125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Nguyên tắc 4 KHÔNG trong điều trị tay chân miệng cho trẻ

            Nguyên tắc 4 KHÔNG trong điều trị tay chân miệng cho trẻ

            THAI THINH MEDIC
            11/06/2022

             Theo Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng trong thời gian tới. Theo thống kê cả nước trong 5 tháng đầu năm đã có hơn 5.500 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

            1. Bệnh tay chân miệng là gì?

            Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus đường ruột gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa như: tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng, nước bọt, dịch nốt phỏng hoặc qua phân của người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi do chưa chủ động và ý thức được việc chăm sóc vệ sinh cá nhân. Bệnh có khả năng lan thành dịch lớn và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh.

            tay-chan-mieng

            2. Trẻ bị tay chân miệng cần chăm sóc như thế nào?

            Bệnh TCM thường tự khỏi sau 7-10 ngày tùy hệ miễn dịch từng bé. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ có biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, bại liệt thậm chí tử vong. Dưới đây là một số khuyến cáo của các chuyên gia y tế mà phụ huynh cần lưu ý để giúp quá trình điều trị bệnh của trẻ được hiệu quả nhất:

            • Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất 10-14 ngày, không cho trẻ tiếp xúc với các trẻ khác để phòng tránh lây lan bệnh.
            • Trong thời gian điều trị bệnh theo chỉ định của bác sĩ, các phụ huynh cần kiên nhẫn, không nên lo lắng mà cho trẻ bổ sung quá nhiều thuốc bổ hoặc vitamin. Thay vào đó, hãy cho trẻ uống nhiều nước, kết hợp cùng các loại sữa chua hay nước ép từ hoa quả…giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ.
            • Ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn mềm, thanh mát giúp trẻ dễ hấp thu và tiêu hóa tốt hơn. Tránh các thực phẩm quá cứng, có vị cay hoặc quá nóng khiến trẻ bị đau rát, khó chịu hoặc thậm chí khiến các vết loét khó lành hơn.
            • Hỗ trợ hoặc hướng dẫn trẻ vệ sinh răng miệng, rửa tay trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.
            • Sau khi tắm cho trẻ, cần cho trẻ ngồi ở nơi kín gió, thay quần áo có vải mềm, thoáng mát và thấm hút mồ hôi. 
            • Ngâm quần áo của trẻ trong dung dịch sát khuẩn như cloramin B trước khi giặt.
            • Tuyệt đối không tùy tiện sử dụng các loại thuốc bôi lên các nốt bọng nước khi chưa được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và chỉ định để tránh khả năng viêm nhiễm. 
            • Người chăm nom cần lưu ý tránh cho trẻ chạm, cậy hoặc gãi vào những nốt phát ban hoặc bọng nước. Những nốt phát ban cần được giữ vệ sinh sạch sẽ, không nên che đậy quá kín. 
            • Người lớn trước và sau khi tiếp xúc với trẻ cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng để phòng ngừa lây nhiễm chéo.
            • Các vật dụng cá nhân của bé như bình sữa, cốc uống nướ, bát đũa cần được khử khuẩn và sử dụng riêng với mọi người.

            3. 4 KHÔNG trong điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ

            3.1. Kiêng tắm

            Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc kiêng tắm sẽ giúp sớm khỏi bệnh. Ngược lại, trẻ bị TCM rất cần được chú ý vệ sinh cá nhân sạch sẽ để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ trên da và góp phần giúp vết thương mau lành.

            3.2. Mặc quần áo quá kín, ở trong phòng kín để tránh gió

            Trẻ bị TCM có thể sẽ có hiện tượng sốt, việc mặc quần áo quá kín sẽ phản tác dụng, cơ thể không giải phóng được nhiệt khiến trẻ sốt cao hơn, toát mồ hôi và khiến bệnh trầm trọng hơn.

            Chỉ nên để trẻ ở trong phòng kín gió ngay sau khi tắm để đề phòng cảm lạnh. Trẻ mắc TCM cần được sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, thoáng khí. Nếu thời tiết quá oi bức, phụ huynh có thể bật điều hòa để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.

            3.3. Tự ý truyền dịch

            “Cứ ốm là truyền dịch sẽ đỡ” không còn là quan niệm xa lạ đối với nhiều người, đặc biệt là khi việc mua các dung dịch truyền rất dễ dàng tại các nhà thuốc hoặc trên các trang mạng. Khi chưa được bác sĩ thăm khám và chỉ định, việc truyền dịch không đúng lúc có thể dẫn tới rối loạn điện giải, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi trẻ sốt cao và không đáp ứng các biện pháp hạ sốt thông thường, phụ huynh cần bình tĩnh đưa con đến trung tâm y tế để kiểm tra kịp thời.

            3.4. Tắm nước lá

            “Tắm nước lá vừa chóng khỏi lại an toàn vì cũng là từ thiên nhiên” - đây là “lời đồn” khiến nhiều phụ huynh chủ quan bỏ quên nguyên tắc ưu tiên của việc chữa lành bệnh này chính là loại bỏ vi khuẩn xấu trên da. Đã có rất nhiều trường hợp bội nhiễm và viêm da toàn thân do tắm bằng nước tắm lá khi bị TCM. Phụ huynh cần cẩn trọng trước khi sử dụng bất cứ một phương pháp nào để điều trị bệnh ngoài da cho trẻ.

            tay-chan-mieng

            4. Phương pháp đề phòng lây nhiễm bệnh tay chân miệng ở trẻ

            Bệnh tay chân miệng thường xảy ra đối với trẻ em đang trong độ tuổi mầm non, thời gian ủ bệnh dài nên rất dễ lây lan thành dịch lớn. Trước nguy cơ bệnh TCM gia tăng vào mùa hè để bảo vệ con cha mẹ nên thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau

            • Cho trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn uống và sau mỗi lần đi vệ sinh.
            • Người chăm nom trẻ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân trong quá trình chăm sóc, chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.
            • Định kỳ vệ sinh sạch sẽ đồ chơi và các vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc.
            • Vệ sinh sạch sẽ không gian sinh hoạt, nơi ở và môi trường xung quanh trẻ.
            • Ba mẹ cần cập nhật những thông tin y tế, hướng dẫn người chăm sóc trẻ cẩn trọng quan sát với những dấu hiệu bất thường ở da của trẻ.
            • Không cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh hoặc đang nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng.
            • Đưa trẻ đi khám và thông báo cho cơ quan y tế khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh.

            Hy vọng những chia sẻ trên đây đã phần nào giúp các cha mẹ hiểu rõ hơn về quá trình phòng bệnh và chăm sóc con tốt hơn trong quá trình điều trị bệnh tay chân miệng.

            Với định hướng “Tất cả vì sức khỏe bé yêu”, khoa Nhi - Phòng khám 125 Thái Thịnh với bề dày kinh nghiệm đã trở thành địa chỉ tin cậy cho các ba mẹ.

            •       Đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, tận tình thăm khám và điều trị.

            •       Chỉ sử dụng kháng sinh khi thực sự cần thiết.

            •       Trang thiết bị hiện đại, đảm bảo chất lượng.

            •       Đón tiếp, chăm sóc người bệnh chu đáo, chuyên nghiệp.

            •       Đặt lịch nhanh chóng, không phải chờ đợi.

            •       Làm việc tất cả các ngày trong tuần từ Thứ 2 - Chủ nhật.

            Mọi thông tin liên hệ mời quý khách hàng gọi Hotline: 0972 88 11 25.

            Share