Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ suy tim. Theo dõi ngay bài viết sau đây để tìm hiểu chi tiết vai trò của siêu âm tim trong suy tim!
1. Tổng quan về tình trạng suy tim
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. Bệnh đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng bơm máu của tim, dẫn đến không đủ máu cung cấp cho các cơ quan và mô trong cơ thể, dẫn đến một loạt các triệu chứng khó chịu như:
- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức hoặc ngay cả khi nghỉ ngơi
- Mệt mỏi, gầy sút cân
- Phù mắt cá chân, bàn chân hoặc vùng bụng do tích tụ dịch
- Tim đập nhanh, không đều
- Ho khan kéo dài
- Tĩnh mạch cổ nổi
- Mạch nhanh, tiếng tim đập như ngựa phi
Ngoài ra suy tim còn có thể dẫn đến nhiều triệu chứng do rối loạn thứ phát ở các cơ quan như tiêu hóa, sinh dục, tiết niệu, thần kinh trung ương hoặc hệ thần kinh cơ.
Dịch tễ
Suy tim là một trong những bệnh lý tim mạch có tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh nhất, đặc biệt ở người cao tuổi. Ước tính khoảng 2 - 3% dân số toàn cầu bị ảnh hưởng với tỷ lệ tăng lên 10 - 20% ở những người trên 70 tuổi. Tiên lượng của suy tim thường nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong 5 năm lên tới 50% mặc dù các phương pháp điều trị hiện đại đã cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Nguyên nhân suy tim
Nguyên nhân gây ra suy tim thường liên quan đến các bất thường về cấu trúc hoặc chức năng tim như tăng huyết áp kéo dài, bệnh mạch vành, bệnh van tim, các bệnh lý cơ tim (viêm cơ tim, bệnh cơ tim giãn,...), rối loạn nhịp tim hay các bệnh rối loạn chuyển hóa (cường giáp),... Suy tim có thể xảy ra đột ngột (suy tim cấp) hoặc tiến triển dần theo thời gian (suy tim mạn).
Phân loại suy tim
Theo tính chất suy tim
- Suy tim cấp tính: Triệu chứng như khó thở, phù phổi cấp, thậm chí sốc với tình trạng tụt huyết áp, vô niệu; thường xảy ra do nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim hoặc tổn thương van tim cấp tính như viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
- Suy tim mạn tính: Tình trạng suy tim kéo dài, tiến triển chậm, triệu chứng có thể ổn định hoặc diễn biến xấu đi dẫn đến suy tim mất bù.
Theo phân loại suy tim của Hội Tim mạch học Châu Âu (ESC) 2016
- Suy tim phân suất tống máu giảm (EF < 40%)
- Suy tim phân suất tống máu bảo tồn (EF ≥ 50%)
- Suy tim phân suất tống máu giới hạn (EF: 40 - 49%)
Theo vị trí ảnh hưởng
- Suy tim phải: Biểu hiện chính là phù ngoại biên, gan to và tĩnh mạch cổ nổi do sung huyết hệ thống.
- Suy tim trái: Thường gây khó thở, phù phổi cấp do sung huyết phổi.
Theo cung lượng tim
- Suy tim cung lượng tim cao: Xảy ra khi nhu cầu máu của cơ thể tăng cao (ví dụ: cường giáp, nhiễm độc giáp, thiếu máu hay bệnh Beri-Beri).
- Suy tim cung lượng tim thấp: Tim không thể đáp ứng đủ nhu cầu máu ngay cả trong điều kiện bình thường.
Suy tim đặc trưng bởi sự suy giảm khả năng bơm máu của tim
2. Vai trò của siêu âm tim trong suy tim
Trong bối cảnh y học hiện đại, các kỹ thuật hình ảnh đóng vai trò thiết yếu trong việc chẩn đoán và quản lý bệnh suy tim. Trong đó, siêu âm tim là một trong những biện pháp quan trọng nhất, được sử dụng thường quy trong việc đánh giá và phân loại bệnh nhân suy tim. Với khả năng cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc và chức năng tim, siêu âm tim trong suy tim giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác, đánh giá mức độ bệnh, hướng dẫn điều trị và theo dõi tiến triển bệnh một cách hiệu quả.
Vai trò của siêu âm tim trong suy tim:
- Đánh giá chức năng và cấu trúc tim: thông qua các thông số như kích thước các buồng tim, độ dày các thành tim như dày thất trái trên siêu âm tim, khả năng co bóp của 2 tâm thất (phân suất tống máu EF), tình trạng rối loạn vận động vùng của tâm thất trái, khả năng giãn của tâm thất trái (chức năng tâm trương), áp lực của tâm thất trái,...
- Hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân suy tim: hỗ trợ theo dõi áp lực động mạch phổi, kích thước vòng van cũng như độ hở của van 2 lá, 3 lá, cung lượng tim, theo dõi phổi của bệnh nhân suy hô hấp cấp do suy tim.
- Theo dõi áp suất động mạch phổi: Phổ đồ Doppler sóng liên tục của trào ngược ba lá và trào ngược phổi cho phép ước tính áp suất phổi tâm thu và tâm trương tương ứng.
- Theo dõi tình trạng tim và chẩn đoán biến chứng sau thủ thuật xâm lấn: Sau khi cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất, siêu âm tim (đa phần là siêu âm qua thực quản) được sử dụng để theo dõi các thông số của thiết bị, xác nhận vị trí của thiết bị ở vách ngăn trung tâm, xác nhận van động mạch chủ mở ngắt quãng và tình trạng trào ngược van hai lá nhẹ hoặc giảm, từ đó hỗ trợ phát hiện các biến chứng sau xâm lấn như tràn dịch màng ngoài tim,...
- Hỗ trợ dự phòng biến chứng suy tim: thông qua xác định kích thước thất trái và chức năng van tim để phát hiện biến chứng huyết khối,....
Nếu siêu âm tim không ủng hộ chẩn đoán suy tim trong khi các triệu chứng lâm sàng gợi ý suy tim, cần cân nhắc chẩn đoán khác hoặc chuyển bệnh nhân đến chuyên gia đánh giá lại.
Siêu âm thành ngực thường là lựa chọn đầu tiên khi đánh giá suy tim, có thể cung cấp thêm nhiều thông tin giá trị hỗ trợ cho quá trình điều trị của bệnh nhân, đặc biệt là khi bệnh nhân có tình trạng huyết động không ổn định. Siêu âm thực quản có thể được áp dụng trong các trường hợp bệnh nhân thở máy, phẫu thuật tim hay có nghi ngờ bệnh động mạch chủ, rối loạn chức năng van nhân tạo, viêm nội tâm mạc hoặc huyết khối nhĩ.
Siêu âm tim được sử dụng thường quy trong việc đánh giá và phân loại bệnh nhân suy tim.
3. Ưu điểm và nhược điểm của siêu âm tim trong phát hiện và đánh giá suy tim
Siêu âm tim đã khẳng định vai trò then chốt trong chẩn đoán và theo dõi suy tim nhờ vào tính an toàn, hiệu quả và tính khả dụng cao. Tuy nhiên, cũng như mọi kỹ thuật y khoa khác, siêu âm tim cũng tồn tại một số hạn chế nhất định.
Ưu điểm của siêu âm tim trong phát hiện và đánh giá suy tim:
- Không xâm lấn và an toàn nhờ sử dụng sóng âm tần số cao, hoàn toàn không sử dụng tia X hay bất kỳ hình thức bức xạ ion hóa nào.
- Chẩn đoán chính xác và hiệu quả nhờ cung cấp hình ảnh trực quan, chi tiết về cấu trúc và chức năng của tim. Kết quả siêu âm tim được coi là cơ sở vững chắc giúp các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh lý chính xác và hiệu quả.
- Chi phí hợp lý, được trang bị phổ biến tại nhiều cơ sở y tế, từ bệnh viện tuyến trung ương đến các phòng khám chuyên khoa, giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận hơn so với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như MRI hay CT.
- Thực hiện nhanh chóng, linh hoạt và ít gây khó chịu cho người bệnh. Đặc biệt, trong những trường hợp cấp cứu hoặc bệnh nhân không thể di chuyển, siêu âm tim có thể được thực hiện ngay tại giường bệnh.
Nhược điểm của siêu âm tim trong phát hiện và đánh giá suy tim:
- Gây đau, khó chịu khi siêu âm qua thực quản.
- Siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời do gắng sức hoặc sử dụng thuốc để chuẩn bị siêu âm.
- Hạn chế về "cửa sổ siêu âm": Chất lượng hình ảnh có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như béo phì, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc biến dạng lồng ngực.
- Đối với trường hợp có gắn các điện cực theo dõi điện tim, người bệnh sẽ có cảm giác hơi khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ lớp băng dính gắn các điện cực trên ngực ra.
- Chỉ đánh giá chức năng thất trái tại điểm thăm dò siêu âm tim. Nếu rối loạn chức năng khu trú tại 1 vùng của tâm thất có thể dẫn đến đánh giá sai về chức năng toàn bộ của tâm thất.
- Kết quả có thể không đem lại giá trị cao như chụp CT ở những bệnh nhân bị bệnh cấp tính có triệu chứng khó thở và đau ngực hay chụp MRI để theo dõi cũng như đánh giá bản chất và mức độ tổn thương cơ tim liên quan.
Để chẩn đoán suy tim một cách toàn diện và chính xác, bác sĩ có thể kết hợp siêu âm tim với các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán khác.
Cũng như mọi kỹ thuật y khoa khác, siêu âm tim cũng tồn tại một số hạn chế nhất định.
4. Quy trình thực hiện siêu âm tim khi chẩn đoán suy tim
Quy trình thực hiện siêu âm tim thường quy được chuẩn hóa để đảm bảo tính chính xác và hiệu quả. Tùy thuộc vào điều kiện và mục đích chẩn đoán, bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm 2D, 3D, siêu âm Doppler màu/xung/liên tục hay siêu âm tim gắng sức.
Các bước siêu âm tim thường quy:
- Bệnh nhân thường được yêu cầu nằm nghiêng trái. Tuy nhiên, tư thế có thể được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp cụ thể để có được hình ảnh tốt nhất. Bác sĩ siêu âm thường ngồi bên phải bệnh nhân, tay phải cầm đầu dò và tay trái điều chỉnh các thông số trên máy.
- Bác sĩ bôi lên vùng ngực trước tim hoặc trực tiếp lên đầu dò để tăng khả năng tiếp xúc và truyền dẫn sóng siêu âm. Nếu thời tiết lạnh, gel nên được làm ấm trước để tránh gây khó chịu cho bệnh nhân.
- Bác sĩ quan sát và đánh giá các thông số về tình trạng tim và các cơ quan liên quan khác.
Sau khi hoàn thành quá trình siêu âm, bác sĩ siêu âm sẽ phân tích kết quả và đưa ra kết luận. Kết quả này sẽ được trao đổi với bác sĩ điều trị để lập kế hoạch xử trí phù hợp.Ví dụ:
- EF thấp: Cần lên kế hoạch chẩn đoán và điều trị suy tim.
- Tổn thương van tim: Tùy mức độ và tính chất tổn thương mà có kế hoạch phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim.
- Dịch màng ngoài tim: Cần chọc hút hoặc dẫn lưu dịch màng ngoài tim.
- Bệnh tim bẩm sinh: Cần có kế hoạch can thiệp qua ống thông hoặc phẫu thuật.
Bác sĩ có thể sử dụng máy siêu âm 2D, 3D, siêu âm Doppler màu/xung/liên tục hay siêu âm tim gắng sức.
5. Các phương pháp, xét nghiệm sử dụng trong chẩn đoán suy tim khác
Chẩn đoán suy tim yêu cầu một loạt các xét nghiệm và phương pháp thăm dò, mỗi loại mang lại thông tin chi tiết về cấu trúc, chức năng của tim và các yếu tố liên quan khác:
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ là công cụ phổ biến trong đánh giá bệnh nhân nghi ngờ suy tim dù không cung cấp nhiều dấu hiệu đặc hiệu cho bệnh lý này. Điện tâm đồ có thể phát hiện rối loạn nhịp tim (như nhịp nhanh xoang, nhịp chậm xoang), dấu hiệu tăng gánh thất trái, biến đổi liên quan đến thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim hoặc bất thường hệ thống dẫn truyền.
- X - quang ngực: Chụp X - quang ngực đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá kích thước và hình dạng bóng tim, tình trạng sung huyết phổi (dịch phế nang, mạch máu thùy trên phổi nổi, tràn dịch màng phổi, dấu hiệu mờ hình cánh bướm và đường Kerley B), giúp phân biệt khó thở do nguyên nhân tim mạch với các nguyên nhân khác.
- Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu đa dạng được thực hiện nhằm tìm hiểu chức năng cơ quan và nguyên nhân tiềm ẩn gây suy tim như men tim Troponin I hoặc Troponin T, tình trạng thiếu máu thiếu sắt, bệnh tự miễn, rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến chức năng gan thận,...
- Xét nghiệm nước tiểu: Đánh giá chức năng thận và phát hiện dấu hiệu suy thận đi kèm.
- Khí máu động mạch: Xác định tình trạng toan kiềm và oxy hóa máu.
- Đo chức năng hô hấp: Loại trừ bệnh lý phổi ảnh hưởng đến chức năng tim.
- Test gắng sức: Các bài kiểm tra gắng sức giúp đánh giá khả năng đáp ứng của tim và phát hiện rối loạn tiềm ẩn như điện tâm đồ, siêu âm tim gắng sức.
- Chụp động mạch vành: Đánh giá sự hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch vành, nguyên nhân phổ biến gây suy tim do thiếu máu cơ tim.
- MRI tim: Công cụ hiện đại giúp đánh giá cấu trúc tim, lưu lượng máu và tổn thương cơ tim do nhồi máu hoặc thiếu máu cục bộ,...
- Xạ hình cơ tim: Hỗ trợ đánh giá tưới máu cơ tim.
Chẩn đoán suy tim yêu cầu một loạt các xét nghiệm và phương pháp thăm dò khác nhau
Tóm lại, siêu âm tim đóng vai trò then chốt trong chẩn đoán, đánh giá mức độ và theo dõi tiến triển của suy tim. Kỹ thuật này cung cấp thông tin quan trọng về cấu trúc và chức năng tim của bệnh nhân, giúp bác sĩ đưa ra quyết định điều trị tối ưu.
Tham khảo:
1. https://www.revespcardiol.org/en-imaging-techniques-in-acute-heart-articulo-S1885585715001486
2. https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tim-mach/lam-sang-tim-mach-hoc-suy-tim-p1