Để bé yêu phát triển khỏe mạnh, mẹ bầu cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học trong suốt thai kỳ. Trong đó, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý những thực phẩm không nên ăn khi mang thai. Hãy cùng tìm hiểu 8 loại thực phẩm mẹ bầu nên tránh trong bài viết sau đây!
1. Đồ sống
Một trong những nhóm thực phẩm mẹ bầu cần tránh khi mang thai là đồ sống, bao gồm thịt, hải sản và trứng sống. Những thực phẩm này có thể chứa vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, Coliform hay các ký sinh trùng như Toxoplasma. Hệ miễn dịch của phụ nữ mang thai thường bị suy yếu nên nếu ăn phải thực phẩm chứa tác nhân gây bệnh rất dễ bị lây nhiễm.
Bệnh toxoplasmosis do ký sinh trùng Toxoplasma gây ra có thể gây tổn thương não hoặc mù lòa cho thai nhi. Trong trường hợp nhiễm vi khuẩn Salmonella, mẹ bầu có thể gặp phải các triệu chứng như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, thậm chí dẫn đến sinh non hoặc sảy thai nếu bệnh trở nặng.
Một trong những nhóm thực phẩm mẹ bầu cần tránh khi mang thai là đồ sống, bao gồm thịt, hải sản và trứng sống.
2. Bia rượu, cà phê
Rượu bia là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi. Không có mức độ an toàn khi sử dụng rượu trong thai kỳ. Mẹ bầu uống rượu trong thai kỳ có thể dẫn đến hội chứng rượu bào thai (FAS), gây ra các vấn đề về trí tuệ và sự phát triển của bé.
Đối với cà phê và trà chứa caffeine, nếu mẹ bầu tiêu thụ lượng lớn có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của bé trong bụng mẹ. Quá nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng như sảy thai, trẻ nhẹ cân,...
Rượu bia và cà phê là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.
3. Măng tươi
Măng tươi là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của không ít người Việt, tuy nhiên măng tươi lại là một trong những thực phẩm không nên ăn khi mang thai. Măng chứa nhiều chất xơ, nhưng cũng chứa các hợp chất độc hại như glucozit. Khi được cơ thể hấp thụ, các hợp chất này có thể chuyển hóa thành axit xyanhydric, một chất cực kỳ nguy hiểm có thể gây ngộ độc.
Các triệu chứng ngộ độc măng có thể bao gồm nôn mửa, khó thở, và đau đầu. Trong trường hợp ngộ độc nặng, có thể dẫn đến tử vong. Để bảo vệ sức khỏe, mẹ bầu cần tránh ăn măng tươi hoặc đảm bảo măng được chế biến kỹ trước khi sử dụng.
Măng tươi không được chế biến phù hợp có thể gây ngộ độc.
4. Sữa tươi chưa tiệt trùng
Sữa tươi chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn gây hại cho mẹ và thai nhi. Trong quá trình chế biến, nếu sữa không được tiệt trùng đúng cách, có thể vẫn còn vi khuẩn Listeria hoặc E. coli, những vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như sinh non hoặc sảy thai. Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu chỉ nên sử dụng sữa đã được tiệt trùng hoặc các sản phẩm từ sữa đã qua xử lý để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Sữa tươi chưa tiệt trùng có thể chứa vi khuẩn gây hại cho mẹ và thai nhi.
5. Đu đủ xanh
Đu đủ xanh là loại trái cây có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai. Trong đu đủ xanh có chứa mủ cao su và papain – hai thành phần có thể kích thích các cơn co thắt tử cung và dẫn đến chuyển dạ sớm. Ngoài ra, đu đủ xanh còn chứa một lượng lớn chất nhựa latex có khả năng gây dị ứng cho những người có cơ địa nhạy cảm với triệu chứng phổ biến là sưng miệng, phát ban. Trong trường hợp nặng, mẹ bầu thậm chí có thể bị sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, mẹ bầu nên tránh loại trái cây này.
Đu đủ xanh là loại trái cây có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.
6. Dứa
Dứa là loại trái cây nhiệt đới được nhiều người ưa thích nhờ hương vị chua ngọt thơm ngon. Tuy nhiên, mẹ bầu cần phải cẩn trọng khi tiêu thụ dứa, đặc biệt là trong những tháng đầu của thai kỳ. Lý do là dứa chứa bromelain, một enzyme có khả năng phân hủy protein, làm mềm cổ tử cung nên có thể dẫn đến nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non.
Ăn dứa có thể dẫn đến nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non
7. Mướp đắng (khổ qua)
Mướp đắng chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, mướp đắng chứa một số hợp chất có thể gây co bóp tử cung, dẫn đến nguy cơ sảy thai hoặc sinh non nếu ăn quá nhiều trong thai kỳ, đặc biệt là trong ba tháng đầu. Nếu mẹ bầu ăn mướp đắng với lượng nhỏ và không thường xuyên, có thể không có vấn đề gì. Tuy nhiên, nếu có tiền sử vấn đề về dạ dày hoặc tiêu hóa, hay có bất kỳ lo ngại nào trong thai kỳ, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung mướp đắng vào chế độ ăn.
Mướp đắng chứa một số hợp chất có thể gây co bóp tử cung
8. Cá biển có hàm lượng thủy ngân cao
Cá biển giàu Protein và Omega-3, tuy nhiên không phải loại cá biển cũng tốt cho thai kỳ. Các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao như cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá kình là những thực phẩm không nên ăn khi mang thai.
Thủy ngân là một chất độc có thể tích tụ trong các loại cá lớn sống ở những vùng biển ô nhiễm. Khi mang thai, mẹ bầu phơi nhiễm với thủy ngân có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là làm chậm sự phát triển não bộ của bé. Thủy ngân cũng có thể gây hại đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch và thận của mẹ bầu.
Thay vào đó, mẹ bầu nên lựa chọn các loại thực phẩm tốt cho thời kỳ mang thai như cá hồi, cá rô phi, hoặc cá da trơn – những loại cá này chứa ít thủy ngân và rất giàu axit béo Omega-3, có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
Bà bầu nên lựa chọn các loại cá như cá hồi, cá rô phi, hoặc cá da trơn – những loại cá này chứa ít thủy ngân
Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu
Khi mang thai, ngoài việc chú ý đến những thực phẩm cần kiêng, mẹ bầu cũng cần lưu ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Cụ thể:
- Ăn đa dạng và cân đối các nhóm thực phẩm: Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm như rau củ, trái cây, thịt, cá, và các nguồn protein khác. Việc ăn uống đa dạng giúp cung cấp đầy đủ các vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thiết yếu cho thai kỳ.
- Hạn chế ăn nhiều muối và đường: Mẹ bầu nên hạn chế tiêu thụ muối để tránh nguy cơ cao huyết áp và phù nề. Tương tự, lượng đường cao có thể dẫn đến nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, vì vậy cần hạn chế đồ ngọt và thực phẩm chế biến sẵn.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Táo bón là vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Để phòng ngừa, mẹ bầu cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Điều này không chỉ giúp tiêu hóa tốt mà còn hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
- Hạn chế gia vị cay nóng: Các gia vị như tiêu, ớt, và tỏi có thể gây khó chịu cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, mẹ bầu nên hạn chế sử dụng các gia vị này trong khẩu phần ăn.
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng: Duy trì hoạt động thể chất trong thai kỳ là rất quan trọng. Mẹ bầu có thể chọn các bài tập như yoga, đi bộ hoặc bơi lội để cải thiện sức khỏe, giúp lưu thông máu, kiểm soát cân nặng và giảm thiểu các triệu chứng như đau lưng và phù nề.
- Thăm khám thai định kỳ: Việc đi khám thai định kỳ giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của bé và phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường. Các mốc khám thai rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé.
- Thai giáo cho con: Môi trường thoải mái, tinh thần thoải mái sẽ giúp thai nhi phát triển tốt hơn. Ngoài ra, mẹ bầu có thể kết hợp thai giáo cho con qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và trò chuyện, nghe nhạc hoặc vuốt ve để kết nối tình cảm với em bé.
Khi mang thai, ngoài việc chú ý đến những thực phẩm cần kiêng, mẹ bầu cũng cần lưu ý xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Khi mang thai, việc lựa chọn thực phẩm phù hợp là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, cân bằng. Hãy luôn nhớ tránh xa những thực phẩm không nên ăn khi mang thai để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.