125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            CẢNH BÁO CÁC GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ

            CẢNH BÁO CÁC GIAI ĐOẠN NGUY HIỂM CỦA BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT Ở TRẺ

            THAI THINH MEDIC
            01/06/2022

            Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh nguy hiểm bởi nó diễn tiến nhanh, biến chứng nặng nề với nguy cơ tử vong cao. Do đó ba mẹ cần đặc biệt chú ý các biểu hiện sớm của bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

            1. Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết ở trẻ

            Sốt xuất huyết bắt đầu cao điểm từ tháng 6 và đạt đỉnh vào tháng 8 hàng năm. Đây là lúc thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt tạo điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển.

            Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus mang Dengue có trong muỗi vằn hay còn gọi là muỗi Aedes aegypti. Bệnh có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Sốt xuất huyết có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn nhưng trẻ em là đối tượng dễ mắc và khi mắc dễ bị biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

            Sốt xuất huyết ở trẻ thường khởi phát đột ngột, diễn biến nhanh chóng với các triệu chứng sốt xuất huyết sau:

            • Sốt cao đột ngột kèm theo đỏ phừng mặt, da xung huyết, đau mỏi cơ, đau khớp, đau đầu.
            • Nhiều trẻ còn kèm đau họng, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Trẻ nhỏ còn có thể biểu hiện ho, chảy nước mũi, tiêu chảy. Giai đoạn này rất khó phân biệt sốt xuất huyết với sốt do bệnh lý khác.
            • Sau đó trẻ có những chấm xuất huyết dưới da thường ở vùng cẳng tay, cẳng chân, nách, ngực...(khi căng da những chấm này không biến mất).
            • Trẻ có thể bị xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu.
            • Khi khám nhận thấy trẻ bị tràn dịch ở màng phổi, màng bụng, gan to bất thường, mi mắt phù nề.

            2. Cẩn thận với giai đoạn sau sốt vì đây là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh

            Sốt xuất huyết có 4 giai đoạn với các biểu hiện khác nhau. Nhiều cha mẹ chủ quan nghĩ rằng khi trẻ giảm sốt hoặc cắt sốt là lúc sắp khỏi bệnh, tuy nhiên đây mới là lúc nguy hiểm nhất có thể khiến trẻ tử vong. Cụ thể các giai đoạn bệnh như sau:

            2.1. Giai đoạn ủ bệnh:

            Tùy vào cơ địa của từng trẻ mà giai đoạn này kéo dài trung bình từ 4 -7 ngày. Khi đó sốt xuất huyết Dengue sẽ nhân lên dần dần đến khi đủ số lượng sẽ xuất hiện những triệu chứng cụ thể.

            2.2. Giai đoạn sốt

            Lúc này trẻ sốt cao đột ngột, sốt liên tục do đó bé sẽ khó chịu, quấy khóc, kèm các dấu hiệu như cảm cúm. Giai đoạn này xét nghiệm máu thường không phản ánh rõ ràng. Mặc dù chưa phải là giai đoạn nguy hiểm nhưng bé sẽ khó chịu, bỏ ăn, bỏ chơi.

            2.3. Giai đoạn nguy hiểm

            Thông thường giai đoạn nguy hiểm sẽ rơi vào ngày thứ 3 - 7 kể từ khi mắc bệnh. Đa phần ở giai đoạn này trẻ sẽ giảm sốt hoặc cắt sốt. Tuy nhiên trẻ sẽ bị thoát huyết tương - tức là lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt, kéo dài trong vòng 24H - 48H và nguy cơ dẫn đến tử vong ở trẻ.

            Khi tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt, lờ đờ, da lạnh, ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp.

            Lưu ý: Một số trẻ bị sốt xuất huyết nhưng không quan sát thấy xuất huyết dưới da nhưng bệnh đã ở giai đoạn nguy hiểm, có thể tử vong.

            Giai đoạn 3 này xét nghiệm máu sẽ thấy lượng tiểu cầu giảm mạnh chỉ còn dưới 100.000/mm3.

            2.4. Giai đoạn phục hồi

            Vượt qua giai đoạn nguy hiểm trẻ sẽ đến giai đoạn phục hồi với biểu hiện hết sốt, thèm ăn, tiểu nhiều hơn và huyết áp ổn định hơn.

            Xét nghiệm máu lúc này sẽ thấy số lượng bạch cầu tăng lên, tiểu cầu cũng tăng nhưng chậm hơn so với bạch cầu.

            sot-xuat-huyet

            3. Có thể điều trị sốt xuất huyết cho trẻ tại nhà hay không?

            Sốt xuất huyết ở trẻ em thường nặng hơn ở người lớn vì đối với người lớn biến chứng thường gặp là giảm tiểu cầu còn ở trẻ thường là tình trạng sốc, từ đó có nguy cơ suy nội tạng dẫn đến tử vong.

            Vì những diễn biến nhanh, bất ngờ nên khi trẻ có biểu hiện của sốt xuất huyết ba mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để làm những xét nghiệm cần thiết và theo dõi tình trạng của trẻ.

            Ba mẹ tuân thủ những hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc, không dùng aspirin, ibuprofen để hạ sốt cho trẻ, không tự cho trẻ truyền dịch mà không có chỉ định của bác sĩ.

            Ba mẹ nên lưu ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị sốt xuất huyết:

            • Cho trẻ ăn nhiều bữa, đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa giàu chất dinh dưỡng;
            • Bổ sung nhiều nước cho trẻ, bù điện giải cho con tránh mất nước.

            4. Phòng bệnh sốt xuất huyết

            Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vì vậy ba mẹ cần cho con ngủ màn, không để trẻ chơi chỗ tối, ẩm ướt có nhiều muỗi, có thể bôi kem chống muỗi cho bé.

            Bên cạnh đó cần diệt muỗi và loăng quăng, không để nước đọng tại các xô, chậu...loại bỏ hố nước đọng. Cần vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, phát quang bụi rậm, nhà cửa ngăn nắp, sạch sẽ…

            Với định hướng “Tất cả vì sức khỏe bé yêu”, khoa Nhi - Phòng khám 125 Thái Thịnh với bề dày kinh nghiệm đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các ba mẹ.

            • Đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tình thăm khám và điều trị.
            • Chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết.
            • Trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng.
            • Đón tiếp, chăm sóc người bệnh chu đáo, chuyên nghiệp.
            • Đặt lịch nhanh chóng, không phải chờ đợi.
            • Làm việc tất cả các ngày trong tuần từ Thứ 2 - Chủ nhật.
            • Hotline: 0972 88 11 25.
            Share