Hiện nay, bệnh Tay Chân Miệng đang có xu hướng lây lan, tăng nhanh tại nhiều khu vực trên cả nước. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Bệnh tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, viêm cơ tim, viêm não… nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
1. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em là gì?
Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp gây ra các vết loét, phồng rộp ở miệng, họng, bàn tay và bàn chân của người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những nơi tập trung nhiều trẻ em như nhà trẻ, trường mẫu giáo… có nguy cơ cao bùng phát dịch. Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm và có xu hướng tăng nhanh vào mùa hè và mùa thu đông.
Hình ảnh minh họa
Theo thông tin từ Sở Y Tế Hà Nội, từ đầu năm đến 24/5/2024 thành phố đã ghi nhận 1.260 ca mắc tay chân miệng (tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Đặc biệt, từ ngày 17-24/5, số ca mắc mới được ghi nhận là 76, tăng 11,8% so với tuần trước.
2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ
Nguyên nhân gây nên bệnh tay chân miệng là các loại virus thuộc loài A-human enteroviruses (HEVA), chi Enterovirus. Trong đó, tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Đây là những loại virus rất khó diệt, chúng có thể sống được trong điều kiện nhiệt độ rất cao hoặc rất thấp. Chúng có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 560 độ C sau 30 phút. Với điều kiện nhiệt độ lạnh -40 độ C, chúng có thể tồn tại trong 3 tuần. Môi trường sinh hoạt chung như mặt bàn, ghế, phòng khách, đồ dùng ăn uống, đồ chơi chung (ở nhà trẻ)... thường là nơi tập trung nhiều virus.
Bệnh tay chân miệng do EV71 gây ra thường nguy hiểm và có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Theo thống kê của CDC, đa số trường hợp trẻ tử vong do tay chân miệng là do virus Enterovirus 71. Nhóm tuổi tử vong chủ yếu là trẻ dưới 3 tuổi (khoảng 75% - 86% tổng số trường hợp tử vong do tay chân miệng trẻ em)
Ngoài ra, có một số yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ mắc tay chân miệng:
- Thiếu hụt men G6PD (glucose – 6 – phosphate dehydrogenase);
- Trong độ tuổi từ 6 tháng – 3 tuổi;
- Có tiền sử hôn mê, sốt trên 3 ngày, sốt trên 38.5 độ C.
3. Biểu hiện của bệnh tay chân miệng ở trẻ
3.1 Các giai đoạn của tay chân miệng
- Giai đoạn ủ bệnh (từ lúc bị nhiễm virus cho đến khi khởi phát triệu chứng): thường kéo dài từ 3 - 7 ngày, trẻ không có triệu chứng gì.
- Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 2 ngày, triệu chứng ban đầu của trẻ mắc tay chân miệng thường là mệt mỏi, sốt và kèm theo đau họng, biếng ăn. Trẻ có thể bị tiêu chảy vài lần trong ngày:
- Giai đoạn toàn phát: Thường kéo dài trong vòng từ 5 - 10 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các nốt ban, mụn nước ở miệng, họng hoặc cả hai. Các nốt này có thể có thể tiếp tục mọc ở lưỡi, miệng, bên trong má, tay, chân và mông (do tiêu chảy gây ra).
+ Loét miệng: Vết loét đỏ đường kính 2 - 3 mm, thường xuất hiện ở niêm mạc má, miệng, vòm khẩu cái, lưỡi khiến trẻ đau, quấy khóc, bỏ bú, biếng ăn.
+ Ban phỏng nước (mụn nước): nổi gồ trên bề mặt da, sờ vào chắc, xuất hiện chủ yếu ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, thường tồn tại trong thời gian dưới 7 ngày, có thể để lại vết thâm nhưng hiếm khi gây ra loét hoặc bội nhiễm. Ban phỏng nước tay chân miệng ít gây ngứa ở trẻ em nhưng gây ngứa nhiều ở người lớn.
+ Bệnh thường xuất hiện kèm theo sốt. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao (>40 độ C) khó hạ thì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ ngày thứ 8 - 11, trẻ hoàn toàn hồi phục nếu không có biến chứng.
Hình ảnh minh họa
Lưu ý: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng thường xuất hiện sớm, từ ngày thứ 2 - ngày thứ 5 như: viêm màng não, viêm não, phù phổi cấp, viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch… có thể dẫn đến tử vong nếu trẻ không được theo dõi, phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
3.2 Phân biệt bệnh tay chân miệng và một số bệnh khác có triệu chứng viêm loét miệng, tay, chân
Triệu chứng | Tay chân miệng | Thuỷ đậu | Zona (giời leo) | Herpes simplex |
Tuổi | < 10 tuổi (chủ yếu dưới 5 tuổi) | 5-11 tuổi, người lớn | Tất cả | Tất cả |
Vị trí ban | Loét miệng, lòng bàn tay, khuỷu tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối | Rải rác toàn thân, thường xuất hiện ở đầu mặt trước, sau đó lan xuống tay, chân… | Mọc từng đám rải rác theo vị trí dây thần kinh, thường chỉ bị một bên cơ thể | Từng đám mụn nước nhỏ mọc quanh miệng |
Dạng ban | Vết loét đỏ, mụn nước, sẩn, có các màu sắc khác nhau, khi lành không hình thành sẹo | Mụn nước nhiều, trong chứa mủ do bội nhiễm vi khuẩn, Khi mới mọc, mụn nước có dấu lõm ở giữa. | Mụn nước mọc thành chùm, nhiều kích thước khác nhau, kèm theo nổi hạch cổ, nách, bẹn cùng bên | Mụn nước mọc thành cụm hoặc lan thành mảng, tự vỡ và đóng vảy sau một thời gian |
Cảm giác | Không đau,ít ngứa | Ngứa, đau nhiều | Ngứa, đau nhiều | Ngứa, rát |
4. Bệnh tay chân miệng có lây không?
Bệnh tay chân miệng có nguy cơ lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt có thể tạo thành dịch ở những nơi tập trung đông trẻ em như trường mẫu giáo, nhà trẻ. Virus gây bệnh có thể phát tán ra không khí ngay từ giai đoạn ủ bệnh cho đến khi trẻ mắc bệnh hồi phục hoàn toàn. Vì vậy, nhiều trẻ bị lây từ các trẻ mắc bệnh trong giai đoạn ủ bệnh.
4.1 Hình thức lây lan
Bệnh tay chân miệng lây lan chính thông qua tiếp xúc với chất lỏng trong mụn nước (khi bị bể) hoặc các giọt bắn chứa virus (khi trẻ mắc bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện). Các trẻ ở trường mẫu giáo, nhà trẻ có thể mắc bệnh do chơi chung đồ chơi, đưa đồ chơi lên miệng. Ngoài ra, trẻ có thể nhiễm virus từ các đồ dùng chung như bàn, ghế, thực phẩm nhiễm virus, phân của trẻ đang mắc bệnh.
Vì vậy, các trẻ mắc tay chân miệng cần được cách ly tại nhà, không đến trường hoặc các nơi công cộng tập trung đông người cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh.
4.2 Trẻ đã từng mắc tay chân miệng có thể bị tái nhiễm không?
Bệnh tay chân miệng có thể bị tái nhiễm nhiều lần, vì tay chân miệng có thể bị gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Khi trẻ bị bệnh tay chân miệng, cơ thể trẻ chỉ sản sinh ra một loại kháng thể tương ứng với loại virus gây bệnh. Vì vậy, trẻ hoàn toàn có nguy cơ tiếp xúc và nhiễm một loại virus gây bệnh tay chân miệng khác, gây tái mắc bệnh.
Hình ảnh minh họa
5. Cách chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại nhà
Với các trường hợp trẻ mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ, chỉ xuất hiện các nốt loét miệng, ban da và sốt nhé, bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho trẻ điều trị và chăm sóc tại nhà. Cha mẹ cần lưu ý quan tâm các vấn đề sau:
- Cho trẻ uống thuốc đúng và đủ theo đơn của bác sĩ, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc ngoài đơn.
+ Dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt > 38,5 độ C bằng Paracetamol (liều 10-15 mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 -6h), có thể kết hợp thêm ibuprofen nếu trẻ không hạ sốt (khi có chỉ định của bác sĩ). Tuyệt đối không dùng Aspirin để hạ sốt cho trẻ.
+ Ngoài ra ba mẹ có thể sử dụng thêm các loại thuốc giảm ngứa hoặc các loại gel chấm vào sang thương cho trẻ… theo chỉ định của bác sĩ.
- Bổ sung đầy đủ nước cho trẻ, đặc biệt là các loại nước ép trái cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất
- Cung cấp dinh dưỡng phù hợp theo độ tuổi, nên chuẩn bị các loại thực phẩm mềm dễ tiêu, không cho ăn hoặc uống đồ nóng, có vị chua, cay.
- Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ, tăng cường cho bé bú nhiều lần trong ngày.
- Vệ sinh răng miệng cho trẻ sạch sẽ.
- Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích vào các vết loét, ban và cần cách ly với trẻ khác.
- Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Nếu trẻ sốt cần cho trẻ tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ. Cần theo dõi và cách ly trẻ đủ 10 ngày. Khi trẻ hết sốt, các bóng nước, ban da trên lòng bàn tay, bàn chân của trẻ mờ dần và mất đi không để lại sẹo thì được coi là đã khỏi bệnh.
Cảnh báo: Cha mẹ lập tức đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ xuất hiện một trong những dấu hiệu sau:
- Sốt cao liên tục >39 độ C, không hạ sốt sau khi đã uống thuốc
- Trẻ giật mình nhiều, hốt hoảng, tinh thần không ổn định, quấy khóc (dỗ không nín), ngủ gà, bứt rứt hoặc lơ mơ
- Trẻ có triệu chứng run hoặc yếu tay chân (khi cầm đồ chơi), ngồi không vững, đi đứng loạng choạng.
- Da xuất hiện vân tím, tay chân lạnh, vã mồ hôi
- Trẻ nôn ói nhiều, co giật, thở mệt, nhở nhanh, ngưng thở, khò khè…
6. Các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng chưa có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chính hiện nay là đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, hạn chế tiếp xúc, ngăn nguồn lây.
- Hạn chế, không tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh tay chân miệng nếu không thực sự cần thiết
- Trường hợp trẻ bị mắc bệnh cần được cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với mọi người để tránh lây bệnh
- Cha mẹ nên giúp trẻ hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: ăn chín, uống sôi; rửa và tráng nước nóng bát đũa, các dụng cụ ăn uống, sử dụng nước sạch, dạy trẻ không mút tay hay đồ chơi, hạn chế dùng chung đồ chơi và không nhai, mớm thức ăn cho trẻ khi đang trong vùng dịch.
- Khi ở lớp trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể
- Thường xuyên vệ sinh các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang bằng xà phòng hoặc các chất
Trên thực tế, bệnh tay chân miệng thường xuất hiện ở các trẻ học tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ. Hiện tại, các trẻ mầm non đang chuẩn bị quay lại trường học sau thời gian nghỉ hè. Cha mẹ, thầy cô cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn trẻ rửa tay, không đưa tay vào miệng, ngậm đồ chơi. Đồng thời, trẻ cần được sử dụng khăn ăn, khăn tay và các vật dụng ăn uống khác như cốc, đĩa, thìa, bát riêng.