U nang bao hoạt dịch là một tình trạng khá phổ biến, liên quan đến tổn thương hoặc sưng viêm các vùng khớp. Theo dõi ngay bài viết sau để được cung cấp thông tin toàn diện về u nang bao hoạt dịch và cách điều trị phù hợp.
1. U nang bao hoạt dịch là gì?
U nang bao hoạt dịch là các túi chứa dịch bất thường, xuất phát từ bao khớp hoặc bao gân - những cấu trúc có chức năng bảo vệ và bôi trơn khớp. Đây là một bệnh lý lành tính, không có nguy cơ ung thư, tuy nhiên có thể gây ra các triệu chứng như sưng, đau nhức, hạn chế vận động và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bao hoạt dịch là một màng sinh học tự nhiên nằm ở phía trong cùng của bao khớp, chứa một loại dịch sánh giúp bôi trơn các mặt khớp và cung cấp chất dinh dưỡng cho các mô bên trong khớp. Bao hoạt dịch gồm hai lớp: một lớp màng xơ bên ngoài và lớp màng hoạt dịch bên trong. Màng hoạt dịch tiết ra hoạt dịch, một chất lỏng có tính chất nhớt giống như lòng trắng trứng, có tác dụng giảm ma sát giữa các bề mặt khớp và bảo vệ các cấu trúc bên trong ổ khớp.
U nang bao hoạt dịch thường xuất hiện khi áp lực trong bao khớp tăng, gây ra tình trạng thoát vị dịch ra ngoài ổ khớp. Vị trí hình thành u nang thường là nơi bao khớp lỏng lẻo nhất. U nang bao hoạt dịch có thể xuất hiện ở hầu hết các khớp trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở:
- Khớp gối: U nang bao hoạt dịch khớp gối (hay còn gọi là u nang Baker) thường xuất hiện ở mặt sau gối, gây sưng và khó chịu.
- Cổ tay: U nang bao hoạt dịch cổ tay thường xuất hiện ở mặt mu cổ tay, có thể gây đau khi vận động.
- Cổ chân: U nang bao hoạt dịch cổ chân có thể gây khó khăn khi đi lại hoặc mang giày.
- Khuỷu tay: Ít gặp hơn nhưng vẫn có thể xuất hiện, gây đau và hạn chế vận động khuỷu tay.
- Cột sống: U nang bao hoạt dịch cột sống thường xuất hiện ở vùng thắt lưng, nơi có các khớp mặt giữa các đốt sống.
- Các vị trí khác: U nang bao hoạt dịch cũng có thể xuất hiện ở mu bàn chân, ngón tay, khoeo chân.
U nang này có thể tăng kích thước rất chậm và hiếm khi tự biến mất mà không cần can thiệp điều trị. Mặc dù lành tính, u nang bao hoạt dịch vẫn có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động, đặc biệt là khi u nang phát triển lớn hoặc nằm ở vị trí gây áp lực lên các cấu trúc xung quanh.

U nang bao hoạt dịch là các túi chứa dịch bất thường, xuất phát từ bao khớp hoặc bao gân
2. Nguyên nhân gây ra u nang bao hoạt dịch
U nang bao hoạt dịch có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:
- Chấn thương hoặc tổn thương bao hoạt dịch: Các chấn thương khớp do tai nạn, thể thao hoặc lao động nặng có thể gây tổn thương bao hoạt dịch, dẫn đến tăng tiết dịch và hình thành u nang.
- Chấn thương lặp lại: Những chấn thương nhỏ và lặp đi lặp lại ở các khớp, như bong gân, tổn thương dây chằng hoặc rách sụn, đặc biệt là khi không khởi động kỹ khi vận động có thể gây áp lực lên khớp và bao hoạt dịch, khiến bao hoạt dịch bị kích thích và dẫn đến tình trạng thoát vị dịch tạo thành u nang. Tình trạng này có thể gặp ở các vận động viên hoặc người lao động phải thực hiện các động tác lặp đi lặp lại.
- Viêm khớp: Các bệnh viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hoặc viêm khớp nhiễm trùng có thể gây viêm bao hoạt dịch, dẫn đến hình thành u nang.
- Thoái hóa khớp: Quá trình lão hóa tự nhiên có thể làm suy yếu sụn khớp và các cấu trúc xung quanh khớp, bao gồm cả bao hoạt dịch. Điều này làm tăng nguy cơ hình thành u nang, đặc biệt ở người trên 65 tuổi. Thoái hóa khớp có thể dẫn đến việc cơ thể sản xuất nhiều dịch hoạt dịch hơn để bù đắp cho sự suy giảm chức năng khớp, duy trì sự bôi trơn. Lượng dịch dư thừa này có thể tích tụ trong bao hoạt dịch, tạo thành u nang.
Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp không thể xác định được nguyên nhân gây u nang bao hoạt dịch. Bên cạnh đặc thù nghề nghiệp, các yếu tố nguy cơ khác của bệnh cũng rất đa dạng như sau:
- Nghề nghiệp: Những đối tượng thường xuyên dùng cổ tay để làm việc như nhân viên văn phòng, vận động viên Tennis, cầu lông,… có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Tuổi tác: U nang bao hoạt dịch thường gặp ở những người trên 40 tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi. Khi đó, lớp sụn bảo vệ khớp bị mài mòn, làm tăng nguy cơ tổn thương khớp và sự hình thành u nang.
- Bệnh lý nền: Một số bệnh lý như tiểu đường, gout, viêm khớp, hoặc viêm gân có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất trong cơ thể, gây rối loạn sản xuất và hấp thụ dịch hoạt dịch, từ dod làm tăng nguy cơ hình thành u nang bao hoạt dịch.
- Yếu tố di truyền: Mặc dù chưa có nghiên cứu rõ ràng về yếu tố di truyền, nhưng một số nghiên cứu cho thấy những người có tiền sử gia đình mắc u nang bao hoạt dịch có nguy cơ cao hơn.
- Giới tính: Phụ nữ trong độ tuổi trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh u nang bao hoạt dịch cao hơn nam giới. Điều này có thể liên quan đến đặc điểm sinh lý, sự thay đổi hormone hoặc các hoạt động sinh hoạt đặc thù.

U nang bao hoạt dịch có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau
3. Triệu chứng nhận biết u nang bao hoạt dịch
U nang bao hoạt dịch thường không có triệu chứng rõ rệt, nhưng khi phát triển hoặc bị viêm, chúng có thể gây ra một số dấu hiệu và cảm giác khó chịu. U nang bao hoạt dịch có thể biểu hiện bằng nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và kích thước của u nang. Cụ thể:
- Khối u mềm, di động: U nang bao hoạt dịch thường xuất hiện dưới dạng một khối u mềm, dễ sờ thấy và có thể di động ở vùng xung quanh khớp. Khối u này có thể thay đổi kích thước, có lúc nhỏ lại và khi viêm có thể to ra.
- Đau nhức và sưng khớp: Khi khối u gây áp lực lên các khớp, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức, đặc biệt là khi vận động hoặc khi ấn vào vùng bị ảnh hưởng. Cơn đau thường tăng lên khi khớp hoạt động mạnh.
- Cảm giác cứng khớp: U nang có thể gây cảm giác cứng khớp, đặc biệt khi di chuyển khớp, kèm theo âm thanh rắc rắc như khớp muốn rời ra, làm hạn chế vận động khớp và gây khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.
- Sưng đỏ hoặc bầm tím: Một số trường hợp u nang bao hoạt dịch có thể gây sưng đỏ hoặc bầm tím ở khu vực bị viêm, khiến vùng da xung quanh khớp trông khác thường.
- Triệu chứng toàn thân: Trong những trường hợp viêm cấp tính, bệnh nhân có thể bị sốt nhẹ đến sốt cao, kèm theo các triệu chứng của viêm bao hoạt dịch.
Một số bệnh nhân có thể không cảm nhận được triệu chứng nào cho đến khi u nang phát triển hoặc gây áp lực lên các cấu trúc gần đó. Trong trường hợp này, u nang có thể không gây đau và chỉ gây khó chịu về mặt thẩm mỹ hoặc vì chèn ép.
Triệu chứng đặc biệt ở một số vị trí:
U nang bao hoạt dịch cột sống:
- Đau lưng dưới.
- Đau chân (đau thần kinh tọa), có thể lan xuống phía sau chân và đến bàn chân.
- Đau giảm khi ngồi và tăng lên khi đứng hoặc đi bộ.
- Tê, ngứa ran hoặc yếu cơ ở chân.
- Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể gây hẹp ống sống, hội chứng đuôi ngựa (chèn ép các dây thần kinh ở cuối tủy sống).
U nang bao hoạt dịch cổ tay:
- Đau nhức tại chỗ, tê ngứa hoặc lan lên bàn tay hoặc khuỷu tay.
- Khớp cổ tay thiếu linh hoạt, khó chuyển động.

U nang bao hoạt dịch có thể không gây triệu chứng rõ rệt
4. Phương pháp chẩn đoán u nang bao hoạt dịch
Để chẩn đoán chính xác u nang bao hoạt dịch, bác sĩ thường sử dụng một số phương pháp xét nghiệm và cận lâm sàng sau đây:
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra khối u qua việc sờ nắn vùng khớp bị ảnh hưởng, kiểm tra kích thước, hình dạng, độ mềm và khả năng di động của khối u; đánh giá triệu chứng như đau, sưng, cứng khớp và xem xét sự thay đổi kích thước của u nang khi vận động.
Chẩn đoán hình ảnh
- X-quang: Chụp X-quang giúp loại trừ khả năng u xương hoặc các vấn đề liên quan đến xương. Tuy nhiên, phương pháp này không thể hiện rõ u nang bao hoạt dịch nên được dùng để đánh giá các vấn đề xương hoặc sự thay đổi cấu trúc khớp như thoái hóa khớp.
- Siêu âm: Siêu âm là phương pháp chính giúp xác định u nang bao hoạt dịch và phân biệt chúng với các bệnh lý phần mềm khác, chẳng hạn như bướu bã hoặc u mỡ. Siêu âm giúp bác sĩ thấy rõ được hình dạng, kích thước và vị trí của u nang.
- MRI (Chụp cộng hưởng từ): MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của cả mô mềm và xương. MRI là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất để phát hiện u nang bao hoạt dịch, đặc biệt là các u nang nhỏ hoặc nằm sâu, khó sờ thấy hoặc nhận diện qua siêu âm. MRI cũng giúp đánh giá mối liên hệ của u nang với các cấu trúc xung quanh như dây thần kinh, mạch máu và gân.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT sử dụng tia X và máy tính để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết của cơ thể. CT ít được sử dụng trong chẩn đoán u nang bao hoạt dịch hơn MRI, nhưng có thể được chỉ định trong một số trường hợp nhất định như khi bệnh nhân không thể chụp MRI.
Chọc hút dịch
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật chọc hút dịch từ u nang để xét nghiệm. Phương pháp này giúp xác định thành phần của dịch trong u nang, kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và loại trừ các bệnh lý khác.

Nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán chính xác u nang bao hoạt dịch
5. Các phương pháp điều trị u nang bao hoạt dịch
Việc điều trị u nang bao hoạt dịch phụ thuộc vào kích thước của u nang, mức độ triệu chứng và ảnh hưởng của u nang đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Có hai hướng điều trị chính: điều trị bảo tồn (nội khoa) và điều trị phẫu thuật (ngoại khoa).
5.1. Điều trị bảo tồn (Điều trị nội khoa)
Nếu u nang không gây bất kỳ triệu chứng nào, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi mà không cần can thiệp. Trong nhiều trường hợp, u nang có thể tự biến mất theo thời gian. Ngoài ra có thể áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa bảo tồn
Điều trị bảo tồn thường được áp dụng cho những trường hợp u nang nhỏ, không gây đau, không ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt. Mục tiêu của phương pháp này là giảm triệu chứng và ngăn ngừa u nang phát triển lớn hơn.
- Nghỉ ngơi: Hạn chế vận động khớp để giảm áp lực lên u nang. Cố định khớp bằng nẹp hoặc băng cố định giúp ngăn ngừa u nang to ra và giảm đau, đặc biệt là khi có sự chèn ép thần kinh.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên vùng bị ảnh hưởng trong khoảng 15 - 20 phút, vài lần mỗi ngày để giảm đau và giảm sưng.
- Thuốc giảm đau và chống viêm: Các thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (paracetamol) hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen có thể được sử dụng để giảm đau và giảm viêm, giúp người bệnh thoải mái hơn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể tiêm corticosteroid trực tiếp vào u nang để giảm viêm mạnh hơn. Tuy nhiên, tiêm corticosteroid chỉ giúp giảm triệu chứng tạm thời và không ngăn ngừa tái phát.
- Chọc hút dịch: Bác sĩ có thể dùng kim tiêm để chọc hút dịch từ u nang ra. Thủ thuật này giúp giảm áp lực và giảm kích thước u nang, từ đó giảm đau. Tuy nhiên, u nang có thể tái phát sau khi chọc hút dịch
- Vật lý trị liệu: Bao gồm các bài tập để giảm đau và tăng cường sức mạnh cho các cơ quanh khớp, giúp duy trì sự linh hoạt và chức năng khớp.

Điều trị bảo tồn thường được áp dụng cho những trường hợp u nang không ảnh hưởng đến vận động và sinh hoạt
5.2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc u nang gây đau đớn dai dẳng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hoặc thẩm mỹ của người bệnh. Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng là phẫu thuật cắt bỏ u nang. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da để tiếp cận và bóc tách u nang khỏi các mô xung quanh, sau đó cắt bỏ túi u nang và khâu lại vết mổ. Sau phẫu thuật, người bệnh cần được cố định khớp bằng nẹp trong một thời gian.
U nang bao hoạt dịch có khả năng tái phát cao, đặc biệt nếu người bệnh không điều trị triệt để nguyên nhân gây ra u nang hoặc tiếp tục gặp phải chấn thương lặp đi lặp lại tại các khớp. Vì vậy, việc điều trị u nang cần kết hợp với điều trị căn nguyên gây bệnh để hạn chế tái phát nhất có thể và giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phẫu thuật chỉ được xem xét khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc u nang gây đau đớn dai dẳng
U nang bao hoạt dịch là bệnh lý phổ biến có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phòng khám 125 Thái Thịnh - Gần 30 năm đồng hành chăm sóc sức khỏe hàng triệu người dân, là địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ y tế chuyên nghiệp, chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
Mọi thông tin quý khách vui lòng liên hệ hotline: 097 288 1125 hoặc 0243 853 5522.