125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Tiền sản giật là gì? Các biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật

            Tiền sản giật là gì? Các biến chứng nguy hiểm của tiền sản giật

            THAI THINH MEDIC
            20/03/2024

            Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng, đe dọa tính mạng cho cả mẹ và thai nhi. Để giảm thiểu những rủi ro này, việc theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời tiền sản giật là vô cùng quan trọng.

            Hãy cùng Thái Thịnh Medic tìm hiểu về tiền sản giật và những nguy cơ tiềm ẩn, giúp mẹ bầu có một hành trình mang thai khỏe mạnh. 

            1. Tiền sản giật là gì?

            Tiền sản giật (Preeclampsia) là một trong những biến chứng nguy hiểm trong quá trình mang thai và sinh con của sản phụ. Tiền sản giật đặc trưng bởi huyết áp cao và dễ gây tổn thương các cơ quan khác,đặc biệt là gan và thận. 

            Tình trạng này có thể xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và gặp nhiều nhất từ tuần thứ 34. Tiền sản giật là nguyên nhân dẫn đến sản giật – một tai biến sản khoa nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong  nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

            2. Tỷ lệ tiền sản giật?

            Tỷ lệ tiền sản giật trên thế giới dao động trong khoảng 2 – 10% trong toàn bộ thai kỳ. Tại Việt Nam, tỷ lệ này kholà từ  2,8 – 5,5 %.

            3. Những yếu tố nguy cơ dẫn đến tiền sản giật

            3.1. Yếu tố nguy cơ cao

            • Tiền sử tiền sản giật (đặc biệt khi tiền sản giật có biến chứng nặng).
            • Tăng huyết áp mạn
            • Đái tháo đường
            • Bệnh thận
            • Bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, giảm tiểu cầu miễn dịch, hội chứng kháng phospholipid…)
            • Đa thai.

            3.2. Yếu tố nguy cơ trung bình

            • Con so
            • Béo phì (BMI >30kg/m2)
            • Tiền sử gia đình: có người thân từng mắc  tiền sản giật (mẹ hoặc chị em gái)
            • Sản phụ trên 35 tuổi.
            • Khác: sinh con nhẹ cân, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm.

            Đừng bỏ lỡ: Những việc cần làm trước khi mang thai mà mẹ bầu cần biết

            4. Triệu chứng của tiền sản giật?

            4.1. Huyết áp tăng cao:

            Dấu hiệu thường gặp nhất và sớm nhất của tiền sản giật là tăng huyết áp thai kỳ. Sản phụ thường xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp mới (trước đó không bị tăng huyết áp) từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Vì vậy, thai phụ cần được kiểm tra huyết áp từ những ngày đầu mang thai và theo dõi chỉ số này trong suốt thai kỳ.

            Sản phụ được ghi nhận huyết áp bất thường khi huyết áp vượt quá 140/90mmHg (trong hai lần đo cách nhau ít nhất 4 giờ).

            bien-chung-tien-san-giat

            Huyết áp tăng cao là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của tiền sản giật

            4.2. Chỉ số protein niệu tăng cao

            Protein niệu dương tính khi lượng protein trên 0,3g/l/24 giờ hoặc trên 0,5g/l/ mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.

            Chỉ số protein niệu ở một người bình thường có thể thay đổi nhiều trong 24 giờ. Vì vậy, để kết quả xét nghiệm protien niệu chính xác, nước tiểu phải được lấy mẫu trong 24 giờ.

            4.3. Các triệu chứng lâm sàng khác:

            • Triệu chứng phù không có giá trị xác định tiền sản giật.
            • Các triệu chứng lâm sàng khác liên quan đến rối loạn chức năng nhiều cơ quan gồm: nhức đầu dữ dội (không đáp ứng với thuốc), thay đổi thị lực (nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, mất thị lực tạm thời…), buồn nôn và nôn,  đau bụng vùng thượng vị, hạ sườn phải, lượng nước tiểu giảm, …

            5. Biến chứng của tiền sản giật?

            5.1. Biến chứng cho mẹ:

            • Sản giật: sản giật có thể xảy ra trước, trong và sau chuyển dạ. Đây là một biến chứng rất nặng, do tổn thương tế bào não, có thể dẫn đến tử vong.
            • Hội chứng HELLP: là biến chứng nặng của tiền sản giật và sản giật, xảy ra do tổn thương đa cơ quan, đe doạ nghiêm trọng tính mạng sản phụ. Hội chứng HELLP được đặc trưng bởi: tan má, men gan tăng, giảm tiểu cầu.
            • Tổn thương hệ thần kinh trung ương: xuất huyết não – màng não, phù não.
            • Tổn thương thận: co thắt mạch máu ở thận, hoại tử ống thận gây thiểu niệu vô niệu có thể dẫn đến suy thận cấp.
            • Tổn thương gan: co thắt mạch máu trong gan, có thể dẫn tới tắc nghẽn mạch máu trong gan, hoại tử tế bào gan, xuất huyết hoại tử trong gan.
            • Tổn thương hệ hô hấp và tuần hoàn: suy tim cấp, phù phổi cấp.
            • Tổn thương mắt: Phù võng mạc, mù mắt.
            • Huyết học: Rối loạn đông – chảy máu, đông máu rải rác trong lòng mạch, giảm tiểu cầu.
            • Rau bong non

            5.2. Biến chứng cho con:

            • Thai chậm phát triển trong tử cung là một biến chứng thường gặp, xuất hiện trên 50% các trường hợp tiền sản giật.
            • Đẻ non: chiếm khoảng 30 – 40% tiền sản giật
            • Tử vong chu sinh
            • Tổn thương thần kinh do thiếu oxy, do thai non tháng.
            • Thai chết lưu trong tử cung.

            6. Xử trí tiền sản giật như thế nào?

            6.1. Khám thai, xét nghiệm định kỳ và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý

            • Khám thai định kỳ bước cơ bản và cần thiết nhất trong dự phòng tiền sản giật. Bác sĩ sẽ theo dõi và xác định tiền sản giật bằng cách đo huyết áp và xét nghiệm protein trong nước tiểu mỗi lần khám thai.
            • Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng (đặc biệt protein), bổ sung canxi, ăn nhạt.
            • Phát hiện sớm, điều trị kịp thời những sản phụ có yếu tố nguy cơ cao để ngăn xảy ra biến chứng sản giật.
            • Xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật khi thai 12 – 14 tuần để sử dụng thuốc dự phòng nếu kết quả nguy cơ cao.
            bien-chung-tien-san-giat

            Duy trì khám thai định kỳ

            Tham khảo: Thực đơn dinh dưỡng cho tiểu đường thai kỳ mà mẹ bầu nên biết

            6.2. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

            Tiền sản giật nhẹ

            •  Có thể điều trị ngoại trú và theo dõi bằng cách đo huyết áp 2 lần 1 ngày.
            • Thai phụ cần  nghỉ ngơi yên tĩnh, chế độ ăn nhiều đạm, nhiều rau và trái cây tươi.
            • Theo dõi tình trạng sức khoẻ của mẹ: đo huyết áp tư thế ngồi 4h/lần (ngoại trừ đêm khuya, lúc sản phụ ngủ) ; theo dõi các triệu chứng của tiền sản giật như nhức đầu, mờ mắt, nhạy cảm ánh sáng, đau thượng vị và hạ sườn phải, lượng nước tiểu giảm… > Nếu xuất hiện các dấu hiệu bất thường, sản phụ cần được nhập viện ngay.
            • Theo dõi tình trạng thai nhi: theo dõi cử động thai nhi, nếu có dấu hiệu bất thường cần nhập viện ngay
            • Khám thai (thường 4 ngày/ lần): khám lâm sàng, siêu âm thai, monitoring thai, xét nghiệm máu, xét nghiệm protein niệu.

            Tiền sản giật nặng

            • Sản phụ cần được nhập viện ngay, theo dõi huyết áp và điều trị tích cực (theo dõi huyết áp 4 lần/ ngày, đo cân nặng và xét nghiệm protein niệu hàng ngày, theo dõi tim thai liên tục).
            • Nghỉ ngơi, nằm nghiêng trái, sử dụng các thuốc nội khoa giúp phổi bé phát triển nhanh hơn và ngăn ngừa cơn co giật.
            • Nếu tiền sản giật nặng không đáp ứng với điều trị hoặc xảy ra sản giật, bác sĩ sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ, mổ lấy thai hoặc sinh thủ thuật.

            Tiền sản giật là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của cả sản phụ và thai nhi. Mẹ bầu cần đặc biết lưu ý đến vấn đề theo dõi huyết áp, khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai để phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị kịp thời tiền sản giật.

            Đọc thêm: 11 bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ và cách phòng ngữa

            Share