Tiểu đường là căn bệnh gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống vì những biến chứng khôn lường của nó. Cùng Phòng khám 125 Thái Thịnh điểm qua một vào biến chứng thường gặp của bệnh tiểu đường để hiểu rõ và biết cách phòng tránh chứng bệnh này qua bài viết dưới đây.
1. Biến chứng tiểu đường cấp tính
Biến chứng cấp tính là biến chứng xảy ra đột ngột và có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc nếu như không được xử lý kịp thời.
1.1. Hạ đường huyết
Tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi lượng đường trong máu giảm đột ngột dưới mức cho phép, dưới 70 mg/dL.
Nguyên nhân chính dẫn tới hạ đường huyết:
- Uống/ tiêm quá liều insulin hoặc uống thuốc khi chưa ăn
- Do lối sống: ăn kiêng quá mức, tập luyện quá sức, uống nhiều bia rượu
Triệu chứng của hạ đường huyết:
- Cảm thấy đói
- Chân tay run
- Nhịp tim nhanh, cảm thấy bồn chồn, buồn nôn
- Triệu chứng rối loạn thần kinh xuất hiện khi lượng đường trong máu giảm quá thấp: nhức đầu, choáng váng, mắt mờ, buồn ngủ, mất tri giác hoặc thậm chí co giật và hôn mê
![tieu-duong-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-1](https://file.thaithinhmedic.vn//uploads/dae13df6-6720-4bda-a61c-61e5e948017e/2022/12/05/f0d0fcffbec348cc9b45ec55fdda98c0.png)
Triệu chứng rối loạn thần kinh xuất hiện khi lượng đường trong máu giảm quá thấp
Tình trạng hạ đường huyết nặng, kéo dài có thể dẫn tới tổn thương não và không có khả năng hồi phục, có trường hợp tử vong.
Cách xử trí:
- Hạ đường huyết nhẹ: ăn đồ ngọt hoặc bổ sung thực phẩm dành riêng cho người bị mắc tiểu đường, đồng thời kiểm tra đường huyết sau mỗi 15 phút cho tới khi tỉnh táo hẳn.
- Hạ đường huyết nặng: nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để cấp cứu để tránh biến chứng nghiêm trọng.
1.2. Nhiễm toan chuyên hóa
Đây là biến chứng cấp tính của bệnh đái tháo đường do tăng đường huyết trong thời gian dài không kiểm soát, tăng ceton trong máu và nhiễm toan chuyển hóa. Đường trong máu cao tăng áp lực thẩm thấu niệu với mất nhiều nước và điện giải. Biểu hiện: nôn, buồn nôn, đau bụng, hôn mê thậm chí tử vong.
![tieu-duong-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-2](https://file.thaithinhmedic.vn//uploads/dae13df6-6720-4bda-a61c-61e5e948017e/2022/12/05/0d670b1e80bc48ef8bd0ee540e4e359d.png)
Nhiễm toan chuyên hoá gây buồn nôn, đau bụng
2. Biến chứng mãn tính
Khi lượng đường tăng cao mãn tính, cơ thể bị rối loạn chuyển hóa chất đường, chất đạm và chất béo dẫn tới suy giảm chức năng các cơ quan trong cơ thể.
2.1. Biến chứng mắt
Đây là nguyên nhân phổ biến gây mù lòa ở bệnh nhân tiểu đường. Bệnh xuất hiện khi mạch máu nhỏ tổn thương, phình mao mạch võng mạc gây tăng sinh mạch máu và phù hoàng điểm. Bệnh thường không có triệu chứng ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thấy rõ khi bệnh tiến triển nặng bao gồm: nhìn mờ, bong thủy tinh thể, bong võng mạc, mất thị lực một phần hoặc toàn bộ. Để phòng ngừa bệnh võng mạc đái tháo đường, người bệnh phải kiểm tra võng mạc thường xuyên hàng năm.
![tieu-duong-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-3](https://file.thaithinhmedic.vn//uploads/dae13df6-6720-4bda-a61c-61e5e948017e/2022/12/05/55f7c0ecfb2f4bb498e25efb6ffa7ad8.png)
Các biến chứng về mắt
2.2. Biến chứng mạch máu lớn liên quan xơ vữa động mạch của các mạch lớn
Hệ lụy khó tránh của tiểu đường là tăng mỡ máu, cao huyết áp, xơ vữa động mạch. Có thể dẫn tới:
Ở mạch máu não gây đột quỵ do xuất huyết não, nhũn não; đôi khi có cơn thiếu máu não thoáng qua. Người mắc đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ não từ 150 – 400%.
Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có thể không đau, khi chụp mạch vành tổn thương mạch vành của bệnh nhân đái tháo đường thường nhiều chỗ và nhiều nhánh.
Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi, hoại tử chi đặc biệt ở bệnh nhân hút thuốc lá nhiều. Hoại tử chi thường gặp ở các ngón chân, ngón chân bệnh nhân thâm đen, nếu không điều trị kịp thời có thể mất cả bàn chân.
Đọc ngay: Ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường
2.3. Biến chứng thần kinh
Người bệnh thường có cảm giác đau hoặc tê nóng ở chân, nhịp tim không ổn định, tăng tiết mồ hôi… đây là biến chứng xuất hiện sớm và thường xuyên của bệnh tiểu đường. Để phòng ngừa biến chứng này, bạn cần kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể mình, chăm sóc bàn chân đúng cách hằng ngày.
2.4. Biến chứng thận
Đường trong máu cao có thể gây tổn thương vi mạch máu trong thận, làm giảm chức năng lọc của thận. Bệnh thường không có triệu chứng cho tới khi xuất hiện hội chứng thận hư hoặc suy thận mạn. Để phòng ngừa biến chứng này, người bệnh cần kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp, giảm lượng muối nạp vào cơ thể, ăn ít đạm và mỡ, thường xuyên xét nghiệm nước tiểu để theo dõi chức năng thận.
![tieu-duong-va-nhung-bien-chung-nguy-hiem-4](https://bloganchoi.com/wp-content/uploads/2018/04/soi-than.jpg)
Đường trong máu cao có thể gây suy thận
2.5. Biến chứng nhiễm trùng
Lượng đường trong máu cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy yếu hệ miễn dịch, gây nhiễm trùng ở nhiều vùng trên cơ thể. Không cách nào hiệu quả hơn việc kiểm soát đường huyết và giữ vệ sinh cơ thể để tránh gặp những dấu hiệu nhiễm trùng ở răng miệng, vùng kín hoặc tiết niệu. Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường như: sốt, tiểu buốt, tiểu ra máu, bạn cần đến cơ sở y tế để kiểm tra và có phương án điều trị kịp thời.
Tham khảo: Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào?
3. Những điều cần biết để kiểm soát đường huyết
Tình trạng đường huyết không ổn định ở người đang mắc tiểu đường sẽ gây hậu quả khôn lường, vì vậy việc kiểm soát đường huyết là yếu tố vô cùng quan trọng giúp người bệnh ngừa các biến chứng không mong muốn xảy ra.
- Đường huyết được xem là bình thường* khi:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: 90 - 130 mg/dL (5.0 - 7.2 mmol/L)
- Chỉ số đường huyết sau ăn 2 tiếng: < 180 mg/dL (<10 mmol/L)
- Đường huyết được xem là bất thường* khi:
- Chỉ số đường huyết lúc đói: <70 mg/dL (3.9 mmol/L)
- Chỉ số đường huyết sau ăn 2 tiếng: > 200 mg/dL (11.1 mmol/L)
* Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA). Mức đường huyết an toàn còn phụ thuộc vào độ tuổi, cân nặng và bệnh lý đi kèm.
4. Làm sao để kiểm soát đường huyết?
- Cần tìm hiểu cách tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày bằng cách tự kiểm tra đường huyết và nắm được mức đường huyết an toàn.
- Biết cách xử trí khi đường huyết tăng giảm bất thường.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng và tập luyện cân bằng mỗi ngày.
- Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh đái tháo đường.
- Ngưng hút thuốc lá và hạn chế sử dụng bia rượu.
- Luôn luôn dự phòng thuốc và dụng cụ theo dõi đường huyết bên mình, hướng dẫn người thân cách sử dụng đề phòng trường hợp cần thiết.
Kiểm soát tốt đường huyết, đưa đường huyết ra ngoài vùng nguy hiểm giúp bạn sống cân bằng, khỏe mạnh và giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.