125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Tin tức
        Hỏi đáp chuyên gia
          TRẺ DẬY THÌ SỚM CẦN ĐƯỢC KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ

          TRẺ DẬY THÌ SỚM CẦN ĐƯỢC KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ

          THAI THINH MEDIC
          01/08/2024

          Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao một số trẻ lại lớn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa? Đó có thể là dấu hiệu của dậy thì sớm. Vậy dậy thì sớm là gì? Nó có những ảnh hưởng gì đến sức khỏe và tâm lý của trẻ? Hãy cùng Thai Thinh Medic tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé!

          1. Tại sao gọi là “Dậy thì sớm”?

          Dậy thì sớm là tình trạng cơ thể trẻ em bắt đầu có những biến đổi trưởng thành sớm hơn so với độ tuổi thông thường, thường trước 8 tuổi đối với bé gái và 9 tuổi đối với bé trai. Điều này biểu hiện qua sự phát triển nhanh chóng về thể chất, bao gồm sự tăng trưởng đột ngột, nhanh bất thường như: thay đổi hình dáng cơ thể, phát triển các đặc tính sinh dục thứ cấp như mọc lông mu, nách, thay đổi giọng nói ở bé trai, phát triển ngực ở bé gái.

          Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến việc chiều cao tối đa của trẻ, khiến trẻ ngừng cao lớn sớm hơn so với bình thường. Dậy thì sớm ở trẻ em ngày càng phổ biến và có khuynh hướng sớm hơn so với thế hệ ông bà, cha mẹ trước đây.

          2. Nguyên nhân dậy thì sớm ở trẻ

          Dậy thì là quá trình phức tạp bắt đầu từ não bộ. Cụ thể, vùng dưới đồi sẽ tiết ra hormone GnRH, kích thích tuyến yên sản sinh hormone FSH và LH. Các hormone này sau đó sẽ tác động lên tinh hoàn và buồng trứng, kích thích chúng sản xuất hormone giới tính, từ đó gây ra các thay đổi đặc trưng của tuổi dậy thì như phát triển cơ bắp, mọc lông, thay đổi giọng nói ở bé trai và phát triển ngực, kinh nguyệt ở bé gái.

          Dậy thì sớm thường có 2 nguyên nhân chính như sau:

          2.1 Dậy thì sớm trung ương

          Dậy thì sớm trung ương - dậy thì sớm phụ thuộc GnRH, tình trạng này tương đối phổ biến ở trẻ gái.

          - Phần lớn các trường hợp dậy thì sớm trung ương không rõ nguyên nhân.

          - Một số nguyên nhân khác có thể kể đến:

             + U não hoặc tủy sống.

             + Bất thường não bẩm sinh như: não úng thủy, u phổi lành tính.

             + Tổn thương não do bức xạ.

             + Các hội chứng di truyền như McCune-Albright.

             + Rối loạn tuyến thượng thận và tuyến giáp.

          2.2 Dậy thì sớm ngoại biên

          Dậy thì sớm ngoại biên - dậy thì sớm không phụ thuộc GnRH, tình trạng ít phổ biến hơn.

          - Nguyên nhân do sự sản xuất quá mức hormone giới tính estrogen hoặc testosterone từ các cơ quan khác như tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, buồng trứng hoặc tinh hoàn.

          - Các khối u ở các cơ quan này có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

          - Hội chứng di truyền McCune-Albright.

          - Tiếp xúc quá nhiều với các chất chứa hormone giới tính từ bên ngoài cũng có thể gây dậy thì sớm.

          Béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra tình trạng dậy thì sớm

          Có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ:

          - Giới tính: trẻ gái thường có nhiều khả năng dậy thì sớm hơn so với bé trai cùng tuổi.

          - Gia đình: một số gen di truyền như MKRN3 được chứng minh là nguyên nhân gây ra dậy thì sớm.

          - Béo phì, thừa cân.

          - Từng tiếp xúc với kem hoặc thuốc mỡ có chứa thành phần hormone giới tính estrogen, testosterone.

          - Từng xạ trị khối u.

          Có nhiều trường hợp dậy thì sớm không tìm ra được nguyên nhân cụ thể. Vậy làm thế nào để phụ huynh có thể nhận biết sớm các biểu hiện dậy thì sớm ở con em mình để có phương pháp can thiệp phù hợp?

          3. Các triệu chứng điển hình của dậy thì sớm ở trẻ em

          Dậy thì sớm là tình trạng trẻ em bắt đầu dậy thì sớm hơn so với độ tuổi bình thường. Điều này thể hiện qua sự xuất hiện sớm của các đặc tính sinh dục thứ cấp.

          3.1 Dậy thì sớm ở bé gái

          - Phát triển ngực: Đây thường là dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận thấy nhất.

          - Lông mu và lông nách bắt đầu mọc ở vùng kín và dưới cánh tay.

          - Xuất hiện kinh nguyệt sớm hơn 8 tuổi.

          - Tăng trưởng chiều cao đột ngột so với các bạn đồng trang lứa

          - Da dầu hơn, xuất hiện nhiều mụn.

          - Trẻ có thể trở nên nhạy cảm, dễ cáu gắt hoặc lo lắng.

          3.2 Dậy thì sớm ở bé trai

          - Kích thước của tinh hoàn và dương vật tăng lên rõ rệt.

          - Lông mu và lông nách bắt đầu mọc ở vùng kín và dưới cánh tay.

          - “Vỡ giọng”: Âm vực giọng nói thay đổi, trở nên trầm hơn.

          - Xuất hiện lông tơ ở mép hoặc cằm.

          - Da dầu hơn, xuất hiện nhiều mụn.

          - Tăng trưởng chiều cao đột ngột so với các bạn đồng trang lứa

          4. Những ảnh hưởng tiêu cực của dậy thì sớm đối với trẻ

          Dậy thì sớm là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả thể chất và tâm lý của trẻ. 

          Dậy thì sớm có thể ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ

          Ảnh hưởng về thể chất:

          - Hạn chế về chiều cao: Dậy thì sớm khiến trẻ phát triển chiều cao nhanh hơn trong giai đoạn đầu, tuy nhiên lại khiến quá trình tăng trưởng kết thúc sớm hơn. Điều này có nghĩa là khi trưởng thành, những trẻ dậy thì sớm thường thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

          - Các vấn đề sức khỏe khác: Ngoài ảnh hưởng đến chiều cao, dậy thì sớm còn có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe khác như rối loạn kinh nguyệt ở bé gái, các vấn đề về xương khớp và tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính ở tuổi trưởng thành.

          Ảnh hưởng đến tâm lý:

          - Tự ti và lo lắng: Sự phát triển thể chất nhanh chóng và khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa khiến trẻ cảm thấy tự ti, lo lắng và cô lập.

          - Thay đổi tâm trạng: Trẻ dậy thì sớm thường dễ cáu gắt, thay đổi tâm trạng thất thường và có thể gặp phải các vấn đề về hành vi.

          - Áp lực xã hội: Trẻ phải đối mặt với những áp lực xã hội nhất định do sự phát triển sớm về thể chất, đặc biệt là ở bé gái.

          - Rối loạn tâm lý: Trong một số trường hợp, dậy thì sớm có thể dẫn đến các rối loạn tâm lý như trầm cảm, lo âu.

          Các tác động trên có ảnh hưởng khá lớn tới đời sống cũng như sự phát triển tự nhiên của trẻ, vì vậy, nếu bạn nhận thấy con mình có những dấu hiệu của dậy thì sớm, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời.

          5. Làm thế nào để phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ?

          Hãy áp dụng những biện pháp cải thiện lối sống để giúp con trẻ giảm bớt nguy cơ mắc dậy thì sớm.

          - Tránh cho trẻ sử dụng các loại thuốc hoặc mỹ phẩm có thành phần chứa hormone.

          - Duy trì và kiểm soát cân nặng hợp lý.

          - Khuyến khích trẻ hoạt động thể chất ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng các hoạt động như: chạy nhảy, bơi lội, đạp xe... 

          - Chế độ ăn uống đa dạng, tăng cường chất xơ tự nhiên, giảm tối đa thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn và các đồ uống ngọt, có ga. Hãy chọn các thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không chứa chất bảo quản.

          - Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc, tránh tiếp xúc với các thiết bị điện tử trước khi ngủ.

          - Tạo không gian sống thoải mái, giúp trẻ giảm căng thẳng và lo âu.

          - Tạo điều kiện để trẻ chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình.

          - Sẵn sàng chia sẻ, giúp con hiểu hơn về những sự thay đổi của cơ thể theo độ tuổi của con.

          Cha mẹ nên chia sẻ cởi mở cùng con

          Dậy thì sớm không chỉ là vấn đề của riêng trẻ em mà còn là vấn đề của cả gia đình và xã hội. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách là vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của trẻ. Nếu bạn nhận thấy con mình có những dấu hiệu bất thường, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

          Share