Gan là cơ quan quan trọng giúp lọc độc tố trong cơ thể. Khi gan gặp vấn đề, cơ thể cũng sẽ xuất hiện nhiều dấu hiệu bất thường. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết để nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo suy giảm chức năng gan.
1. Chức năng của gan đối với sự sống con người
Gan là một trong những cơ quan nội tạng lớn nhất và quan trọng nhất của cơ thể, nằm trong ổ bụng, phía bên phải, ngay dưới lồng ngực. Gan được cấu tạo bởi bao gan và mô gan. Khối lượng gan của nam từ 1.4-1.8kg và đối với nữ là 1.2-1.4kg.
Đây là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể con người có khả năng tự tái tạo.
1.1 Chức năng chính của gan
Là “nhà máy” hóa chất của cơ thể, gan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng, từ việc lọc máu, chuyển hóa chất dinh dưỡng đến sản xuất các chất cần thiết cho cơ thể hoạt động. Có 3 chức năng quan trọng cần thiết của gan cho cơ thể là giải độc, tổng hợp và lưu trữ, cụ thể:
- Lọc máu, loại bỏ các chất độc hại, thuốc và các chất cặn bã khác mà cơ thể đã hấp thụ.
- Chuyển hóa chất dinh dưỡng trong thức ăn thành năng lượng để cơ thể có thể sử dụng
- Sản xuất ra mật và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo.
- Dự trữ các vitamin, khoáng chất và đường glucose để cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần thiết.
- Sản xuất nhiều loại protein quan trọng cho cơ thể, bao gồm các yếu tố đông máu.
- Giúp điều hòa nồng độ hormone trong máu.
Gan nằm trong ổ bụng phía bên phải ngay dưới lồng ngực
1.2 Dấu hiệu nhận biết một lá gan khỏe mạnh
- Vết thương mau lành: Một lá gan khỏe mạnh đóng vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương. Khi bị trầy xước hay xây xát nhỏ, một lá gan khỏe mạnh sẽ giúp vết thương mau lành hơn nhờ khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Thông thường, các vết thương nhỏ sẽ lành lại trong khoảng 1-3 ngày. Nếu vết thương lâu lành, có thể đó là dấu hiệu cho thấy gan của bạn đang gặp vấn đề.
- Màu sắc nước tiểu: Màu sắc của nước tiểu có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của gan. Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt, trong suốt. Nếu nước tiểu của bạn có màu đậm, sẫm màu, hoặc có vẩn đục, đó có thể là dấu hiệu cho thấy gan đang gặp vấn đề.
- Móng tay hồng hào: Móng tay hồng hào và sáng bóng thường là dấu hiệu của một lá gan khỏe mạnh. Ngược lại, móng tay nhợt nhạt, có đốm trắng hoặc sọc dọc có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan.
Ảnh minh họa
Một lá gan khỏe mạnh thường thể hiện rõ qua vẻ ngoài của chúng ta. Làn da hồng hào, đôi mắt sáng và tinh thần minh mẫn là những dấu hiệu cho thấy gan đang làm việc hiệu quả. Để duy trì một lá gan khỏe mạnh, chúng ta cần có một lối sống lành mạnh, bao gồm việc ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên và tránh xa các chất độc hại.
1.3 Các tế bào gan tái sinh như thế nào?
Gan có một khả năng đặc biệt mà ít cơ quan nào trong cơ thể người có được, đó chính là khả năng tái sinh. Khi bị tổn thương (hoặc bị mất một phần do hiến tặng) dưới 25%, gan có thể tự phục hồi hoàn toàn. Quá trình tái sinh diễn ra bằng cách các tế bào gan còn lại phân chia và tăng sinh để thay thế các tế bào bị tổn thương. Nhờ khả năng này, gan luôn đảm bảo hoạt động ổn định, góp phần quan trọng vào việc duy trì sức khỏe của cơ thể, những người mắc bệnh liên quan đến gan như ung thư gan, cần thực hiện loại bỏ phần gan đã bị tổn thương để tránh tế bào ung thư lan rộng.
2. Suy giảm chức năng gan: Những dấu hiệu cảnh báo
Suy gan là tình trạng tổn thương nghiêm trọng, khiến gan mất đi khả năng tự phục hồi và thực hiện các chức năng sống còn của cơ thể.Suy gan có thể xảy ra dưới hai hình thức chính: cấp tính và mãn tính. Suy gan cấp tính thường xuất hiện đột ngột và tiến triển nhanh, trong khi suy gan mạn tính là kết quả của quá trình tổn thương gan kéo dài.
Ảnh minh họa
2.1 Những dấu hiệu cảnh báo suy giảm chức năng gan
Suy gan ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết, dẫn tới khó chẩn đoán do các triệu chứng: mệt mỏi, chán ăn - khá chung chung và rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nặng hơn, các triệu chứng sẽ rõ rệt hơn như: vàng da, vàng mắt, phù chân, chướng bụng…
2.2 Nguyên nhân gây suy giảm chức năng gan
Suy gan cấp tính
Suy gan cấp tính là tình trạng gan đột ngột ngừng hoạt động, hầu hết người bệnh chưa từng có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh về gan trước đây. Nguyên nhân có thể do nhiều yếu tố:
- Phản ứng với một số loại thuốc đặc biệt.
- Nhiễm virus viêm gan A, B và E làm tổn thương gan hoặc xơ gan
- Ăn phải loại nấm có độc dẫn đến tổn thương và suy gan chỉ trong vài ngày
- Sốc nhiễm khuẩn quá mức có thể làm hỏng gan.
- Gan nhiễm mỡ - khá hiếm gặp
- Hội chứng Budd Chiari - khá hiếm gặp
- Mắc bệnh di truyền Wilson, ngăn cản chức năng đào thải đồng của cơ thể, gây hại cho gan.
Suy gan mãn tính
Suy gan mãn tính là một tình trạng bệnh lý ở gan, trong đó chức năng của gan bị suy giảm dần dần trong một thời gian dài và khiến gan ngưng hoạt động. Một số nguyên nhân phổ biến dẫn đến suy gan mãn tính gồm:
- Nhiễm các loại virus viêm gan (như B và C) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mạn tính, tiến triển thành xơ gan và suy gan.
- Lạm dụng rượu bia trong thời gian dài.
- Tình trạng tích tụ mỡ trong gan không liên quan đến rượu bia cũng có thể gây suy gan mạn tính.
- Một số bệnh di truyền hiếm gặp có thể ảnh hưởng đến chức năng gan và gây suy gan mạn tính.
- Các bệnh lý khác: Bệnh tự miễn, bệnh chuyển hóa, tắc mật... cũng có thể gây suy gan mạn tính.
Do suy gan thường tiến triển âm thầm, việc phát hiện để điều trị sớm thường khá khó khăn đối với cả bệnh nhân và bác sĩ. Thậm chí, có những trường hợp không thể phát hiện được bệnh cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn cuối.
3. Các giai đoạn của bệnh gan
Bệnh gan là một căn bệnh phức tạp và có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn khác nhau. Dưới đây là một cái nhìn tổng quan về những giai đoạn chính của bệnh gan:
Giai đoạn 1: Viêm Gan
Các tế bào gan bắt đầu bị viêm, gây tổn thương. Triệu chứng: Có thể không có triệu chứng rõ ràng hoặc chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ như mệt mỏi, chán ăn, đau bụng nhẹ.
Giai đoạn 2: Xơ hóa Gan
Mô sẹo bắt đầu hình thành và thay thế các tế bào gan khỏe mạnh. Chức năng gan bắt đầu suy giảm, lưu thông máu trong gan bị cản trở. Lúc này thường chưa có triệu chứng rõ ràng, hoặc chỉ xuất hiện một số triệu chứng nhẹ tương tự như giai đoạn viêm.
Giai đoạn 3: Xơ gan
Mô sẹo chiếm ưu thế, gan bị cứng và sẹo, mất đi nhiều chức năng quan trọng. Xuất hiện nhiều triệu chứng rõ rệt hơn như vàng da, vàng mắt, sưng bụng, mệt mỏi, chán ăn, khó tiêu, suy nhược cơ thể.
Giai đoạn 4: Suy gan
Lúc này gan hoàn toàn mất chức năng, không thể thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của cơ thể. Xuất hiện nhiều triệu chứng nghiêm trọng như phù nề, vàng da, vàng mắt, khó thở, hôn mê, chảy máu khó cầm. Suy gan có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Việc phát hiện và điều trị bệnh gan ở giai đoạn sớm là rất quan trọng để ngăn chặn bệnh tiến triển và giảm thiểu biến chứng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: Phù não, khó đông máu, nhiễm trùng, suy thận… Các xét nghiệm chức năng gan định kỳ có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, khi khả năng điều trị còn cao.
4. Chẩn đoán và điều trị suy giảm chức năng gan
4.1 Phương pháp chẩn đoán
Xét nghiệm máu: sau khi căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân đang gặp phải để đưa ra những nghi vấn ban đầu, các xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đánh giá chức năng gan. Cụ thể, bác sĩ sẽ đo các chỉ số như AST, ALT và thời gian prothrombin. Nếu kết quả cho thấy sự tăng cao của các enzyme gan và thời gian đông máu kéo dài, điều này cho thấy gan đang bị tổn thương.
Chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, chụp CT hoặc MRI) sẽ được sử dụng để trực quan hóa gan, giúp phát hiện các tổn thương và tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Sinh thiết gan có thể được chỉ định để xác định chính xác loại tổn thương và nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân suy gan cấp nặng.
Ảnh minh họa
4.2 Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương gan, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Điều trị bằng thuốc:
- Acetaminophen: Trong trường hợp suy gan cấp tính do quá liều acetaminophen, việc sử dụng Acetylcystein ngay lập tức có thể giúp đảo ngược tình trạng tổn thương gan.
- Thuốc giải độc: Đối với các trường hợp ngộ độc nấm hoặc hóa chất, các loại thuốc giải độc đặc hiệu sẽ được sử dụng.
Chăm sóc hỗ trợ: Khi suy gan do virus gây ra, điều trị tập trung vào việc kiểm soát các triệu chứng và hỗ trợ cơ thể chống lại virus. Trong nhiều trường hợp, gan có khả năng tự phục hồi.
Ghép gan: Đối với những trường hợp tổn thương gan nghiêm trọng và kéo dài, ghép gan là lựa chọn cuối cùng. Bước đầu tiên của quá trình này là bảo tồn chức năng của phần gan còn lành mạnh. Ghép gan đã cho thấy tỷ lệ thành công cao trong việc phục hồi chức năng gan.
Điều trị suy gan càng sớm càng tốt là rất quan trọng. Việc sử dụng thuốc giải độc kịp thời trong trường hợp ngộ độc hoặc điều trị kháng virus hiệu quả trong viêm gan virus có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và giảm thiểu tổn thương gan. Đối với những trường hợp suy gan mãn tính, ghép gan là lựa chọn cuối cùng nhưng có thể mang lại hiệu quả cao nếu được thực hiện đúng cách.