125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Tin tức
        Hỏi đáp chuyên gia
          BỆNH HẬU SẢN & TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHĂM SÓC SẢN PHỤ SAU SINH

          BỆNH HẬU SẢN & TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHĂM SÓC SẢN PHỤ SAU SINH

          THAI THINH MEDIC
          27/08/2024

          Hậu sản là giai đoạn khoảng 6 tuần sau sinh. Đây là khoảng thời gian mà các cơ quan sinh dục của sản phụ dần trở lại bình thường như trước khi sinh (trừ tuyến vú vẫn tiếp tục phát triển, tiết sữa để nuôi con). Nếu không được chăm sóc, giữ gìn đúng cách, phụ nữ có thể mắc một số bệnh lý hậu sản như: băng huyết, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tiết niệu, tiền sản giật sau sinh… Vì vậy, thời gian hậu sản rất quan trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc của cả mẹ và bé. Hãy cùng Thai Thinh Medic tìm hiểu cách chăm sóc sản phụ sau sinh nhé! 

          1. Những vấn đề cần theo dõi trong giai đoạn hậu sản

          1.1 Theo dõi dấu hiệu sinh tồn

          Gia đình cần theo dõi dấu hiệu sinh tồn (gồm mạch, huyết áp và nhiệt độ cơ thể) của sản phụ trong những ngày đầu. Việc làm này để phát hiện sớm các biến chứng nguy hiểm cho sản phụ như: sốt do nhiễm trùng, hạ huyết áp, trụy mạch…

          Sản phụ có thể tự theo dõi bằng cách thiết bị y tế điện tử của gia đình. Nếu không thể tự theo dõi, sản phụ có thể nhờ nhân viên y tế riêng hoặc sử dụng những dịch vụ chăm sóc sản phụ tại nhà để kịp thời phát hiện những vấn đề về sức khỏe sau sinh và xử lý ngay khi phát hiện. 

          1.2 Theo dõi co hồi tử cung và sản dịch

          Thông thường, tử cung sẽ co hồi thành một khối cầu an toàn ngay sau khi lấy thai ra. Ngày đầu sau sinh, đáy tử cung thường cao 13cm trên khớp vệ. Trung bình, chỉ số này sẽ giảm 1cm mỗi ngày. Đến ngày thứ 12 - 13, tử cung nằm trong vùng chung, không sờ thấy đáy tử cung trên bụng nữa.

          Quá trình thu hồi tử cung này sẽ diễn ra nhanh hơn ở lần mang thai, sinh con đầu so với những lần sau. Nếu bị nhiễm trùng tử cung, sự thu hồi tử cung sẽ chậm hơn. 

          Sản dịch thường kéo dài khoảng 7 ngày, thường có màu như kinh nguyệt, mùi tanh nồng rồi chuyển sang hồng nhạt. 

          – Trong 2 – 3 ngày đầu, sản dịch thường có màu như kinh nguyệt, mùi tanh nồng (từ đỏ tươi, sau đó chuyển sang màu đỏ đậm như bã trầu).

          – Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 8, sản dịch loãng hơn, lẫn chất nhầy nhờ nhờ như máu cá.

          – Từ ngày thứ 8 đến ngày thứ 12, sản dịch ít dần, chỉ còn là chất nhầy trong, ít thấy máu.

          – Nếu bị sản phụ bị nhiễm khuẩn hậu sản, sản dịch sẽ có mùi hôi, có thể có lẫn mủ.

          Sau khi hết sản dịch, sản phụ có thể bắt đầu có kinh trở lại (thường là ở tuần thứ 4 sau sinh). Lúc này, sản phụ cần lưu ý biện pháp tránh thai vì cơ thể mẹ đã có thể mang thai trở lại. 

          Nếu sản phụ xuất hiện những cơn co thắt tử cung gây đau và ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, sản phụ có thể nói với bác sĩ và chườm đá hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

          1.3 Chăm sóc và vệ sinh tầng sinh môn 

          Dưới đây là một vấn đề quan trọng cần lưu ý trong việc chăm sóc và vệ sinh tầng sinh môn:

          - Đa phần các sản phụ khi sinh đều bị rách hoặc cắt tầng sinh môn để hỗ trợ quá trình sinh nở và được may lại sau đó. Sản phụ cần theo dõi vết may tầng sinh môn và lưu ý nếu có những dấu hiệu bất thường như: đỏ đau nhiều, bầm tím, tụ máu âm hộ, chân chỉ có mủ… Nếu phát hiện phù nề, máu tụ vùng tầng sinh môn, sản phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể cắt chỉ hoặc dùng thuốc. 

          - Làm thuốc vết may tầng sinh môn 2 lần/ngày bằng thuốc sát trùng. Thông thường, vết khâu tầng sinh môn có thể lành sau một tuần.

          - Vệ sinh vùng kín bằng nước đun sôi để nguội 3 lần/ngày, nhất là sau đại, tiểu tiện. Rửa nhẹ nhàng từ trước ra sau (để tránh nhiễm trùng từ hậu môn sang âm đạo), không thụt sâu vào trong rồi lau khô. Tránh để tình trạng ẩm ướt vùng kín kéo dài, vết thương sẽ chậm lành và có thể dẫn đến nhiễm trùng.

          - Thay băng vệ sinh mỗi 4 giờ/ 1 lần hoặc khi băng ướt.

          - Nên mặc quần áo, đồ lót rộng rãi, thoáng mát. Quần lót phải được thay, giặt sạch và phơi dưới nắng mỗi ngày.

          1.4 Theo dõi đại - tiểu tiện

          - Sản phụ sau sinh thường tăng trương lực ở bàng quang. Điều này là do hooc môn oxytocin bài niệu khiến bàng quang nhanh đầy, đồng thời, bàng quang cũng có thể bị ảnh hưởng bởi thuốc mê - tê khi sinh. Trường hợp bí tiểu cũng thường gặp ở những sản phụ chuyển dạ lâu hoặc sinh có can thiệp. 

          - Nếu bị bí tiểu lâu và không đau nhiều, sản phụ có thể tập đi lại thường xuyên, xoa nắn vùng bàng quang qua da để kích thích đi tiểu. Sản phụ nên hạn chế thông tiểu khi không cần thiết để tránh nhiễm trùng tiết niệu.

          - Nếu bị táo bón, sản phụ cần ăn những thực phẩm chứa nhiều chất xơ, uống đủ nước, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và vận động nhẹ nhàng sớm. Nếu quá 3 ngày chưa thể đi đại tiện, sản phụ cần thụt tháo phân.

          - Sản phụ dễ bị trĩ trong khoảng thời gian sau sinh do táo bón, phải rặn lâu hoặc ứ trệ tuần hoàn trong những tháng cuối thai kỳ. Nếu bị trĩ, sản phụ có thể cần điều trị táo bón, chống viêm, vệ sinh tại chỗ nhằm giảm sự phát triển của búi trĩ.

          1.5 Chăm sóc vú và nuôi con bằng sữa mẹ

          - Sau khi sinh, cơ thể mẹ bắt đầu tiết sữa non với số lượng tăng dần. Ở người sinh con đầu lòng, hiện tượng lên sữa sẽ bắt đầu xuất hiện sau sinh 3 - 5 ngày, ở những lần sinh con tiếp theo, khoảng thời gian này là khoảng từ 2 - 3 ngày sau sinh.

          Sản phụ có thể cảm thấy vú căng tức, đau và sốt nhẹ. Tình trạng này kéo dài khoảng 1 - 2 ngày. Sau đó, sản phụ sẽ thấy sữa chảy ra. Nếu thường xuyên căng sữa, sản phụ nên cho bé bú đầy đủ, đúng cách và vắt sữa dư sau khi bé bú xong. 

          Bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời

          - Sản phụ cần cho con bú sớm (nếu không có chống chỉ định của bác sĩ) vì sữa mẹ rất tốt cho trẻ nhỏ, tăng sức đề kháng, kinh tế, dễ bảo quản, giúp tử cung co hồi tốt hơn trong thời kỳ hậu sản (nhờ oxytocin). Mẹ nên tập cho bé bú theo cữ, và bắt đầu từ ngay sau sinh.  

          - Trước và sau mỗi lần cho bú nên làm vệ sinh vú sạch sẽ bằng nước ấm.

          - Bé nên được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 1 - 2 tuổi.

          Sản phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc gì vì một số loại thuốc có thể đi qua đường sữa mẹ để vào con.

          Một vấn đề quan trọng không kém đó là cho bé ngậm vú đúng cách. Cách ngậm đúng như sau:

          + Miệng bé há, cằm chạm vào bầu vú mẹ.

          + Môi dưới đưa ra ngoài.

          + Núm vú mẹ không che mũi bé làm bé ngạt.

          + Bé bú nghe tiếng nuốt.

          + Sau khi bú bé vui vẻ, thỏa mãn.

          + Mẹ không cảm thấy đau vú.

          + Đặc biệt không được cho bé nằm khi bú mẹ dễ bị sặc sữa.

          - Nếu sản phụ bị tắc tia sữa, cần xử lý sớm để tránh các biến chứng như áp xe, viêm, mất sữa…

          1.6 Việc tắm gội

          - Sau sinh, cơ thể mẹ tiết nhiều mồ hôi nên cần được tắm hoặc lau sạch, đặc biệt là vào mùa hè. Ngoài ra việc hoàn toàn không tắm trong thời gian dài có thể gây nên nhiễm khuẩn, nguy hiểm cho cả mẹ và bé.

          - Tùy vào sức khỏe sản phụ mà có thể tắm sau 1 - 3 ngày sau sinh. Sản phụ cần chuẩn bị những điều kiện sau để đảm bảo tắm an toàn:

          + Tắm nhanh, dùng nước ấm để lau rửa, không tắm bồn. Lau khô người ngay sau khi tắm.

          + Phòng tắm phải kín gió

          + Sản phụ không cần kiêng gội đầu nhưng cần gội nhanh, gội bằng nước ấm và sấy khô ngay sau khi gội đầu.

          + Đánh răng mỗi ngày như bình thường

          1.7 Dinh dưỡng

          - Sản phụ cần ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất trong thực đơn mỗi ngày.

          - Bổ sung thêm rau củ, trái cây, chất xơ để tránh táo bón.

          - Bổ sung thêm calci để hỗ trợ cho sự phát triển xương và răng của trẻ thông qua các thực phẩm giàu calci như: sữa, bơ, cá mòi…

          - Những món ăn lợi sữa như: móng giò, gà tiềm, chân dê… cũng có thể sử dụng nhưng không nên ăn liên tục, tránh tình trạng tăng cân quá mức.

          - Uống đủ nước (khoảng 1,5 - 2 lít/ ngày)

          - Hạn chế đồ uống chứa cồn hoặc chất kích thích như: trà, cà phê, nước tăng lực…

          - Có thể bổ sung thêm các loại Vitamin, Calci và Sắt thông qua các loại thuốc uống. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn dinh dưỡng một cách chính xác, hợp lý, khoa học.

          1.8 Vận động

          - Nên vận động sớm, nhẹ nhàng để tránh ứ sản dịch, dẫn đến tử cung khó co hồi, nhiễm trùng huyết hoặc phải cắt bỏ tử cung.

          - Việc vận động sớm cũng giúp sản phụ hạn chế tình trạng táo bón cũng như các vấn đề khác về bàng quang, thuyên tắc tĩnh mạch phổi.

          - Sau sinh thường, sản phụ chỉ cần nằm nghỉ vài giờ là đã có thể đi lại bình thường. Sản phụ nên ngồi dậy từ từ, đưa chân xuống đất trước, thấy cơ thể ổn định thì mới nên đứng lên. Sản phụ không nên vội vàng đứng dậy ngay lập tức, tránh tình trạng chóng mặt, ngất xỉu.

          2. Một số lưu ý khi chăm sóc sản phụ sau sinh mổ

          2.1 Dấu hiệu nguy hiểm

          - Ra máu âm đạo đỏ tươi hoặc ra máu âm đạo nhiều, thấm ướt 2 - 3 miếng BVS dày chỉ trong vòng 1 giờ: cần báo ngay cho nhân viên y tế

          - Vệ sinh vết mổ:

              + Giữ vết mổ khô, sạch

             + Vệ sinh cơ thể sạch mỗi ngày sau khi tháo băng vết mổ. Tránh không để xà phòng dính vào vết mổ.

              + Không tự ý bôi thuốc, dung dịch khác lên vết mổ khi chưa có chỉ định của bác sĩ 

          Giữ vết mổ khô và sạch

          Lưu ý: Nếu vết mổ rỉ dịch, sưng đau, có mủ, có mùi hôi, … thì sản phụ cần tới khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

          2.2 Dinh dưỡng

          - Sản phụ có thể ăn cháo, uống nước ấm sau mổ 6h (trừ khi có chỉ định khác từ bác sĩ).

          - Nguyên tắc: ăn từ lỏng đến đặc, ăn uống đầy đủ chất, không kiêng khem.

          - Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, nhất là khoai lang, đu đủ, chuối và nước uống để ngăn ngừa táo bón.

          - Hạn chế thực phẩm nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, chứa chất kích thích

          - Hạn chế các thực phẩm chứa gạo nếp, thịt bò, da gà, rau muống, lòng trắng trứng để hỗ trợ quá trình liền sẹo.

          - Sản phụ cần kiên trì với chế độ ăn uống khoa học, không nên quá lo lắng nếu sữa về chậm vì đây là phản ứng bình thường sau sinh mổ, do ảnh hưởng của thuốc kháng sinh

          - Sản phụ chỉ được uống thuốc hoặc thực phẩm chức năng được bác sĩ chỉ định.

          Lưu ý: đối với các sản phụ có bệnh lý cần tuân thủ chế độ ăn của bệnh viện. 

          2.3 Vận động

          - Nên vận động sớm (sau mổ 6 giờ hoặc tùy theo chỉ định của bác sĩ)  để ngăn ngừa các biến chứng như: dính ruột, liệt ruột, ứ sản dịch,… Sản phụ có thể xoay trở tại giường hoặc đi lại nhẹ nhàng (dưới sự hỗ trợ từ người thân).

          - Từ ngày thứ 2 sau mổ trở đi, sản phụ nên tích cực đi lại, vận động nhẹ nhàng

          - Những sản phụ có đặt ống dẫn lưu, ống thông tiểu… cũng không nên nằm một chỗ quá lâu, có thể tập đi lại nhẹ nhàng.

          3. Một số vấn đề thường gặp trong thời kỳ hậu sản

          Đau vùng cơ quan sinh dục

          + Vết may tầng sinh môn có thể khiến sản phụ đau trong vài ngày đầu. Mức độ tùy thuộc vào độ dài vết may và thể trạng của mỗi người.

          + Sản phụ có thể sử dụng thuốc giảm đau do bác sĩ chỉ định.

          + Chăm sóc vết may cẩn thận, giữ khô ráo, tránh nhiễm trùng

          Căng sữa

          + Đa phần các sản phụ đều cảm thấy căng tức, hơi đau vùng ngực sau sinh. Đây là dấu hiệu của việc lên sữa, sản phụ không cần quá lo lắng. 

          + Cho bé bú đúng phương pháp cũng giúp hạn chế tình trạng căng, tức ngực: để bé bú cạn sữa một bên vú rồi mới đổi sang bên còn lại.

          + Nếu bé bú không hết sữa, sản phụ có thể vắt sữa bằng tay hoặc dùng máy hút sữa. Việc cho bé bú cạn sữa hoặc hút sữa bằng máy giúp sản phụ bớt căng tức, đồng thời thúc đẩy sữa mẹ về nhiều hơn.

          Hút sữa giúp sản phụ bớt căng tức, đồng thời thúc đẩy sữa mẹ về nhiều hơn

          Các vấn đề khác

          + Stress, lo âu, mệt mỏi do mất ngủ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Một số sản phụ có thể dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn là trầm cảm sau sinh. Gia đình nên dành thời gian nói chuyện, quan tâm chăm sóc sản phụ.

          + Tiểu ít và táo bón sau sinh: nên bổ sung thêm chất xơ trong khẩu phần ăn, xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và đứng dậy đi lại nhẹ nhàng.

          + Quan hệ tình dục: Sản phụ có giảm ham muốn tình dục do lượng hooc môn Estrogen giảm. Tình trạng này có thể kéo dài hơn 1 năm. Quan hệ vợ chồng nên đợi sau khi vùng tầng sinh môn lành hẳn, thường từ 4 – 6 tuần sau sinh.

          + Tránh thai: sản phụ nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp tránh thai phù hợp

          Thời gian hậu sản ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc của cả mẹ và bé

          Những sản phụ có bệnh lý mạn tính kèm theo như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, bệnh lý tuyến giáp… sẽ có cách theo dõi, chăm sóc, chế độ dinh dưỡng và thời gian tái khám hậu sản riêng.

          4. Những quan niệm không đúng về hậu sản

          - Không vận động: Điều này sẽ làm sản phụ dễ bị bế sản dịch, dính ruột, thuyên tắc huyết khối (đặc biệt trong trường hợp sinh mổ), táo bón… Sản phụ nên vận động sớm một cách nhẹ nhàng để nhanh chóng hồi phục.

          - Không tắm rửa: Phụ nữ thường ra nhiều mồ hôi trong quá trình sinh nở. Hơn nữa, cơ quan sinh dục của phụ nữ cũng là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Vì vậy, phụ nữ cần được tắm rửa bằng nước ấm, trong môi trường kín gió để giữ gìn vệ sinh, giảm nguy cơ nhiễm trùng.

          - Nằm than: Việc xông than trong phòng kín có thể khiến mẹ bầu bị ngộ độc khí CO, Co2, gây ra hỏa hoạn, bị bỏng, kém vệ sinh…

          - Ngoài ra một số quan niệm sai lầm khác cũng gây hậu quả không tốt như: kiêng xem tivi, kiêng đánh răng, kiêng gội đầu, kiêng ăn những món ăn nhiều nước…

          Vì vậy, để có thể chăm sóc sức khỏe của mình một cách hợp lý và khoa học, sản phụ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về dinh dưỡng cũng như các thói quen khác chứ không nên kiêng cữ quá nhiều. 

          5. Chăm sóc trẻ mới sinh

          5.1 Chăm sóc bé

          - Có thể đặt bé nằm cạnh mẹ, chú ý giữ ấm cho bé.

          - Nên cho bé bú mẹ hoàn toàn và bú theo nhu cầu.

          - Để rốn khô tự nhiên, không đặt bất cứ thứ gì lên rốn, không làm ướt rốn bé

          - Rốn rụng từ khoảng 7 đến 10 ngày sau sinh.

          - Thay đồ cho bé hàng ngày và sau khi bé bài tiết

          - Tắm cho bé hàng ngày bằng nước ấm trong phòng kín gió

          Tắm cho bé ở nơi kín gió

          5.2 Dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đến khám ngay

          - Hạ thân nhiệt dưới 36 độ (dù đã được ủ ấm) hoặc sốt cao trên 37,5 độ C. Ba mẹ nên đo nhiệt độ ở nách bé. Nếu bé đang được  ủ ấm thì mở thoáng 30 phút rồi đo lại.

          - Bú kém, bỏ bú, chướng bụng, nôn nhiều

          - Viêm tấy vùng quanh rốn hoặc rốn xuất hiện mủ, có mùi hôi

          - Bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác

          6. Những câu hỏi thường gặp

          Tư thế nằm đúng sau khi sinh thường và sinh mổ:

          - Sinh thường: nằm ngửa hoặc nằm nghiêng là hai tư thế thoải mái nhất. Nằm ngửa giúp hạn chế gây áp lực lên vết rạch.

          - Sinh mổ: tư thế tốt nhất là nằm nghiêng. Nằm nghiêng giúp máu lưu thông tốt và hạn chế làm căng vết mổ.  Sản phụ đi lại hơn và cải thiện hệ tiêu hóa.

          Sau sinh bao lâu thì quan hệ tình dục trở lại?

          Các chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không nên quan hệ tình dục trong thời gian vết mổ chưa lành (khoảng 6 tuần sau sinh). Để đảm bảo sức khỏe cho sản phụ, vợ chồng nên để ít nhất 3 tháng sau sinh mới bắt đầu quan hệ lại. Lúc này vết rạch tầng sinh môn đã lành hẳn, tử cung đã co lại nên sẽ hạn chế viêm nhiễm xảy ra.

          Các biện pháp tránh thai sau sinh

          Sản phụ nên áp dụng những biện pháp tránh thai để hạn chế tình trạng mang thai lần tiếp theo quá sớm. Các lần mang thai nên cách nhau ít nhất 2 năm để đảm bảo sức khỏe cho sản phụ, cũng như có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất, sắt, canxi cho bào thai. 

          Sản phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương án tránh thai phù hợp nhất. Một số biện pháp có thể dùng là:

          - Bao cao su.

          - Dùng thuốc tránh thai.

          - Cấy que tránh thai.

          - Đặt vòng tránh thai.

          - Cho con bú vô kinh.

          - Tính ngày an toàn.

          Những dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế ngay

          - Sốt trên 38,5 độ C.

          - Ra máu âm đạo nhiều, màu đỏ, ướt đẫm băng vệ sinh trong vòng dưới 01 giờ hoặc ra máu kéo dài, mùi hôi. 

          - Đau bụng nhiều và tăng lên.

          - Vết may tầng sinh môn sưng, đỏ, đau, xuất hiện mủ, có mùi hôi

          - Chóng mặt, buồn nôn nhiều

          Share