Uốn ván là bệnh lý nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Tiêm uốn ván cho bà bầu là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ cả mẹ và bé trước căn bệnh này.
1. Vì sao nên tiêm uốn ván cho bà bầu?
Thai kỳ kéo dài 9 tháng 10 ngày là giai đoạn nhạy cảm và vất vả đối với các bà bầu. Bên cạnh việc chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và nghỉ ngơi, bà bầu cũng cần được tiêm phòng đầy đủ để ngăn chặn tối đa các nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và thai nhi, trong đó bao gồm vắc xin uốn ván.
Uốn ván là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại phổ biến trong môi trường, kể cả trong những điều kiện khắc nghiệt và khó có thể tiêu diệt khi đun sôi lâu. Trực khuẩn uốn ván thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở và tiết ra độc tố mạnh có khả năng tấn công hệ thần kinh, gây ra các cơn co cứng cơ không kiểm soát. Thời gian phát bệnh thường nhanh và có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Bà bầu là đối tượng đặc biệt dễ nhiễm khuẩn uốn ván khi bị vết thương hở ngoài da và các tổn thương trong quá trình sinh nở. Tương tự như bà bầu, trẻ sơ sinh cũng dễ bị nhiễm uốn ván ngay trong quá trình cắt dây rốn. Trong quá khứ, tỷ lệ tử vong do uốn ván ở trẻ sơ sinh rất cao vì dụng cụ y tế không được tiệt trùng kỹ, hoặc do môi trường không đảm bảo. Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do uốn ván ở trẻ sơ sinh có thể lên tới 95%, trong khi ở người trưởng thành con số này cũng đáng báo động với hơn 90% trường hợp tử vong nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Tiêm vắc xin là cách phòng ngừa uốn ván tốt nhất, giúp bà bầu tránh các biến chứng nguy hiểm do nhiễm uốn ván. Khi tiêm uốn ván cho bà bầu, kháng thể chống vi khuẩn Clostridium tetani từ cơ thể mẹ sẽ được truyền qua nhau thai cho trẻ. Lúc này trẻ sơ sinh có khả năng phòng tránh uốn ván ngay từ khi sinh ra, đặc biệt là khi cắt dây rốn, từ đó có một khởi đầu khỏe mạnh và an toàn nhất. Bởi vậy, vì sức khỏe của bản thân và em bé, các bà bầu nên tiêm phòng uốn ván theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
2. Tiêm uốn ván cho bà bầu ở tuần bao nhiêu?
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (từ 15 - 35 tuổi) đang mang thai đều cần tiêm ngừa uốn ván để xây dựng một hàng rào miễn dịch vững chắc, bảo vệ cả mẹ và bé trước sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh. Để đảm bảo hiệu quả bảo vệ, bà bầu cần tuân thủ lịch tiêm phòng uốn ván theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có khá nhiều loại vắc xin phòng bệnh uốn ván, bao gồm hai nhóm: vắc xin đơn giá (chỉ phòng uốn ván) và vắc xin kết hợp (phòng uốn ván kèm các bệnh khác như bạch hầu, ho gà). Đối với các loại vắc xin kết hợp ho gà, bạch hầu và uốn ván, bà bầu chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất trong mỗi thai kỳ. Thời gian tiêm phòng trong khoảng 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Đối với các loại vắc xin đơn giá, thời gian tiêm phụ thuộc vào số lần mang thai của bà bầu, số mũi vắc xin trước đó và khoảng cách từ lần tiêm phòng cuối cùng. Lịch tiêm phòng theo khuyến nghị của Bộ Y tế bao gồm 5 năm mũi, trong đó bà bầu mang thai lần 1 là hai mũi cơ bản.
Lịch tiêm 5 mũi đầy đủ
Mũi 1: Tiêm khi có thai lần đầu hoặc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ chưa nhận được liều vắc - xin uốn ván nào.
Mũi 2: Tiêm sau ít nhất 30 ngày kể từ mũi 1 và đảm bảo trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
Các mũi 3 - 4 - 5 sẽ được tiêm vào các kỳ có thai tiếp theo hoặc:
- Mũi 3: Ít nhất 6 tháng sau tiêm mũi 2.
- Mũi 4: Ít nhất 1 năm sau tiêm mũi 3.
- Mũi 5: Ít nhất 1 năm sau tiêm mũi 4.
Tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 1
TRƯỜNG HỢP 1: Các bà bầu mang thai lần đầu tiên, chưa tiêm phòng uốn ván trước đây hoặc không rõ thông tin tiêm chủng sẽ được tiêm 2 mũi cơ bản như sau:
- Mũi 1: Tiêm khi thai trên 20 tuần tuổi.
- Mũi 2: Tiêm sau ít nhất 30 ngày kể từ mũi 1 và đảm bảo trước khi sinh ít nhất 30 ngày.
TRƯỜNG HỢP 2: Những bà bầu trước khi mang thai đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin chứa thành phần uốn ván liều cơ bản sẽ cần tiêm 3 mũi như sau:
- Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu, trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
- Mũi 2: Ít nhất 1 tháng sau mũi 1.
- Mũi 3: Ít nhất 1 năm sau mũi 2.
TRƯỜNG HỢP 3: Những bà bầu trước khi mang thai đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 mũi nhắc lại sẽ cần tiêm 2 mũi như sau:
- Mũi 1: Tiêm sớm khi có thai lần đầu, trước khi sinh ít nhất 1 tháng.
- Mũi 2: Ít nhất 1 năm sau mũi 1.
Tiêm uốn ván cho bà bầu mang thai lần 2
TRƯỜNG HỢP 1: Bà bầu mang thai lần 2 đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin uốn ván cơ bản trong thai kỳ đầu tiên cách không quá 10 năm chỉ cần tiêm thêm 1 mũi từ tuần thai thứ 20 trở đi.
TRƯỜNG HỢP 2: Bà bầu mang thai lần 2 đã tiêm đủ 5 mũi vắc xin uốn ván nhưng mũi cuối cùng cách đây trên 10 năm cần tiêm nhắc lại 2 mũi.
TRƯỜNG HỢP 3: Bà bầu mang thai lần 2 đã tiêm phòng đủ 5 mũi vắc xin uốn ván, mũi cuối cùng cách không quá 10 năm không cần tiêm nhắc lại.
3. Tiêm phòng uốn ván có gặp tác dụng phụ gì trên bà bầu không?
Khi tiêm vắc xin uốn ván trong thai kỳ, có không ít bà bầu lo lắng về việc vắc xin có thể ảnh hưởng tới thai nhi hay không. Tuy nhiên, các loại vắc xin uốn ván hiện nay đều được kiểm nghiệm chất lượng, kiểm soát độ an toàn và hiệu quả một cách nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế Việt Nam. Vì vậy, vắc xin uốn ván được đánh giá là rất an toàn cho cho cả đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai và không gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Tác dụng phụ chủ yếu của vắc xin uốn ván là các phản ứng phụ sau tiêm thông thường như:
- Sốt nhẹ: Sau khi tiêm, nhiều bà bầu có thể trải qua tình trạng sốt nhẹ do cơ thể đang tạo kháng thể. Đây là phản ứng bình thường và thường tự giảm trong vài ngày.
- Đau đầu và mệt mỏi: Một số bà bầu có thể cảm thấy mệt mỏi hoặc bị đau đầu, cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tích cực.
- Sưng đau tại chỗ tiêm: Tình trạng này cũng khá phổ biến và không đáng lo ngại. Để giảm sưng và đau, có thể chườm mát tại vị trí tiêm.
- Buồn nôn hoặc tiêu chảy: Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể gặp triệu chứng buồn nôn hoặc tiêu chảy. Đảm bảo uống đủ nước và chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Các phản ứng này thường nhẹ và nhanh biến mất vài ngày sau tiêm. Ngoài ra, vắc xin uốn ván đôi khi có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng như dị ứng hoặc shock phản vệ ở những bà bầu nhạy cảm.
Vì vậy, bà bầu cần lưu ý khi gặp các triệu chứng như sưng ngứa, phát ban, nổi mề đay, khó thở, nhịp tim nhanh hoặc đau dữ dội vùng tiêm, cần báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Đồng thời, bà bầu đang mắc các bệnh khớp, thận, cúm hay có nguy cơ sinh non nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng uốn ván.
4. Giá tiêm phòng uốn ván cho bà bầu
Tiêm uốn ván cho bà bầu giá bao nhiêu phụ thuộc vào loại vắc xin được lựa chọn sử dụng. Vắc xin uốn ván đơn giá thường rẻ hơn so với các loại vắc xin kết hợp. Bà bầu có thể tham khảo giá vắc xin uốn ván trung bình hiện nay sau đây:
- Vắc xin uốn ván Việt Nam: 120.000 - 175.000/mũi
- Vắc xin bạch hầu - uốn ván Việt Nam: 200.000 - 230.000/mũi
- Vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (Pháp, Bỉ, Canada): 600.000 - 800.000/mũi
Để đảm bảo quá trình tiêm phòng diễn ra an toàn, các bà bầu hãy lựa chọn những cơ sở uy tín, được bộ Y tế cấp phép tiêm chủng. Phòng khám 125 Thái Thịnh là đơn vị dẫn đầu về siêu âm thai tại Hà Nội, cung cấp dịch vụ siêu âm thai, quản lý thai kỳ toàn diện, bao gồm dịch vụ tiêm phòng uốn ván cho bà bầu. Tại đây, các bà bầu sẽ được chăm sóc sức khỏe chuyên sâu với sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ tận tâm, giàu kinh nghiệm.
Mẹ bầu thông thái chọn 125 Thái Thịnh! Liên hệ hotline 0972 881 125 hoặc 0243 853 5522 đặt lịch khám thai ngay hôm nay tại Phòng khám 125 Thái Thịnh để được tư vấn!
Tiêm phòng uốn ván cho bà bầu là điều vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ cả mẹ và bé trước những biến chứng nguy hiểm. Hãy chủ động tiêm phòng đúng lịch kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh!