125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Ợ nóng khi mang thai là gì?

            Ợ nóng khi mang thai là gì?

            THAI THINH MEDIC
            23/10/2024

            Ợ nóng là tình trạng kích ứng thực quản do axit dạ dày gây ra và thường gặp ở phụ nữ mang thai, đặc biệt trong tam cá nguyệt thứ ba, khi tử cung phát triển gây áp lực lên dạ dày. Tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra vào bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.

            Nhờ tác động của trọng lực, cơ vòng thực quản dưới (lower esophageal sphincter - LES) có tác dụng như một vách ngăn giữa thực quản và dạ dày, giữ cho axit dạ dày không trào ngược lên. Thông thường, cơ vòng này chỉ mở ra để thức ăn đi từ thực quản vào dạ dày hoặc để thoát hơi, sau đó nó sẽ đóng lại.

            Trong thời kỳ mang thai, hormone progesterone tăng cao, giúp làm giãn cơ trơn tử cung để bảo vệ thai nhi nhưng đồng thời cũng tác động lên cơ trơn hệ tiêu hóa và gây một số tác dụng phụ sau:

            • Giãn cơ vòng thực quản dưới: acid dạ dày có thể trào ngược lên thực quản gây cảm giác nóng rát.
            • Giảm nhu động dạ dày và ruột non: quá trình tiêu hóa chậm lại, thức ăn di chuyển chậm hơn bình thường

            Ợ nóng thỉnh thoảng không gây nguy hiểm, nhưng nếu diễn ra mãn tính, nó có thể là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng như viêm dạ dày hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD). Ở Mỹ, 10% dân số và 50% phụ nữ mang thai gặp phải tình trạng ợ nóng hàng ngày. Ngoài ra, có khoảng 30% người thỉnh thoảng bị ợ nóng.

            Ợ nóng thường là một triệu chứng tạm thời trong thai kỳ và có thể biến mất sau khi sinh em bé, đặc biệt nếu mẹ chưa từng bị ợ nóng trước đó.

            Các dấu hiệu nhận biết chứng ợ nóng khi mang thai

            Những triệu chứng ợ nóng thường gặp ở phụ nữ mang thai bao gồm:

            • Cảm giác nóng rát ở ngực, ngay sau xương ức, xuất hiện sau khi ăn và kéo dài từ vài phút đến vài giờ
            • Đau ngực, đặc biệt là khi cúi xuống, nằm hoặc ăn
            • Cảm giác nóng rát ở cổ họng hoặc có chất lỏng nóng, chua, hay mặn ở phía sau cổ họng
            • Ợ hơi
            • Ho dai dẳng
            • Khàn giọng
            • Thở khò khè hoặc các triệu chứng giống như hen suyễn

            Phòng ngừa và điều trị chứng ợ nóng khi mang thai

            Để giảm chứng ợ nóng trong thai kỳ mà không cần dùng thuốc, bạn có thể thử các biện pháp sau:

            • Thay vì ăn 3 bữa chính, hãy chia nhỏ ra làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.
            • Không ăn quá no và không ăn quá nhanh, sản phụ cần nhai kỹ để giảm áp lực cho dạ dày
            • Tránh các món ăn nhiều dầu mỡ, chiên rán, cay hoặc quá đậm đà.
            • Hạn chế tối đa việc sử dụng sô cô la, cà phê và các sản phẩm có chứa caffeine, bạc hà.
            • Bổ sung các thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa như: sữa chua, gừng…
            • Uống ít nước hơn trong bữa ăn. Uống nhiều nước khi ăn có thể khiến bạn bị ợ nóng và chua miệng.
            • Không nằm ngay sau khi ăn.
            • Kê cao đầu giường khi đi ngủ.
            • Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái. Quần áo quá chật sẽ ép chặt bụng khiến mẹ bầu khó chịu
            • Cố gắng ngủ nghiêng về bên trái. Dạ dày nằm ở bên trái nên ở tư thế này, axit khó trào ngược lên thực quản.

            Nếu tình trạng ợ nóng kéo dài hoặc trầm trọng hơn,  bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc kháng axit không cần kê đơn hoặc kê toa các loại thuốc an toàn trong thai kỳ. Chứng ợ nóng liên quan đến thai kỳ thường biến mất sau khi sinh.

            Khi nào nên liên hệ bác sĩ

            Hãy đi khám ngay nếu bạn:

            • Muốn dùng thuốc kháng axit. Một số loại thuốc không được khuyến cáo trong thời kỳ mang thai.
            • Bị khàn giọng nghiêm trọng, thở khò khè, nôn mửa hoặc khó nuốt.
            • Khó ngủ do chứng ợ nóng.

            Ngoài ra, nếu bị ợ chua và kèm thêm một số triệu chứng sau, bạn cũng cần đi khám ngay để được bác sĩ theo dõi và đưa ra hướng xử lý kịp thời:

            • Đau rát do ợ chua thường xuất hiện ở ngực, ngay sau xương ức và lan lên cổ họng. Tuy nhiên, nếu sản phụ đau ở vùng thượng vị, hạ sườn thì rất có thể là dấu hiệu của tiền sản giật - một biến chứng thai kỳ nguy hiểm.
            • Nếu thường xuyên đau vùng hạ sườn phải, mệt nhiều, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan trong thai kỳ.
            • Sản phụ có thể bị các vấn đề khác về tiêu hóa như viêm loét dạ dày

            Nguồn: https://www.webmd.com/baby/what-is-heartburn 

            Share