125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Một số cách phòng bệnh mùa nắng nóng mà bạn cần biết

            Một số cách phòng bệnh mùa nắng nóng mà bạn cần biết

            THAI THINH MEDIC
            30/12/2021

            1. Những bệnh thường gặp vào mùa hè

            - Say nắng, say nóng: Hội chứng say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt dẫn đến những rối loạn bệnh lý khác.

            Say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt do nhiệt độ môi trường tăng cao và/ hoặc tăng hoạt động thể lực quá mức, vượt quá khả năng điều hòa của trung khu điều nhiệt làm trung khu điều nhiệt bị rối loạn mất kiểm soát. Say nóng có thể phát triển thành say nắng (sốc nhiệt).

            Say nắng hay còn gọi là sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt nghiêm trọng (>40 độ C) kèm theo rối loạn hoạt động của các cơ quan như thần kinh, tuần hoàn, hô hấp do tác động của nắng nóng và/ hoặc các hoạt động thể lực quá mức. Say nắng luôn đi kèm với say nóng.

            Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian. Có thể từ những biểu hiện nhẹ ban đầu là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực rồi đến trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút... Cuối cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.

            - Bệnh truyền nhiễm: Bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do vi khuẩn não mô cầu hoặc vi khuẩn H.influenzae, Tay chân miệng, Thủy đậu xuất hiện nhiều vào mùa hè và có thể lây lan thành dịch.

            mot-so-cach-phong-benh-mua-nang-nong-ban-can-biet-1

            Mùa hè với thời tiết nắng nóng, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều loại vi khuẩn, virus, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh 

            - Sốt xuất huyết: nắng nóng kết hợp mưa chuyển mùa là điều kiện thích hợp cho muỗi vằn phát triển.

            - Rối loạn tiêu hóa: Thời tiết nóng nực, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, ngoài ra, nhiều người có thói quen sử dụng các loại nước giải khát, nước đá, kem không đảm bảo vệ sinh hoặc ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (nem chua, bò tái, ...) dẫn tới ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa. Một số bệnh về đường tiêu hóa thường gặp trong mùa nắng nóng do nhiễm vi khuẩn tả hoặc vi khuẩn lỵ hay vi khuẩn thương hàn hoặc E.coli, đặc biệt là có thể lây lan cho nhiều người khác tạo nên dịch bệnh.

            - Bệnh về hô hấp: Mùa hè, nhiều người thường mở quạt lớn hoặc ở trong phòng điều hòa máy lạnh nhiệt độ quá chệch lệch với môi trường bên ngoài, làm khô vùng hầu họng, các chất nhày bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm xâm nhập gây viêm VA, viêm amidan, viêm phế quản cấp, nặng hơn có thể gây viêm phổi. Uống nước đá lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là trẻ em.

            - Bệnh về da: Mùa hè trẻ em dễ mắc các bệnh rôm, sẩy, viêm da dị ứng gây ngứa, chàm (eczema), nếu vệ sinh cá nhân kém, sàn nhà không đảm bảo vệ sinh, bệnh tuy nhẹ nhưng có thể bị bội nhiễm thành bệnh nặng. Tác hại của các bức xạ tia UV, các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, ...

            - Người bệnh tăng huyết áp có thể bị cơn tăng huyết áp kịch phát do nóng, lạnh đột ngột. Ví dụ bệnh nhân tắm nước lạnh, sử dụng máy lạnh nhiệt độ thấp bước ra bên ngoài nhiệt độ nóng hoặc vừa ở ngoài trời nắng nóng vào phòng máy lạnh hoặc đang nóng, ra nhiều mồ hôi tắm nước lạnh ngay. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể dẫn đến đột quỵ.

            2. Các biện pháp phòng bệnh mùa nắng nóng

            - Tiêm chủng cho trẻ các loại bệnh mùa hè mà đã có vắc xin như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu, …

            - Thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên. Vệ sinh môi trường sống xung quanh, xử lý các vật dụng, nơi có thể đọng nước, không để muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết có điều kiện phát triển.

            - Không nên để xảy ra hiện tượng nóng, lạnh đột ngột nhất là ở người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính. Nếu sử dụng máy lạnh nên để nhiệt độ khoảng từ 25-27 độ và không nên cho luồng khí lạnh thổi trực tiếp vào người.

            - Thực hiện các biện pháp an toàn thực phẩm: ăn chín, uống chín, lựa chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc. Không nên lạm dụng nước lạnh, nước đá. Cần uống đủ lượng nước hàng ngày, người lớn là 2 lít nước, trẻ em uống khi trẻ khát.

            - Khi trời nắng nóng không nên ra khỏi nhà. Nếu phải ra khỏi nhà cần đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng. Không tắm biển, tắm sông khi nắng gắt từ 12 – 16 giờ chiều.

            - Ăn nhiều rau củ quả để bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

            mot-so-cach-phong-benh-mua-nang-nong-ban-can-biet-3

            Để bảo vệ sức khỏe trong mùa nắng nóng, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhằm tránh các tác động tiêu cực từ nhiệt độ cao và môi trường

            Trên đây là những thông tin về một số bệnh thường gặp vào mùa hè và những biện pháp để phòng bệnh mùa nắng nóng. Khi cơ thể có những biểu hiện bất thường, để được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh cần đến những cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. 

            Là một trong những phòng khám đa khoa với đội ngũ Bác sĩ giỏi chuyên môn - giàu kinh nghiệm; Hệ thống trang thiết bị hiện đại; đầy đủ các dịch vụ lâm sàng, cận lâm sàng,...Phòng khám đa khoa 125 Thái Thịnh luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn và gia đình!

            Tư vấn dịch vụ 24/7: 0972 88 1125

            Biên tập - Sưu tầm

            Share