125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Táo bón ở trẻ: Nguyên nhân và cách chữa

            Táo bón ở trẻ: Nguyên nhân và cách chữa

            THAI THINH MEDIC
            16/04/2022

            Táo bón là một rối loạn tạm thời hoặc là một triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Táo bón rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu bị táo bón dài ngày có thể khiến trẻ sợ đi vệ sinh và gây chậm phát triển về thể chất. Nhiều ba mẹ thực sự bối rối khi con mình bị táo bón kéo dài. Dưới đây là một số nguyên nhân và cách chữa táo bón cho trẻ ba mẹ cần biết để áp dụng.

            Hiểu đúng về táo bón ở trẻ

            Táo bón là vấn đề thường gặp về tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Táo bón xảy ra khi việc đi tiêu của trẻ ít thường xuyên hơn và phân khô cứng, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu...

            - Đối với trẻ sơ sinh đi tiêu dưới 2 lần/ngày

            - Trẻ 12-24 tháng tuổi đi tiêu dưới 3 lần/tuần

            - Trẻ >2 tuổi đi tiêu dưới 2 lần/tuần

            Theo ghi nhận khoảng 35% trẻ nhỏ khi đi khám tiêu hóa được chẩn đoán bị táo bón; 95% là tình trạng táo bón chức năng không liên quan tới tổn thương bệnh lý nào cụ thể. Do đó, táo bón ở trẻ cần điều trị bằng biện pháp tự nhiên, thay đổi lối sống nhưng cần điều trị lâu dài.

            tao-bon-o-tre-nguyen-nhan-va-cach-chua-1

            Ảnh minh họa - Nguồn internet

            Thủ phạm gây táo bón ở trẻ

            Có 2 nguyên nhân chính khiến trẻ bị táo bón, bao gồm:

            Do bệnh lý:

            • Bệnh của đại trực tràng: Bệnh phình to đại tràng, giả tắc ruột mạn tính, hẹp đại tràng (Crohn, u bụng …), hẹp trực tràng hậu môn bẩm sinh, sẹo dính các dị tật hậu môn trực tràng…
            • Bệnh của hệ thần kinh: tổn thương vùng cùng cụt, thoát vị màng não tủy, bệnh não bẩm sinh, bại não.
            • Bệnh toàn thân: suy giáp trạng, giảm K, tăng Ca trong máu. 

            Tuy nhiên tỷ lệ do bệnh lý thực thể rất ít, chỉ chiếm khoảng 5%.

            -  Táo bón chức năng: do cách chăm sóc và nuôi dưỡng:

            • Trẻ dùng các thuốc có chứa Codein, Opizoic, Atropin
            • Chế độ nuôi dưỡng: Thiếu chất xơ và nước, pha sữa quá đặc, sữa không phù hợp với trẻ.
            • Thói quen đi vệ sinh: Khi trẻ nhịn đi tiêu nhiều lần (do mải chơi, do đang trong lớp học…), phân sẽ ứ đọng lâu hơn cộng với quá trình tái hấp thu nước ở trực tràng sẽ hình thành khối phân khô cứng, kích thước lớn. Trẻ sẽ bị táo bón.
            • Trẻ lười vận động: Khi trẻ ít vận động, đường tiêu hóa hoạt động kém hơn, di chuyển của phân vì thế mà kém đi, gây ra ứ đọng phân và dẫn đến táo bón.
            • Thay đổi thói quen như mới đi học xa nhà, đi du lịch, thời tiết nắng nóng hoặc căng thẳng đều có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của ruột.

            Trẻ bị táo bón gây hậu quả gì?

            Trẻ bị táo bón có thể thuộc dạng cấp tính (táo bón ngắn ngày) hoặc táo bón mạn tính (kéo dài từ vài tuần đến vài tháng). 

            Táo bón cấp tính ít gây ra biến chứng, tuy nhiên, nếu trẻ bị táo bón mạn tính sẽ gây ra nhiều hệ lụy như: Trẻ biếng ăn, chậm lớn. Táo bón cũng có thể gây các tổn thương tại chỗ của đường tiêu hóa như: Nứt kẽ hậu môn, viêm quanh hậu môn, nặng hơn có thể bị són phân, đại tiện không tự chủ, dần dần trẻ sẽ mất tự tin, ảnh hưởng tâm lý sau này.

            Chữa táo bón cho trẻ bằng cách nào?

            Chế độ ăn cho trẻ bị táo bón

            • Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn có biểu hiện táo bón, cần đánh giá xem trẻ có được bú đủ chưa. Nếu trẻ bú đủ, cần điều chỉnh chế độ ăn của người mẹ, hạn chế tối đa đồ cay nóng, chất kích thích, tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh và củ quả tươi.
            • Nếu trẻ được nuôi bằng sữa công thức, phải pha sữa đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cha mẹ cần xem xét và có thể thay đổi loại sữa phù hợp hơn cho bé.
            • Cho trẻ uống đủ nước.
            • Bổ sung đủ chất xơ trong khẩu phần ăn cho trẻ. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả chín: Rau khoai lang, mồng tơi, củ khoai lang, đu đủ, chuối tiêu, cam, bưởi. Không ăn ổi, hồng xiêm, đồ uống có ga, cà phê và hạn chế ăn bánh kẹo ngọt.
            tao-bon-o-tre-nguyen-nhan-va-cach-chua-2

            Ảnh minh họa - Nguồn internet

            Cách chăm sóc trẻ táo bón

            • Tập đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào trẻ không vội vã, thường chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột tăng. Đối với các bé sợ đi tiêu, bạn cần kiên nhẫn khuyến khích, trấn an trẻ. Đồng thời tạo điều kiện để bé cảm thấy thoải mái hơn như giữ nhà vệ sinh thông thoáng sạch sẽ, chọn bô và bồn cầu có kích thước phù hợp với trẻ, cho trẻ ngồi ngâm vào nước ấm trước khoảng 5 – 10 phút.
            •  Khuyến khích trẻ tích cực vận động, vui đùa mỗi ngày.
            • Massage bụng cho bé, cho trẻ tập bài tập đạp xe đạp giúp bé dễ đi tiêu hơn.
            tao-bon-o-tre-nguyen-nhan-va-cach-chua-3

            Ảnh minh họa - Nguồn internet

            Khi nào nên cho trẻ đi khám?

            Khi trẻ không đi tiêu trong 4-5 ngày ba mẹ nên đưa trẻ đi khám. Hoặc trong trường hợp táo bón đi kèm các triệu chứng sau đây bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay, tránh để biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

            • Sưng ở bụng
            • Giảm cân
            • Trẻ bị táo bón ra máu
            • Sốt
            • Nôn mửa
            • Nứt hoặc chảy máu quanh vùng hậu môn.

            Hy vọng những thông tin trên hữu ích đối với các phụ huynh để chăm sóc, nuôi dưỡng con mạnh khỏe!

            Share