125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Tin tức
        Hỏi đáp chuyên gia
          VIÊM ÂM ĐẠO - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

          VIÊM ÂM ĐẠO - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

          THAI THINH MEDIC
          01/08/2024

          Viêm âm đạo, một vấn đề sức khỏe phụ khoa phổ biến, đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều chị em phụ nữ. Đặc biệt, những người đã từng quan hệ tình dục thường dễ mắc phải tình trạng này hơn. Vậy viêm âm đạo là gì, nguyên nhân và cách phòng tránh ra sao? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

          1. Khái niệm về viêm âm đạo

          1.1 Phân biệt âm hộ và âm đạo

          Một số chị em nhầm lẫn giữa hai khái niệm “viêm âm hộ” và “viêm âm đạo”. Đây là hai khái niệm dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cơ quan sinh dục nữ, nhưng ở hai vị trí, bộ phận khác nhau.

          Âm đạo

          Âm đạo là cơ quan có hình ống dài, nối giữa âm hộ và cổ tử cung, có khả năng co giãn tốt nhằm hỗ trợ trong quan hệ tình dục và quá trình sinh nở ở người phụ nữ.

          Ảnh minh họa

          Âm hộ 

          Âm hộ là khu vực bao gồm tất cả các cơ quan sinh dục ngoài của  nữ giới. Các bộ phận sinh dục ngoài ở nữ giới gồm có: môi lớn, môi bé, âm vật, tuyến âm đạo.

          1.2 Viêm âm đạo là gì?

          Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị viêm nhiễm, tiết ra dịch có mùi khó chịu, gây nên tình trạng ngứa và đau. Đây là một bệnh phụ khoa phổ biến, gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt cho chị em phụ nữ và có thể đưa đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. 

          2. Nguyên nhân gây ra viêm âm đạo

          Vùng kín là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể nữ giới, không ít chị em phải đối mặt với các vấn đề viêm nhiễm. Vậy đâu là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này?

          2.1 Viêm âm đạo do nấm Candida

          - Định nghĩa: Viêm âm đạo do nấm Candida là tình trạng nhiễm nấm men gây kích ứng, ngứa và tiết dịch âm đạo nhiều. Theo thống kê, hơn 75% phụ nữ mắc viêm âm đạo do nấm Candida ít nhất một lần trong đời và hơn một nửa trong số đó sẽ mắc từ hai lần trở lên. 

          - Nguyên nhân: Thông thường, nấm candida vẫn hiện diện trong môi trường âm đạo. Ngoài ra, chúng còn tồn tại trong miệng và đường tiêu hóa của cả nam và nữ. Tuy nhiên, khi có một tác động nào đó từ bên ngoài dẫn đến số lượng nấm candida tăng đột biến, chúng gây ra hiện tượng nhiễm trùng.

          Cần được khám để biết rõ nguyên nhân và hướng điều trị

          Các yếu tố nguy cơ cao có thể dẫn đến tình trạng viêm âm đạo do nấm là:

              + Sử dụng kháng sinh: một số loại kháng sinh (ví dụ kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu) có thể tiêu diệt những vi khuẩn có lợi trong âm đạo, dẫn đến mất cân bằng môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển quá mức và gây viêm nhiễm.

              + Vệ sinh vùng kín không đúng cách, dùng các chất tẩy rửa mạnh hoặc thụt sâu vào âm đạo làm mất cân bằng tự nhiên của môi trường âm đạo.

              + Thói quen mặc quần lót chật, bó sát vào cơ thể khiến vùng kín bị bí bách, không thoáng mồ hôi.

              + Tăng nồng độ Estrogen trong cơ thể: phụ nữ mang thai, phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết…

              + Người bệnh đái tháo đường: lượng glucose trong máu và dịch âm đạo tăng cao, khiến nấm Candida sinh sôi và phát triển mạnh hơn.

              + Hệ miễn dịch suy yếu: dùng các thuốc chứa corticoid, nhiễm HIV/AIDS.

          - Triệu chứng: 

              + Dịch âm đạo nhiều bất thường đặc, màu trắng ngà, không mùi, vón cục hoặc dính vào âm đạo thành từng mảng. 

              + Âm đạo và âm hộ ngứa nhiều, sưng tấy, đỏ. Vùng da trên âm hộ khô rát.

              + Cảm giác nóng, buốt khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục

             + Khoảng 20% phụ nữ nhiễm nấm Candida vùng kín mà không có bất kỳ triệu chứng nào. 

          2.2 Viêm âm đạo do vi khuẩn

          - Định nghĩa: Viêm âm đạo do vi khuẩn là một tình trạng gây ra bởi sự mất cân bằng giữa các loại vi khuẩn bình thường sống trong âm đạo.  Đây là tình trạng nhiễm trùng âm đạo phổ biến nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

          - Nguyên nhân: Bình thường, âm đạo luôn tồn tại hai loại vi khuẩn: vi khuẩn có lợi, chủ yếu vi khuẩn ái khí, gồm 6 chủng, phổ biến nhất là chủng lactobacillus (sản xuất hydrogen peroxide); và vi khuẩn có hại là vi khuẩn kỵ khí. Nếu vi khuẩn kỵ khí phát triển quá mức, lấn át vi khuẩn ái khí sẽ dẫn đến sự mất cân bằng vi sinh âm đạo, gây ra tình trạng viêm âm đạo. Chủng vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm âm đạo là Gardnerella vagis.

          Những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường của vi khuẩn thường trú:

              + pH âm đạo: độ pH ổn định, phù hợp giúp cho lợi khuẩn trong môi trường âm đạo phát triển, đồng thời hạn chế hại khuẩn.

              + Sử dụng Glucose cho chuyển hóa của vi khuẩn.

          - Các yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm âm đạo do vi khuẩn thường là:

              + Giao hợp với nhiều bạn tình.

              + Thường xuyên thụt rửa âm đạo.

              + Hút thuốc lá.

              + Mặc quần lót quá chật và ẩm ướt.

              + Lạm dụng thuốc kháng sinh hoặc thuốc đặt âm đạo trong thời gian dài.

          - Triệu chứng: 

              + Dịch âm đạo nhiều, có mùi tanh nồng, có thể nặng hơn sau khi giao hợp hoặc trong thời kỳ hành kinh.

              + Dịch tiết thường loãng, có màu xám hoặc trắng đục, nhưng cũng có thể có màu xanh nhạt.

              + Đỏ hoặc ngứa âm đạo thường ít gặp, trừ khi người bệnh bị đồng nhiễm vi khuẩn và nấm men.

              + Một số bệnh nhân không có bất cứ triệu chứng gì và được bác sĩ phát hiện trong một lần khám phụ khoa định kỳ.

          Lưu ý: Tuyệt đối không dùng các loại thuốc điều trị viêm âm đạo do nấm để điều trị viêm âm đạo do vi khuẩn. Việc dùng thuốc không đúng sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

          2.3 Nhiễm trichomonas, chlamydia và viêm do virus

          Trichomonas

          - Nguyên nhân: Đây là bệnh lây qua đường tình dục khá phổ biến do nhiễm trùng roi Trichomonas vaginalis. Trùng roi có kích thước từ 10-20 mm, có khả năng di động, chỉ sống được trong cơ thể người, dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ

          - Triệu chứng: 

          • Dịch âm đạo nhiều, màu trắng ngà, ngả vàng hoặc vàng xanh có bọt, mùi hôi. 
          • Ngứa, tấy đỏ vùng âm hộ, âm đạo.
          • Cảm giác nóng buốt, đau khi đi tiểu hoặc khi quan hệ tình dục.
          • Các triệu chứng này thường nặng hơn sau kỳ kinh nguyệt.

          - Điều trị: Bệnh dễ lây qua đường tình dục nên cần cả người bệnh và bạn tình chữa trị cùng một lúc. Ngoài ra, để đạt hiệu quả điều trị người bệnh bắt buộc phải kiêng quan hệ tình dục trong vòng 7 ngày sau khi khỏi bệnh.

          Chlamydia

          - Nguyên nhân: Đây là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn chlamydia trachomatis gây ra, thường gặp nhất ở phụ nữ trẻ tuổi (17 - 35 tuổi) có nhiều bạn tình. 

          - Triệu chứng:

              + Tiết dịch âm đạo bất thường hoặc có mùi.

              + Vùng kín ngứa dữ dội, đau rát khi đi vệ sinh và quan hệ tình dục

              + Đau bụng dưới và vùng chậu

             + Chảy máu vùng kín (đặc biệt là sai khi quan hệ tình dục do cổ tử cung ở những bệnh nhân này rất mềm)

          - Dự phòng và điều trị: 

              + Sử dụng kháng sinh

              + Cần phải điều trị cùng lúc ở cả người bệnh và bạn tình

             + Để phòng bệnh, cần duy trì đời sống tình dục lành mạnh (có một bạn tình, sử dụng dụng cụ bảo vệ khi quan hệ…)

          Viêm âm đạo do virus

          Virus gây bệnh viêm âm đạo thường gặp nhất là herpes simplex (HSV). Bệnh có thể lây qua đường tình dục. Triệu chứng viêm âm đạo do HSV: 

              + Đau vùng kín.

              + Xuất hiện các vết loét nằm bên trong âm đạo, chỉ có thể nhìn thấy khi khám phụ khoa.

          Một loại virus khác thường gặp gây viêm âm đạo chính là virus HPV. Bệnh nhân có thể xuất hiện những nốt mụn cóc màu trắng, xám hoặc hồng ở khu vực âm hộ, âm đạo, trực tràng, bẹn và gây đau đớn cho bệnh nhân. Đây cũng là loại vi khuẩn gây nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

          Virus HPV chỉ được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm PAP.

          2.4 Viêm âm đạo không lây

          Đây là tình trạng phụ nữ có các dấu hiệu của viêm âm đạo như: ngứa, rát, tiết dịch âm đạo nhiều nhưng khám bệnh không phát hiện viêm nhiễm. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi mãn kinh.

          Nguyên nhân: Bệnh nhân phản ứng, dị ứng, kích ứng với các loại thuốc, dung dịch thụt rửa âm đạo, băng vệ sinh, cốc nguyệt san, sản phẩm khử mùi, bôi ngoài da, nước xả vải…

          2.5 Viêm teo âm đạo

          Đây là một dạng viêm âm đạo không lây nhiễm do giảm nội tiết tố. Bệnh thường gặp ở phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh. Ngoài ra, trạng thái sau sinh và cho con bú, thủ thuật cắt bỏ buồng trứng, các loại thuốc ức chế aromatase (điều trị ung thứ vú) hoặc Lupron Depot (điều trị lạc nội mạc tử cung) cũng là những nguy cơ dẫn đến sụt giảm estrogen, gây teo âm đạo.

          Các triệu chứng của viêm teo âm đạo:

          • Âm đạo khô, teo
          • Đau, ngứa, nóng rát âm đạo (đặc biệt khi quan hệ tình dục)
          • Tiểu buốt, tiểu rắt

          2.6 Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo

          Ngoài các nguyên nhân, có một số yếu tố cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm âm đạo như:

              + Thay đổi nội tiết tố: thường gặp ở phụ nữ mang thai, sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết, tiền mãn kinh, mãn kinh, thủ thuật cắt bỏ buồng trứng…

              + Sinh hoạt tình dục không lành mạnh: nhiều bạn tình, không sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục

              + Sử dụng thuốc kháng sinh và các loại thuốc kháng miễn dịch

              + Áp dụng phương pháp tránh thai bằng chất diệt tinh trùng.

              + Mắc bệnh đái tháo đường.

              + Thường xuyên thụt rửa âm đạo sâu, không đúng cách.

              + Mặc quần lót ẩm ướt, bó sát.

          3. Chẩn đoán viêm âm đạo

          Bạn cần đến các phòng khám chuyên khoa uy tín để gặp bác sĩ ngay khi có các biểu hiện của viêm âm đạo.

          - Hỏi bệnh: bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng bạn đang gặp phải cũng như tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác mà bạn đã từng mắc trước đó.

          - Khám phụ khoa: Bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo bằng cách sử dụng mỏ vịt (một dụng cụ khám phụ khoa phổ biến) và đánh giá mức độ viêm, tiết dịch của âm đạo cũng như các tình trạng khác như loét, trợt, u sùi, mụn cóc… âm đạo.

          Bạn nên hạn chế quan hệ tình dục hay thụt rửa trước buổi khám để bác sĩ có thể đánh giá tình trạng viêm nhiễm một cách chính xác nhất.

          - Xét nghiệm: bác sĩ có thể lấy mẫu bệnh phẩm và chỉ định xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh: vi khuẩn, nấm, HPV, trùng roi…. Đây là một trong những cận lâm sàng quan trọng để chẩn đoán bệnh.

          - Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm, dịch vụ cận lâm sàng khác như: xét nghiệm máu, siêu âm tử cung, phần phụ để tìm ra nguyên nhân/ yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh của bạn.

          4. Một số biến chứng của viêm âm đạo

          Đa phần các trường hợp viêm âm đạo không gây biến chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể gây nên những tình trạng sau:

          Bệnh lây truyền qua đường tình dục 

          Viêm âm đạo khiến nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục của phụ nữ tăng cao. Các bệnh này bao gồm HIV, virus herpes simplex, chlamydia hoặc lậu.

          Nhiễm trùng sau phẫu thuật phụ khoa

          Sau các phẫu thuật phụ khoa  nong cổ tử cung, nạo lòng tử cung và cắt cổ tử cung), viêm âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

          Viêm vùng chậu

          Trong một số trường hợp, viêm âm đạo có thể đưa đến viêm vùng chậu. Đây là một bệnh khá nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm vùng chậu có thể gây nhiễm trùng ở ống dẫn trứng và tử cung, làm giảm khả năng mang thai của người phụ nữ.

          Các nguy cơ cho mẹ và bé khi mang thai

          Viêm âm đạo cũng có thể dẫn đến tình trạng sinh non, trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc sảy thai ở phụ nữ đang mang thai. 

          Ngoài ra, một số trường hợp viêm âm đạo do nấm Candida có thể lây nhiễm cho bé sơ sinh trong lúc sổ thai, gây viêm niêm mạc miệng, viêm da, viêm phổi.

          Ảnh minh họa

          Vì vậy, sản phụ cần đến khám ngay khi gặp các triệu chứng bất thường ở vùng kín để được các bác sĩ khám, chẩn đoán và hướng dẫn xử lý kịp thời giúp đảm bảo thai kỳ an toàn và khỏe mạnh.

          5. Điều trị viêm âm đạo như thế nào?

          Tùy vào nguyên nhân gây viêm âm đạo mà bác sĩ có thể có nhiều phương pháp điều trị khác nhau:

          - Viêm do vi khuẩn: 

              + Bác sĩ có thể dùng thuốc dạng uống kết hợp dạng đặt

              + Thông thường, bác sĩ sẽ dùng metronidazol (đường uống) kết hợp với gel bôi clindamycin hoặc metronidazol

          - Viêm do nhiễm nấm Candida: Thuốc được chỉ định thông thường là miconazole, clotrimazole, fluconazole, tioconazole hoặc butoconazole

          - Viêm do trichomonas: Thuốc được chỉ định thông thường là metronidazole hoặc tinidazole.

          - Viêm teo âm đạo: Sử dụng phương pháp nội tiết: estrogen ở dạng viên hoặc vòng đặt âm đạo.

          - Viêm không do nhiễm trùng: 

              + Bác sĩ sẽ hỏi bệnh và xác định tác nhân gây kích ứng. 

              + Tác nhân gây kích ứng có thể là bột giặt, băng vệ sinh, dung dịch vệ sinh… Bạn cần thay đổi các loại sản phẩm vệ sinh này để giải quyết tình trạng bệnh của mình.

          6. Phòng ngừa viêm âm đạo

          Viêm âm đạo là nỗi ám ảnh của nhiều chị em phụ nữ. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ bản thân bằng những biện pháp phòng ngừa đơn giản. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn cách phòng tránh viêm âm đạo hiệu quả.

          - Hạn chế ngâm mình quá lâu trong bồn, đặc biệt là bồn nước nóng. Nên tắm bằng vòi hoa sen để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ở vùng âm đạo.

          - Không sử dụng các loại dung dịch có tính tẩy rửa mạnh, khử mùi mạnh cho vùng kín. Xả sạch xà phòng, sữa tắm sau khi tắm.

          - Thay đồ lót thường xuyên định kỳ 3-6 tháng/ lần, luôn giữ vùng kín khô ráo. Nên dùng đồ lót bằng chất liệu vải cotton để hạn chế tình trạng hầm bí, ẩm ướt.

          - Sau khi đi vệ sinh, cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín, lau chùi âm hộ từ phía trước ra phía sau.

          - Hạn chế thụt rửa âm đạo.

          - Đời sống tình dục lành mạnh: có một bạn tình và sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như bao cao su.

          Quan trọng nhất là nếu bạn đang gặp phải những triệu chứng bất thường ở vùng kín, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp ngăn ngừa được những biến chứng nguy hiểm và bảo vệ chức năng sinh sản của bạn.

          Share