125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Dày thất trái trên siêu âm tim được phát hiện như thế nào?

            Dày thất trái trên siêu âm tim được phát hiện như thế nào?

            THAI THINH MEDIC
            21/01/2025

            Siêu âm tim là một công cụ chẩn đoán không xâm lấn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện các bệnh lý tim mạch. Vậy dày thất trái trên siêu âm tim được phát hiện như thế nào? Theo dõi ngay bài viết sau đây để được giải đáp!

            1. Dày thất trái là gì?

            Dày thất trái hay còn gọi là phì đại thất trái là tình trạng gia tăng độ dày của cơ tim ở tâm thất trái, xảy ra thứ phát do tăng độ dày thành thất, tăng độ mở rộng khoang thất trái hoặc cả hai. Thông thường nhất, tình trạng thành thất trái dày lên xảy ra do khi tim phải làm việc với khối lượng lớn hơn bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể trong thời gian dài.

            Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của tình trạng dày thất trái, phổ biến bao gồm:

            • Tăng huyết áp nguyên phát
            • Hẹp động mạch thận
            • Dày thất trái sinh lý ở vận động viên tập luyện cường độ cao
            • Hẹp van động mạch chủ
            • Hẹp eo động mạch chủ
            • Bệnh cơ tim phì đại
            • Hẹp dưới van động mạch chủ (tắc nghẽn đường ra thất trái do cơ hoặc màng)
            • Trào ngược động mạch chủ
            • Hở van hai lá
            • Bệnh cơ tim giãn nở
            • Khuyết tật vách liên thất
            • Bệnh Amyloidosis, bệnh Fabry, bệnh Danon

            Ngoài ra, tình trạng dày thất trái cũng có nguy cơ cao ở những đối tượng sau:

            • Tiền sử gia đình có cha hoặc mẹ bị cơ tim phì đại
            • Người cao tuổi
            • Người thừa cân, béo phì
            • Người bị loạn nhịp tim

            Dày thất trái phát triển làm tăng đáng kể nguy cơ mắc suy tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Do vậy, người bệnh cần chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe của tim và đưa ra phương án điều trị hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong.

            day-that-trai-tren-sieu-am-tim-2

            Dày thất trái là tình trạng gia tăng độ dày của cơ tim ở tâm thất trái

            2. Dày thất trái trên siêu âm tim được phát hiện như thế nào?

            Siêu âm tim là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện dày thất trái (LVH). Quá trình siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh về cấu trúc tim và các thành phần của nó. Với độ phân giải cao và tính khả dụng dễ dàng, siêu âm tim xuyên thành ngực hoặc qua thực quản là công cụ chủ yếu được lựa chọn để sàng lọc và chẩn đoán dày thất trái. Thông qua siêu âm, bác sĩ có thể đo được các thông số quan trọng của tim, bao gồm:

            • Đường kính cuối tâm trương thất trái
            • Độ dày thành sau thất trái
            • Độ dày vách liên thất
            • đường kính bên trong của tâm thất trái

            Các chỉ số này giúp xác định mức độ dày của thất trái và từ đó chẩn đoán được tình trạng dày thất trái. Theo Hiệp hội Siêu âm tim Hoa Kỳ và/hoặc Hiệp hội Chẩn đoán hình ảnh tim mạch Châu Âu, dày thất trái được định nghĩa là chỉ số khối lượng thất trái (LVMI) tăng lên vượt quá 95 g/m² ở phụ nữ và 115 g/m² ở nam giới.

            Ngoài ra, đánh giá dày thất trái trên siêu âm tim còn giúp phân tầng bệnh lý, phân loại mức độ phì đại theo hình thái đồng tâm hay lệch tâm.

            day-that-trai-tren-sieu-am-tim-3

            Hình ảnh dày thất trái trên siêu âm tim

            3. Lợi ích của siêu âm tim trong phát hiện dày thất trái

            Siêu âm tim là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng nhiều trong phát hiện tình trạng dày thất trái nhờ:

            • Độ nhạy cao hơn đáng kể so với ECG (điện tâm đồ)
            • Có thể chẩn đoán các bất thường khác như rối loạn chức năng thất trái (cả tâm thu và tâm trương) và bệnh van tim
            • An toàn, không xâm lấn, không sử dụng bức xạ
            • Chi phí phải chăng so với chụp MRI tim
            • Giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh, đánh giá hiệu quả của phương pháp điều trị và điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết

            Chụp cộng hưởng từ tim (MRI) hiện nay mới được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán dày thất trái nhờ khả năng ước tính chính xác khối lượng LV và xác định xem có bất thường về cấu trúc tim khác hay không. Tuy nhiên, phương pháp này ít được áp dụng rộng rãi do chi phí cao và yêu cầu máy móc hiện đại. Do vậy, với độ nhạy và tính kinh tế cao, siêu âm vẫn được  coi là phương pháp ưu tiên trong chẩn đoán dày thất trái.

            day-that-trai-tren-sieu-am-tim-4

            Siêu âm vẫn được  coi là phương pháp ưu tiên trong chẩn đoán dày thất trái.

            4. Điều trị dày thất trái như thế nào?

            Việc điều trị dày thất trái (LVH) phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Mục tiêu của điều trị là làm giảm mức độ phì đại, ngăn ngừa suy giảm chức năng thất trái và giảm thiểu nguy cơ biến chứng tim mạch, đồng thời cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, phẫu thuật và các thiết bị hỗ trợ tim.

            Thay đổi lối sống

            Đối với bệnh nhân LVH, việc thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát tình trạng bệnh và phòng ngừa các biến chứng. Các biện pháp cần thực hiện bao gồm:

            • Duy trì chế độ ăn giảm muối (<2g/ngày)
            • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi tuần
            • Cai thuốc lá và giảm uống rượu bia
            • Thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng
            • Kiểm tra huyết áp định kỳ
            • Tránh làm việc nặng hoặc hoạt động gắng sức
            • Tái khám đúng theo lịch hẹn của bác sĩ

            Điều trị bằng thuốc

            Điều trị thuốc là một phần quan trọng trong việc kiểm soát LVH, đặc biệt là khi nguyên nhân chính là tăng huyết áp hoặc bệnh lý tim mạch. Một số loại thuốc thường được chỉ định bao gồm:

            • Thuốc ức chế men chuyển (ACE-I)
            • Thuốc chẹn thụ thể Angiotensin (ARB)
            • Thuốc chẹn kênh Calci tác dụng kéo dài (CCB)
            • Thuốc lợi tiểu Thiazide

            Đối với bệnh nhân mắc bệnh cơ tim phì đại (HCM), việc sử dụng thuốc chẹn beta và CCBs là cần thiết để giảm nhịp tim, kéo dài thời gian đổ đầy tâm trương và làm giảm tải cho tim. Những thuốc này có thể làm giảm triệu chứng và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn.

            Can thiệp ngoại khoa

            Trong một số trường hợp người bệnh có biến chứng hoặc điều trị bằng thuốc không mang lại hiệu quả, các can thiệp ngoại khoa có thể được chỉ định như sau:

            • Thay van động mạch chủ cho những bệnh nhân có hẹp van động mạch chủ nặng
            • Phẫu thuật để mở rộng lối thoát thất trái và giảm tắc nghẽn trong bệnh cơ tim phì đại.
            day-that-trai-tren-sieu-am-tim-5

            Việc điều trị dày thất trái (LVH) phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.

            Tóm lại, việc phát hiện dày thất trái trên siêu âm đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và quản lý bệnh tim mạch.Siêu âm tim hỗ trợ phát hiện bệnh sớm, từ đó giúp người bệnh điều trị kịp thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và nâng cao chất lượng sống.

            Tham khảo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK557534/ 

            Share