Bé sinh non thường có sức khỏe yếu hơn và dễ mắc các bệnh hơn so với trẻ sinh đủ tháng. May mắn thay, nhiều trường hợp sinh non có thể phòng tránh được. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ bầu hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây sinh non và những cách để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
1. Thế nào là sinh non?
Trẻ sinh non là trẻ chào đời từ tuần thứ 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ. Thông thường, một thai kỳ khỏe mạnh kéo dài khoảng 40 tuần. Khi trẻ chào đời sớm hơn dự sinh, các cơ quan trong cơ thể bé có thể chưa phát triển hoàn thiện, dẫn đến gặp nhiều vấn đề sức khỏe.
Trẻ sơ sinh non tháng được phân loại dựa trên tuổi thai như sau:
- Cực non: Tuổi thai dưới 28 tuần.
- Rất non: Tuổi thai từ 28 đến 31 tuần 6 ngày.
- Non trung bình: Tuổi thai từ 32 đến 33 tuần 6 ngày.
- Non muộn: Tuổi thai từ 34 đến 36 tuần 6 ngày.
Trẻ sinh non là trẻ sinh ra từ tuần 22 đến tuần 37 của thai kỳ
Nguyên nhân gây ra sinh non rất đa dạng và phức tạp, có thể bao gồm cả yếu tố từ người mẹ như: tuổi tác, sức khỏe nền tảng, các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, nhiễm trùng; các yếu tố liên quan đến thai kỳ như: đa thai, bất thường cấu trúc tử cung, nhau thai bám thấp.
Ngoài ra, yếu tố môi trường như hút thuốc, uống rượu, stress cũng góp phần làm tăng nguy cơ sinh non.
2. Những nguy cơ đối với trẻ sinh non
Trẻ sinh non tháng thường biểu hiện các đặc điểm sau:
- Bé sinh ra thường nhẹ cân hơn so với các bé khác.
- Rối loạn hô hấp: Do phổi chưa trưởng thành hoàn toàn, dẫn đến nguy cơ suy hô hấp cấp và tử vong cao. Các biến chứng hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản mạn tính, loạn sản phổi cũng thường gặp.
- Chậm phát triển về cân nặng và chiều cao so với tuổi, chậm đạt các mốc phát triển vận động và nhận thức.
- Nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh như tim mạch, thần kinh, mắt, tai cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
3. Dấu hiệu báo sinh non
Trong quá trình mang thai, thai phụ cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu sau đây, đây có thể là những dấu hiệu báo động sinh non sớm:
- Xuất hiện cơn co thắt tử cung đều đặn, tăng dần về tần suất và cường độ, có thể đi kèm với đau bụng dưới. Xuất hiện 4 cơn gò trong 20 phút hoặc 8 cơn gò trong vòng 60 phút.
- Cổ tử cung mở từ 2cm hoặc xóa mỏng từ 80% trở lên.
- Thay đổi tiết dịch âm đạo: Xuất hiện dịch nhầy có máu, tăng lượng dịch tiết hoặc thay đổi màu sắc, mùi của dịch.
- Cảm giác nặng nề ở vùng chậu, bé dường như đang chèn ép xuống dưới.
- Đau lưng dưới âm ỉ hoặc đau quặn, có hoặc kèm tiêu chảy
- Sưng phù tay, chân, mặt hoặc tăng cân đột ngột.
- Mờ mắt, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng.
- Thai nhi giảm cử động hơn so với bình thường hoặc ngừng cử động hoàn toàn.
Thai phụ nên theo dõi sát sao cử động của thai nhi để phát hiện dấu hiệu bất thường
Các dấu hiệu sinh non có thể khác nhau ở mỗi thai phụ, vì vậy việc khám thai định kỳ hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường là cách tốt nhất để phát hiện sớm để can thiệp kịp thời.
4. Phòng ngừa nguy cơ sinh non
Sinh non là một biến chứng sản khoa phức tạp, với nhiều yếu tố nguy cơ khác nhau, chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Mặc dù việc ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ sinh non vẫn còn là một thách thức, nhưng việc chủ động chăm sóc sức khỏe trước và trong thai kỳ từ phía thai phụ là rất quan trọng, điều này có thể giúp giảm thiểu đáng kể nguy cơ này.
4.4 Trước khi mang thai
- Tư vấn sức khỏe sinh sản: Phụ nữ có kế hoạch mang thai nên được tư vấn về sức khỏe sinh sản để đánh giá và điều trị các bệnh lý nền tiềm ẩn, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến tử cung, cổ tử cung.
- Điều chỉnh lối sống lành mạnh, bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, kiểm soát cân nặng.
- Chủ động giãn khoảng cách giữa các lần mang thai phù hợp để cơ thể mẹ có thời gian phục hồi.
- Tránh các công việc nặng nhọc, tiếp xúc với hóa chất độc hại hoặc làm việc trong môi trường căng thẳng.
4.2 Trong quá trình mang thai
- Thực hiện đầy đủ các lần khám thai theo hướng dẫn của bác sĩ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường.
- Các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ cần được điều trị kịp thời và đúng cách.
- Tránh làm việc quá sức, căng thẳng, đảm bảo giấc ngủ đủ.
- Chế độ dinh dưỡng cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cả mẹ và bé.
Hình ảnh minh họa
Ngoài ra nếu mẹ có các yếu tố nguy cơ sau thì cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ sản khoa:
- Tiền sử sinh non: Phụ nữ có tiền sử sinh non có nguy cơ cao hơn.
- Đa thai: Mang thai nhiều thai cũng làm tăng nguy cơ sinh non.
- Bất thường tử cung: Các dị tật bẩm sinh của tử cung có thể làm tăng nguy cơ.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường sinh dục có thể kích thích co tử cung sớm.
- Rối loạn đông máu: Các rối loạn đông máu có thể làm tăng nguy cơ bong nhau non.
Việc phòng ngừa sinh non đòi hỏi sự phối hợp giữa người mẹ, gia đình và bác sĩ chuyên khoa. Bằng cách thực hiện các biện pháp trên, chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ sinh non và mang lại một tương lai khỏe mạnh cho cả mẹ và bé.