125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Tin tức
        Hỏi đáp chuyên gia
          Cẩn trọng với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt - Tiềm ẩn nguy cơ bệnh u tuyến yên

          Cẩn trọng với các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt - Tiềm ẩn nguy cơ bệnh u tuyến yên

          THAI THINH MEDIC
          16/09/2024

          Nhiều phụ nữ thường xem nhẹ các vấn đề về kinh nguyệt, cho rằng đó là điều bình thường. Tuy nhiên, rối loạn kinh nguyệt kéo dài hoặc bất thường có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn, trong đó có u tuyến yên. Đừng để sự chủ quan gây ra những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe sinh sản của bạn.

          Chị T, 23 t, đến khám tại Phòng khám 125 Thái Thịnh vì nguyên nhân ra máu âm đạo bất thường.

          Qua quá trình hỏi bệnh, thăm khám, chỉ định xét nghiệm và chụp MRI cho kết quả:

          - Prolactin máu: 2016 µU/mL

          - Hình ảnh U tuyến yên (Microadenoma) KT 6x10x13mm

          Bác sĩ chẩn đoán: Rong kinh/ U tuyến yên tiết Prolactin

          - Sau 6 tháng điều trị, bệnh nhân kinh nguyệt ổn định, đã có thai.

          1. Bệnh u tuyến yên là gì?

          Tuyến yên (hay còn gọi là tuyến não thùy) là một tuyến chính trong hệ thống nội tiết, có kích thước bằng hạt đậu, nằm ở đáy não. Tuyến yên sản sinh ra nhiều loại hormon quan trọng trong cơ thể. 

          U tuyến yên là sự phát triển, tăng trưởng bất thường của các tế bào tuyến yên. Đây là một trong bốn loại u nội sọ thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

          Đa phần khối u tuyến yên đều lành tính (không phải ung thư), phát triển chậm. Khối u tuyến yên thường chỉ nằm trong hố yên (vị trí bình thường của tuyến yên). Tuy nhiên nếu khối u có kích thước lớn hơn khoảng 1cm, có thể gây ra chèn ép, tạo áp lực lên các phần lân cận của não và các dây thần kinh tại đó. 

          Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh u tuyến yên. Một số nghiên cứu cho rằng căn bệnh này bắt nguồn bị gây ra bởi các yếu tố di truyền đa u tuyến nội tiết (MEN 1).

          2. Phân loại u tuyến yên

          U tuyến yên được phân thành 2 loại chính: u tuyến yên chức năng và u tuyến yên không chức năng.

          U tuyến yên chức năng

          Là dạng khối u có hoạt động, sản xuất ra hormone, gồm các loại chính sau:

          U tuyến corticotroph: tạo ra hormone vỏ thượng thận (ACTH).

          U tuyến somatotroph: sản xuất hormone tăng trưởng (GH). 

          U tuyến sữa: tạo ra prolactin.

          U tuyến sinh dục: sản xuất hormone kích thích nang trứng. Đây là một dạng u hiếm gặp.

          U tuyến giáp: tạo ra hormone kích thích tuyến giáp. Đây cũng là một loại u hiếm gặp.

          U tuyến yên không chức năng

          Là dạng khối u không sản xuất ra hormone. Tuy nhiên, những khối u này khi phát triển lớn hơn sẽ chèn ép những cấu trúc ở vùng lân cận.

          Vì vậy, thường loại khối u này chỉ được phát hiện khi đã phát triển khá lớn, chèn ép lên những cấu trúc gần đó và người bệnh đã xuất hiện một số triệu chứng liên quan.

          3. Triệu chứng của bệnh u tuyến yên

          Khối u tuyến yên có thể gây nên sự bất thường trong việc tiết hormon của tuyến yên dẫn đến những triệu chứng, biến chứng liên quan.

          3.1. Rối loạn nội tiết

          Triệu chứng này thường gặp ở những người bệnh mắc u tuyến yên chức năng, phụ thuộc nhiều vào loại nội tiết khối u tiết ra. Một số triệu chứng thường gặp:

          - Tăng tiết prolactin: người bệnh có rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, tiết sữa (mặc dù không có thai). Nhiều trường hợp người bệnh tới khám vì rối loạn kinh nguyệt hoặc vô sinh nhiều năm và phát hiện bị u tuyến yên tăng tiết prolactin. Người bệnh nam giới có thể bị giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực.

          - Tăng tiết GH: người bệnh có gương mặt và hình dáng đặc trưng: mặt to, trán rộng, cằm rộng, môi dày, da thô, bàn chân và ngón chân to, bàn tay và ngón tay to… 

          - Tăng tiết ACTH: hội chứng Cushing với các triệu chứng: tăng cân, cơ nhẽo, rạn da, bụng to, tay chân nhỏ.

          - Suy tuyến yên: Dạng u tuyến yên không chức năng khi phát triển lớn có thể chèn ép các tế bào tuyến yên lành, dẫn đến triệu chứng suy tuyến yên như: bất lực, vô sinh, da khô, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, dậy thì muộn ở trẻ em… Trường hợp xuất hiện tuyến yên gây suy tuyến yên cấp với các dấu hiệu suy tuyến yên xuất hiện nhanh, đau đầu nhiều, nhìn mờ. Đây là một tình trạng cấp cứu ngoại khoa, cần được xử trí nhanh và đúng.

          3.2. Rối loạn thị giác

          U tuyến yên nằm trong hố yên, phía dưới giao thoa thị giác. Vì vậy, khi khối u lớn thường chèn ép, gây rối loạn thị giác như nhìn mờ, bán manh (chỉ thấy được hình ảnh ngay trước mắt, không nhìn thấy các vật bên ngoài thái dương hoặc không nhìn thấy các vật bên trong mũi). Ngoài ra, khi u tuyến yên phát triển to lên và xâm lấn vào các xoang tĩnh mạch hang, chèn ép các dây thần kinh III, IV, V, người bệnh có thể bị tê bì mặt, lác mắt.

          3.3. Tăng áp lực nội sọ

          U tuyến yên phát triển có thể dẫn đến sự gia tăng áp lực trong não, biểu hiện thành các triệu chứng như: đau đầu, buồn nôn, giảm ý thức, tăng huyết áp, hôn mê… Bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm như: tổn thương não vĩnh viễn, hôn mê kéo dài hoặc tử vong.

          4. Phương pháp chẩn đoán u tuyến yên

          U tuyến yên giai đoạn đầu thường nhỏ, tốc độ phát triển chậm, không có triệu chứng hoặc triệu chứng tương tự như dấu hiệu của các căn bệnh khác nên thường không được phát hiện sớm.

          Để chẩn đoán u tuyến yên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về tiền sử của cá nhân người bệnh và gia đình. Sau khi có chẩn đoán sơ bộ (từ những triệu chứng khám được), bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm, cận lâm sàng sau để phát hiện khối u tuyến yên:

          - Xét nghiệm một số chỉ số hormon liên quan đến u tuyến yên (cortisol, prolactin…) trong máu. Tùy vào triệu chứng của bệnh nhân mà bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có tăng loại hormon gì và đưa ra chỉ định thích hợp.

          - Xét nghiệm nước tiểu: dùng để xác định tình trạng tiết quá nhiều hormon ACTH ở một số bệnh nhân u tuyến yên

          - Chụp cộng hưởng từ (MRI): là phương pháp thường được chỉ định, có thể cung cấp các hình ảnh rất chi tiết về cơ quan được chụp, giúp bác sĩ phát hiện được sự hiện diện cũng như kích thước, vị trí của khối u.

          5. Điều trị u tuyến yên

          Tùy vào triệu chứng, mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân (tuổi tác, thể trạng, diễn biến bệnh, phác đồ đang dùng) mà bác sĩ có thể lựa chọn các phương án chữa trị thích hợp. Một số phương pháp thường dùng:

          - Sử dụng thuốc

          - Phẫu thuật cắt bỏ khối u

          - Liệu pháp bức xạ

          - Phẫu thuật phóng xạ

          6. Phòng ngừa bệnh u tuyến yên

          Bạn có thể áp dụng một số phương pháp thay đổi lối sống để hạn chế nguy cơ mắc bệnh u tuyến yên như: ăn đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều rau củ quả, hạn chế chất kích thích, ngủ đủ giấc, tránh stress…

          Đặc biệt, nếu trong gia đình (cha, mẹ, anh chị em ruột) có người bị mắc bệnh u tuyến yên, bạn nên thực hiện các xét nghiệm di truyền. Điều này giúp sàng lọc bệnh u tuyến yên từ ngay giai đoạn đầu, chưa có triệu chứng. Thăm khám sức khỏe, xét nghiệm các chỉ số hormon định kỳ cũng là cách hiệu quả đề phòng ngừa u tuyến yên.

          U tuyến yên đa phần là lành tính. Tuy nhiên nếu không điều trị sớm và kịp thời, bệnh có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như: suy tuyến yên, hội chứng Cushing, chèn ép não (nhìn mờ, đau đầu, buồn nôn, rối loạn ý thức, hôn mê) và thậm chí tử vong. 

          Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, đừng chủ quan mà hãy đi khám ngay để được kiểm tra chính xác nhé!
           

          Share