Dậy thì được ví như “chiếc tàu lượn siêu tốc” với những thay đổi về tâm sinh lý ở trẻ. Đặc biệt nếu dậy thì sớm còn mang đến nhiều rắc rối và nỗi lo cho cha mẹ. Hiện nay dậy thì sớm đang ngày càng phổ biến, nhất là ở bé gái. Sau đây là một số dấu hiệu sớm để mẹ nhận biết và có hướng xử lý kịp thời khi con dậy thì sớm.
1. Dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormon ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (trước 8 tuổi ở trẻ gái và trước 9 tuổi ở trẻ trai). Tuy nhiên độ tuổi chính xác vẫn còn là vấn đề tranh cãi của các chuyên gia.
2. Biểu hiện của dậy thì sớm ở trẻ
Dậy thì sớm ở bé gái nhiều hơn ở bé trai gấp 10 lần.
Ở bé gái sẽ có các dấu hiệu như: tuyến vú bắt đầu phát triển, mọc lông mu, lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt.
Dấu hiệu ở bé trai: tinh hoàn hoặc dương vật to lên, mọc lông mu, lông nách.
Ở cả hai giới có thể thấy biểu hiện như mụn trứng cá, thay đổi tính khí và mùi cơ thể. Đặc biệt việc tăng vọt của chiều cao cũng báo động hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ.
Dậy thì sớm gồm có hai nhóm:
- Dậy thì sớm trung ương tức là có sự trưởng thành của trung tâm chỉ huy dậy thì ở não, tuyến yên và tuyến sinh dục (tinh hoàn ở trẻ trai và buồng trứng ở trẻ gái).
- Dậy thì sớm ngoại biên tức là các biểu hiện dậy thì không phải do kết quả chỉ huy của trung tâm dậy thì ở não, mà do nguyên nhân tại buồng trứng như u nang buồng trứng ở trẻ gái, các nguyên nhân tại thượng thận ở trẻ trai như u vỏ thượng thận ở trẻ trai, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh gây sản xuất thừa hormon nam của thượng thận ở trẻ trai, u tinh hoàn.
Ngoài hai nhóm trên thì còn có nhóm phát triển sớm tuyến vú, hoặc mọc lông sinh dục sớm nhưng là sự khác biệt của bình thường chứ không phải bệnh lý.
Bé gái dậy thì sớm nhiều hơn 10 lần so với bé trai (Ảnh minh họa)
3. Tại sao trẻ bị dậy thì sớm trung ương?
Đa phần các trường hợp không rõ nguyên nhân chính xác, có thể do di truyền. Ngoài ra, u não (hay gặp hơn ở trẻ trai), các bất thường não bẩm sinh, tổn thương hệ thần kinh trung ương như chấn thương, nhiễm trùng cũng là nguyên nhân gây dậy thì sớm.
Hiện tại, số lượng trẻ dậy thì sớm đang có xu hướng tăng, có thể liên quan đến mức độ béo phì hoặc chế độ ăn của trẻ.
4. Nên làm gì khi nghi ngờ bé bị dậy thì sớm?
Nếu trẻ có những dấu hiệu biểu hiện dậy thì sớm, bạn cần đưa trẻ đến thăm khám tại các bác sĩ chuyên khoa Nhi.
Thông thường, các bác sĩ sẽ thăm khám tình trạng của trẻ, đo chiều cao, cân nặng và đưa ra các chỉ định cận lâm sàng thích hơp.
+ Các xét nghiệm có thể được chỉ định: chụp X-quang xương cổ tay của trẻ để tìm hiểu xem xương có đang phát triển với tốc độ bình thường so với tuổi của trẻ hay không; siêu âm buồng trứng và tử cung xem có phát triển nhiều hơn so với mức độ của trẻ cùng tuổi. Xét nghiệm một số chỉ số hormon để đánh giá mức độ bài tiết hormon LH của tuyến yên. Có thể cần chụp thêm 1 số hình ảnh X-quang hoặc MRI sọ não để tìm nguyên nhân dậy thì sớm.
Mẹ cần quan sát để nhận biết sớm dấu hiệu dậy thì ở con (Ảnh minh họa)
5. Tác hại của dậy thì sớm ở trẻ
Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù hiện tại trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
6. Trẻ dậy thì sớm có cần điều trị không?
Từ kết quả khám và các xét nghiệm, bác sỹ chuyên khoa sẽ xem xét việc điều trị có mang lại lợi ích cho con bạn hay không để quyết định.
Các yếu tố quyết định chỉ định điều trị cho bé bao gồm:
Tuổi của trẻ tại thời điểm chẩn đoán;
Dự đoán chiều cao lúc trưởng thành: là yếu tố quan trọng nhất để quyết định điều trị;
Ảnh hưởng tâm sinh lý của trẻ.
Nếu các bác sỹ chuyên khoa nhận thấy trẻ được lợi ích từ việc điều trị, các bác sỹ chuyên khoa sẽ trao đổi với gia đình về mục tiêu có thể đạt được, những lựa chọn điều trị và giải thích về nguy cơ.
Trẻ cần được đi khám bác sĩ nếu có dấu hiệu của dậy thì sớm (Ảnh minh họa)
7. Phòng ngừa dậy thì sớm ở trẻ như thế nào?
Với tình trạng gia tăng trẻ dậy thì sớm, ba mẹ nên theo dõi con và lưu ý về chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Một số gợi ý cách phòng ngừa dậy thì sớm:
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Cần xây dựng chế độ ăn uống cho trẻ khoa học đủ chất, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết, tăng cường rau xanh, củ quả, hạn chế đồ chế biến sẵn hay thức ăn nhiều dầu mỡ. Đặc biệt sử dụng thực phẩm an toàn, có xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm chứa hormone tăng trưởng.
- Khuyến khích trẻ vận động: Ba mẹ nên cùng trẻ tập luyện các môn thể thao như bơi lội, chạy bộ, đạp xe, đá bóng...để trẻ được rèn luyện sức khỏe.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với estrogen và testosteron: Ba mẹ cần lưu ý khi cho trẻ sử dụng sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.
( Biên tập – Sưu tầm)