ lệ mắc nhau cài răng lược khoảng 1,7 trên 10.000 ca mang thai, tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng gia tăng ở những phụ nữ sinh mổ, có nhau tiền đạo hoặc có các yếu tố nguy cơ như tuổi cao, có tiền sử phẫu thuật tử cung (mổ lấy thai, bóc nhân xơ, nạo buồng tử cung...) hoặc những kỹ thuật can thiệp vào lòng tử cung khác.

            Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, nhau cài răng lược có thể dẫn đến băng huyết sau sinh, thủng/vỡ tử cung, nhiễm trùng hậu phẫu, thậm chí là đe dọa tính mạng mẹ bầu và thai nhi. Một số trường hợp nhau cài răng lược xâm lấn sâu vào bàng quang hoặc trực tràng, mẹ bầu thường phải can thiệp phẫu thuật để cắt bỏ tử cung hoặc các cơ quan lân cận bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mẹ bầu xuất huyết nhiều có thể sinh non, dẫn đến nhiều hệ lụy như trẻ dễ suy hô hấp, nhiễm trùng, vàng da và khó nuôi.

            Nhau cài răng lược có giữ được tử cung sau mổ không?

            Trước đây, phương pháp phẫu thuật chủ yếu cho mẹ bầu mắc nhau cài răng lược là mổ lấy thai và cắt tử cung (1 phần hoặc toàn phần). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thiên chức mang thai và làm mẹ của người phụ nữ. Do vậy, không ít mẹ bầu lo lắng nhau cài răng lược có giữ được tử cung sau mổ không.

            Trên thực tế, theo sự phát triển của y học, kỹ thuật mổ nhau cài răng lược có thể bảo tồn tử cung trong một số trường hợp. Tuy nhiên mẹ bầu có giữ được tử cung không thường phụ thuộc vào mức độ xâm lấn của bánh nhau vào thành tử cung và các cơ quan, xem xét tử cung, phần còn lại trên cổ tử cung và thân tử cung có đủ để bác sĩ chừa lại, may hoặc bảo tồn tử cung hay không.

            Do vậy, các mẹ bầu nên chuẩn bị tinh thần, theo dõi kỹ lưỡng tình trạng cơ thể và thông báo cho bác sĩ những dấu hiệu bất thường trong thai kỳ để được xử lý kịp thời, tăng cơ hội bảo tồn tử cung và hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

            Mẹ bầu có giữ được tử cung không phụ thuộc vào mức độ xâm lấn của bánh nhau vào thành tử cung và các cơ quan.

            Làm gì để phòng tránh và ngăn ngừa hậu quả của nhau cài răng lược?

            Để phòng tránh và ngăn ngừa hậu quả của nhau cài răng lược, mẹ bầu hãy lưu ý:

            • Kiểm soát các yếu tố nguy cơ như không nạo/hút thai, hạn chế sinh mổ, chỉ sinh mổ khi có chỉ định của bác sĩ
            • Khám thai định kỳ, siêu âm từ giai đoạn sớm, theo dõi sức khỏe thường xuyên để các bác sĩ có thể lên kế hoạch theo dõi và can thiệp kịp thời.
            • Lên kế hoạch sinh nở hợp lý, tránh sinh quá nhiều lần, tránh các lần sinh quá gần nhau, tốt nhất là các lần sinh nên cách nhau tối thiểu 18 tháng (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).
            • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có trang thiết bị hiện đại, đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và có ngân hàng máu đầy đủ để xử lý kịp thời trong trường hợp xảy ra biến chứng của nhau cài răng lược.

            Ngoài ra, mẹ bầu mắc nhau cài răng lược có thể phải chấm dứt thai kỳ sớm khiến em bé non tháng. Vì vậy, mẹ bầu hãy ưu tiên các cơ sở y tế có khả năng hồi sức và nuôi dưỡng trẻ sinh non.

            Lưu ý để phòng tránh và ngăn ngừa hậu quả của nhau cài răng lược

            Tóm lại, mẹ bầu mắc nhau cài răng lược có bảo tồn được tử cung không bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Mặc dù đây là một biến chứng nguy hiểm, nhưng với sự tiến bộ của y học, tỷ lệ thành công trong việc bảo tồn tử cung ngày càng cao. Mẹ bầu hãy luôn theo dõi sức khỏe và lắng nghe tư vấn của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
             

            Share