Thiếu ối là một vấn đề y tế quan trọng mà nhiều bà bầu có thể gặp phải trong thai kỳ. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi mà còn tiềm ẩn nguy cơ cho sức khỏe của người mẹ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và những phương pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé.
1. Thiếu ối là gì?
Thiếu ối, hay còn gọi là thiểu ối, là tình trạng khi lượng nước ối bao quanh thai nhi thấp hơn mức bình thường. Nước ối là chất lỏng trong suốt, xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai và có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự sống của thai nhi. Nước ối tạo ra môi trường sống an toàn cho thai nhi, giúp bảo vệ bé khỏi các tác động bên ngoài, đồng thời hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Cụ thể, lượng nước ối này có chứa các thành phần thiết yếu như dinh dưỡng, hormone, và kháng thể, giúp bảo vệ thai nhi khỏi các bệnh nhiễm trùng. Ngoài ra, nước ối còn giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của thai nhi, đồng thời giúp thai nhi di chuyển tự do và dễ dàng phát triển trong tử cung. Khi đến giai đoạn chuyển dạ, nước ối cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ cổ tử cung mở rộng và giúp thai nhi dễ dàng di chuyển qua ống sinh.
Trong suốt thai kỳ, lượng nước ối sẽ gia tăng theo tuần tuổi của thai nhi, đạt mức cao nhất vào tuần thứ 36, khoảng 1000ml. Sau đó, lượng nước ối sẽ giảm dần để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, khi lượng nước ối giảm xuống dưới ngưỡng bình thường, sẽ xảy ra tình trạng thiếu ối, đặc biệt phổ biến trong ba tháng cuối thai kỳ và có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Thiếu ối có thể là dấu hiệu của các vấn đề sản khoa nghiêm trọng khác. Vì vậy, mẹ bầu cần đi khám thai định kỳ đúng lịch để bác sĩ có thể theo dõi và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời khi bị thiếu ối nhằm bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.

Thiếu ối là tình trạng khi lượng nước ối bao quanh thai nhi thấp hơn mức bình thường.
2. Nguyên nhân gây thiếu ối
Thiếu ối có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, ảnh hưởng từ mẹ, thai nhi hoặc các phần phụ của thai. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu ối không xác định rõ được nguyên nhân cũng rất phổ biến, chiếm tới 30% các trường hợp.
Vỡ ối sớm hoặc rò rỉ nước ối trước thời điểm sinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây thiếu ối. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến thiếu ối như sau:
Nguyên nhân từ mẹ bầu
- Bệnh lý của mẹ: Các bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, bệnh thận, bệnh gan có thể ảnh hưởng đến chức năng của nhau thai và khả năng tái tạo nước ối.
- Sử dụng thuốc: Thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin có thể gây giảm sản xuất nước tiểu ở thai nhi, dẫn đến thiếu ối.
- Chế độ ăn uống kém: Việc không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong suốt thai kỳ có thể dẫn đến giảm cung cấp nước và chất dinh dưỡng đến thai nhi, khiến thai nhi giảm khả năng bài tiết nước tiểu và giảm khả năng tái tạo nước ối.
Nguyên nhân từ thai nhi
- Thai suy dinh dưỡng: Thai nhi suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của các cơ quan quan trọng, dẫn đến giảm khả năng sản xuất và điều hòa lượng nước ối.
- Thai quá ngày dự sinh: Quá ngày dự sinh, nhau thai bắt đầu suy giảm chức năng, không cung cấp đủ dưỡng chất và oxy cho thai nhi, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến thận thai nhi, giảm sản xuất nước tiểu và nước ối. Bên cạnh đó, khi thai quá ngày dự sinh, nguy cơ rò rỉ nước ối cũng cao hơn dẫn đến giảm tổng lượng nước ối.
- Thai bị dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sản xuất và tái hấp thu nước ối ở thai nhi như hẹp thực quản, không có dạ dày, van niệu đạo sau ở bé trai hay bất sản thận,...
- Nhiễm trùng thai nhi: Các nhiễm trùng như viêm màng ối hay nhiễm trùng bào thai có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận của thai nhi và tổn thương màng ối gây rò rỉ nước ối.
Nguyên nhân từ phần phụ của thai:
- Nhồi máu bánh rau, rau bong non hoặc thuyên tắc bánh rau: Trong những trường hợp này, khả năng cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo giảm sản xuất nước tiểu ở thai nhi và gây thiếu ối.
- Hội chứng truyền máu song thai: Hội chứng này xảy ra ở các thai đôi/đa thai dùng chung bánh nhau, khi có kết nối mạch máu bất thường giữa các thai. Một thai (thai nhận) nhận quá nhiều máu, trong khi thai còn lại (thai cho) nhận quá ít. Những thai chịu thiệt thòi thường phát triển chậm và giảm sản xuất nước tiểu, dẫn đến thiểu ối. Tuy nhiên, thiếu ối thường xuất hiện ở thai nhỏ hơn, trong khi thai lớn hơn có thể vẫn phát triển bình thường.

Thiếu ối có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau
3. Dấu hiệu thiếu ối mẹ bầu cần nhận biết và cách chẩn đoán
Khi gặp tình trạng thiếu ối, mẹ bầu có thể nhận thấy cảm giác đau bụng khi thai máy do sự tác động trực tiếp của thai nhi lên thành tử cung trong lúc di chuyển. Bên cạnh đó, mẹ có thể nhận thấy thai nhi ít vận động hoặc cử động không mạnh mẽ như trước. Điều này có thể phản ánh sự thiếu hụt nước ối.
Những dấu hiệu thiếu ối khác:
- Chu vi vòng bụng nhỏ hoặc tăng chậm: Nếu vòng bụng không phát triển tương xứng với tuổi thai, mẹ bầu nên cảnh giác vì đây có thể là dấu hiệu của thiếu ối.
- Sờ thấy thai sát thành bụng: Khi bác sĩ kiểm tra, nếu cảm giác thai nhi sát ngay dưới da bụng mà không có nước ối giữa thai và tử cung, đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
Để chẩn đoán thiếu ối, bác sĩ sẽ kiểm tra bụng mẹ để sờ xem thai nhi nằm sát thành bụng không và đánh giá lượng nước ối xung quanh. Mẹ cũng sẽ được hỏi về các triệu chứng như són tiểu hoặc dịch âm đạo để phân biệt với tình trạng rò rỉ nước ối. Khi bác sĩ kiểm tra, nếu cảm giác thai nhi sát ngay dưới da bụng mà không có nước ối giữa thai và tử cung, đây là dấu hiệu đáng lo ngại. cho thấy mẹ bầu đang thiếu ối.
Bên cạnh đó, kết quả siêu âm sẽ phản ánh chính xác tình trạng thiếu ối thông qua các chỉ số:
- Chỉ số AFI (chỉ số nước ối): Nếu chỉ số AFI dưới 5cm, mẹ bầu có thể bị thiếu ối. Chỉ số dưới 3cm cho thấy tình trạng vô ối rất nguy hiểm và cần can thiệp kịp thời.
- Chỉ số MPV (xoang ối lớn nhất): Nếu chiều cao xoang ối lớn nhất nhỏ hơn 2cm, đây là dấu hiệu của thiếu ối nghiêm trọng.
- Thủ thuật Leopold: Mẹ có thể cảm nhận thai nhi sát bụng khi bác sĩ thực hiện thủ thuật Leopold để kiểm tra vị trí thai. Nếu không cảm thấy nước ối xung quanh thai, đó là dấu hiệu của thiếu ối.
- Chiều cao tử cung thấp: Một trong những dấu hiệu nhận biết thiếu ối là chiều cao tử cung thấp hơn so với tuổi thai, không phát triển đúng theo chuẩn.

Khi gặp tình trạng thiếu ối, mẹ bầu có thể nhận thấy một số dấu hiệu điển hình
4. Thiếu ối có nguy hiểm không?
Trên thực tế, tình trạng thiếu ối có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, tuy nhiên phổ biến nhất trong 3 tháng cuối. Mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và tình trạng sức khỏe của mẹ bầu cũng như thai nhi.
Thiếu ối trong thời điểm 3 tháng đầu có nguy cơ dẫn đến sảy thai rất cao, từ 65 - 80%. Đồng thời, thiếu ối cũng ảnh hưởng đến quá trình phát triển và chức năng phổi của thai nhi. Trong khi đó, các dấu hiệu thiếu ối 3 tháng giữa có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như sinh non, dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, thiếu ối không phải lúc nào cũng gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả mẹ bầu và thai nhi. Một trong những nguy cơ chính là thai nhi suy dinh dưỡng, chèn ép dây rốn, gây ngược ngôi thai và tăng nguy cơ phải can thiệp sinh mổ.
Thiếu ối trong giai đoạn này cũng có thể dẫn tới vỡ ối sớm và tăng nguy cơ nhiễm trùng ối. Hơn nữa, nước ối cạn nhanh còn có thể khiến thai nhi bị ngạt khi tử cung co bóp mạnh trong quá trình chuyển dạ, làm tăng nguy cơ suy thai, thậm chí tử vong.
Do vậy, khi được được chẩn đoán thiếu ối, mẹ bầu thường sẽ được nhập viện để theo dõi và can thiệp y tế kịp thời để giảm thiểu các rủi ro này.

Mức độ nguy hiểm của thiếu ối phụ thuộc vào thời điểm phát hiện và tình trạng sức khỏe của mẹ bầu cũng như thai nhi
5. Làm sao để điều trị thiếu ối ở mẹ bầu?
Không có phương pháp nào có thể làm tăng lượng nước ối lâu dài, vì vậy việc theo dõi và điều trị thiếu ối cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sức khỏe cho mẹ và sự phát triển tốt nhất cho thai nhi. Cụ thể về các phương pháp theo dõi và điều trị thiếu ối ở mẹ bầu:
Thiếu ối trong 3 tháng đầu
Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm và siêu âm để xác định nguyên nhân thiếu ối từ mẹ hay tình trạng thai nhi, đặc biệt kiểm tra các dị tật hoặc bất thường hệ tiết niệu, tiêu hóa. Trong những trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể tư vấn chấm dứt thai kỳ.
Thiếu ối trong 3 tháng giữa
Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ theo dõi sát sao để đánh giá các bất thường và cân nhắc truyền ối, sử dụng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi hoặc chấm dứt thai kỳ. Đồng thời trong giai đoạn này, mẹ cần đi siêu âm 1 - 2 lần mỗi tuần để đánh giá lượng nước ối (chỉ số AFI) và sự phát triển của thai.
Thiếu ối trong 3 tháng cuối
Tương tự như trong 3 tháng giữa, mẹ bầu cần đi thăm khám liên tục. Nếu thiếu ối nặng, mẹ bầu có thể được chỉ định truyền ối và dùng thuốc trưởng thành phổi cho thai nhi để tăng khả năng sống sót cho em bé nếu sinh sớm. Khi thai đủ 37 tuần hoặc khi có tình trạng suy thai nhưng phổi thai đã trưởng thành, bác sĩ có thể chỉ định chấm dứt thai kỳ để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
Truyền dịch vào buồng ối có tác dụng bổ sung tạm thời lượng nước ối, giúp giảm áp lực dây rốn, hỗ trợ khảo sát hình thái thai và hỗ trợ vận động của thai nhi trong giai đoạn chuyển dạ. Ngoài ra, trong quá trình theo dõi suốt thai kỳ, mẹ bầu thiếu ối cần chú ý:
- Nằm nghiêng trái
- Tăng cường uống nước (1-2 lít/ngày) để cải thiện lưu lượng tuần hoàn tử cung.
- Kiểm soát các bệnh lý đi kèm
- Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ để cải thiện tuần hoàn tử cung - nhau thai.
- Theo dõi cử động thai mỗi ngày và đi khám thai đều đặn.

Không có phương pháp nào có thể làm tăng lượng nước ối lâu dài
6. Hướng dẫn phòng ngừa thiếu ối cho mẹ bầu
Thiếu ối là một tình trạng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, nhưng mẹ bầu hoàn toàn có thể giảm nguy cơ này bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:
- Bổ sung đủ nước hàng ngày: trung bình 2 lít nước/ngày, bao gồm nước khoáng, nước lọc, nước dừa và các loại nước trái cây giàu dưỡng chất như cam, dưa hấu. Nên ưu tiên các loại thực phẩm chứa hàm lượng nước cao như cần tây, cà chua, rau diếp.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng cân đối: Đa dạng thực phẩm, bao gồm protein, vitamin, khoáng chất và chất xơ. Hạn chế các loại thực phẩm có thể gây mất nước như cà phê, nước ngọt có gas và tuyệt đối tránh xa rượu bia.
- Thăm khám thai định kỳ: Đây là cách hiệu quả nhất để phát hiện sớm tình trạng thiếu ối hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến thai kỳ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Luyện tập thể thao nhẹ nhàng: Thể dục đều đặn với các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ không chỉ giúp tăng tuần hoàn máu đến tử cung và nhau thai mà còn nâng cao sức khỏe tổng thể của mẹ.
- Chọn tư thế ngủ phù hợp: Tư thế nằm nghiêng về bên trái là tư thế tốt nhất cho mẹ bầu, giúp tối ưu hóa lưu lượng máu đến thai nhi và giảm áp lực lên các cơ quan nội tạng.
- Quản lý các bệnh nguy cơ cao: Một số bệnh lý như tiền sản giật, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ thiếu ối. Vì vậy, mẹ bầu cần theo dõi sát sao và tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ để kiểm soát những yếu tố này.
- Giữ tinh thần thoải mái: Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn và tham gia các hoạt động yêu thích sẽ giúp mẹ bầu giảm stress, tạo điều kiện cho em bé phát triển lành mạnh.
Mẹ bầu hoàn toàn có thể giảm nguy cơ thiếu ối
7. Giải đáp thắc mắc liên quan đến tình trạng thiếu ối
Trong quá trình mang thai, khi gặp phải tình trạng thiếu ối, các mẹ bầu thường lo lắng và đặt ra nhiều câu hỏi liên quan. Sau đây là những giải đáp chi tiết cho các thắc mắc phổ biến về thiếu ối cho mẹ bầu:
7.1. Thiếu ối nên sinh thường hay sinh mổ?
Việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào mức độ thiếu ối và tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Nếu thiếu ối nhẹ, không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai nhi, mẹ vẫn có thể được khuyến khích sinh thường. Tuy nhiên, trong trường hợp thiếu ối nghiêm trọng, đặc biệt khi thai trên 37 tuần hoặc có dấu hiệu nguy hiểm (như suy thai), bác sĩ thường chỉ định sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

Việc lựa chọn sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc vào mức độ thiếu ối và tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi.
7.2. Mẹ bầu thiếu ối nên kiêng ăn gì?
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng thiếu ối. Mẹ bầu nên tránh tiêu thụ các thực phẩm có tính lợi tiểu hoặc gây mất nước, vì chúng có thể làm giảm lượng nước ối. Những thực phẩm cần hạn chế bao gồm:
- Đồ uống chứa caffeine như cà phê và trà đặc.
- Rau má, râu ngô do tác dụng lợi tiểu mạnh.
- Các loại đồ uống có cồn hoặc quá nhiều đường
- Đồ ăn nhiều muối: cá khô, dưa muối, snack, xúc xích,...
- Đồ ăn dễ gây rối loạn tiêu hóa như thịt, hải sản tái/sống,...
7.3. Mẹ bầu thiếu ối nên uống gì?
Uống đủ nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng thiếu ối. Mẹ bầu nên bổ sung:
- Nước lọc: Uống từ 2,5–3 lít mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Nước dừa: Giàu khoáng chất và có tác dụng hỗ trợ tăng nước ối.
- Nước mía: Cung cấp năng lượng, cải thiện tuần hoàn máu và hỗ trợ tăng nước ối.
- Nước ép trái cây tươi như cam, dưa hấu, hoặc táo, giúp bổ sung vitamin và khoáng chất.
Tuy nhiên, cần lưu ý uống nước ép trái cây với lượng vừa phải, tránh lạm dụng để giảm nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ.

Uống đủ nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng thiếu ối.
Như vậy, thiếu ối là một tình trạng cần được phát hiện và xử lý kịp thời để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi. Việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, theo dõi sức khỏe thường xuyên và tuân thủ chỉ định của bác sĩ sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và cải thiện tình trạng thiếu ối.
Phòng khám 125 Thái Thịnh – đơn vị dẫn đầu về siêu âm thai tại Hà Nội cung cấp dịch vụ siêu âm thai, quản lý thai kỳ trọn vẹn.
Mọi thông tin quý khách vui lòng liên hệ hotline: 097 288 1125 hoặc 0243 853 5522.