Mụn cóc là tổn thương lành tính xuất hiện ở niêm mạc và da. Mụn cóc phổ biến trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến khoảng 10% dân số. Mụn cóc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hiếm gặp hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
1. Triệu chứng và phân loại mụn cóc
Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể với các dấu hiệu và đặc điểm khác nhau, tùy thuộc vào vị trí mọc và loại virus gây bệnh. Đa phần chúng xuất hiện dưới dạng khối u nhỏ, mềm, khiến người bệnh dễ bỏ qua. Khi mụn cóc phát triển lớn hơn, chúng có thể chèn ép dây thần kinh, gây đau nhức hoặc tê bì, đặc biệt ở những vùng chịu lực như lòng bàn chân.
Mụn cóc thông thường
- Đặc điểm: Mụn cóc thông thường thường có bề mặt sần sùi, cứng và ranh giới rõ ràng, hình tròn hoặc không đều. Chúng có màu xám nhạt, vàng, nâu hoặc xám đen, đường kính từ 2-10 mm.
- Vị trí xuất hiện: Chủ yếu mọc ở tay, chân, khuỷu tay hoặc các vùng bị dễ tổn thương da như ngón tay và đầu gối. Một số biến thể có hình dạng bất thường (hình bắp cải,...) thường xuất hiện ở đầu và cổ, nhất là da đầu và vùng râu.
- Triệu chứng: Thông thường không gây đau nhưng nếu xuất hiện ở bề mặt chịu trọng lượng như lòng bàn chân, mụn có thể gây khó chịu khi đi lại.
Mụn cóc sinh dục
- Đặc điểm: Các mụn mềm, bề mặt có thể bóng mịn hơn so với các loại khác nhưng cũng có dạng sần sùi và có cuống; có thể đứng riêng lẻ hoặc liên kết thành cụm.
- Vị trí xuất hiện: Mọc ở khu vực sinh dục như âm đạo, dương vật, hậu môn và đôi khi cả cổ tử cung.
- Triệu chứng: Thường không đau nhưng có thể gây ngứa hoặc khó chịu. Loại này dễ lây lan qua quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp với vùng da nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh cho trẻ sơ sinh khi sinh con.
Mụn cóc phẳng
- Đặc điểm: Những mụn nhỏ, phẳng, nhẵn và có màu vàng nâu, hồng hoặc màu da. Kích thước thường dưới 5 mm.
- Vị trí xuất hiện: Hay mọc trên mặt, vùng râu hoặc chân. Phổ biến hơn ở trẻ em và thanh niên.
- Triệu chứng: Không gây triệu chứng nhưng khó điều trị, dễ lây lan sang các vùng da lân cận.
Mụn cóc bàn tay, bàn chân
- Đặc điểm: Mụn thường mềm, bẹt, có màu da hoặc nâu đen, có thể mọc ngược vào trong. Mụn ở bàn tay và bàn chân có thể bị nhầm lẫn với sừng hóa và nốt chai.
- Vị trí xuất hiện: Lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Triệu chứng: Gây cảm giác không thoải mái khi tiếp xúc hoặc vận động. Mụn ở bàn chân có thể vỡ do chịu lực ép của chân và mặt nền.
Mụn cóc quanh móng
- Đặc điểm: Các mụn giống như súp lơ, da dày và nứt ở vùng quanh móng tay hoặc chân.
- Vị trí xuất hiện: Quanh móng tay hoặc móng chân.
- Triệu chứng: Có thể gây đau khi mụn phát triển lớn, làm yếu móng và dễ bị tách móng.
Các loại mụn cóc khác
- Mụn cóc thể nhú: có kích thước dài, nhiều nhú, thường gặp ở mặt, quanh miệng, mí mắt, mũi, không gây đau và phát triển nhanh.
- Tăng sản biểu mô khu trú: Bao gồm mụn cóc xuất hiện trong khoang miệng, có dạng sẩn, màu trắng, kích thước khoảng 1 - 5 mm, thường xếp thành từng cụm.
- Mụn cóc nang: Thường xuất hiện trên các bề mặt chịu lực như lòng bàn chân và có bề ngoài nhẵn.

Mụn cóc có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể với các dấu hiệu và đặc điểm khác nhau
2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra mụn cóc
Mụn cóc do virus papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Loại virus này có hơn 100 biến thể khác nhau và cũng là họ virus gây ra nhiều bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư vòm họng,... Mỗi dạng mụn cóc có thể xuất phát từ 1 hoặc nhiều chủng HPV gây ra:
- Mụn cóc thông thường: HPV 2, 4 (phổ biến nhất), 1, 3, 7, 27, 29 và 57
- Mụn cóc phẳng: HPV 3, 10 và 28
- Mụn cóc lòng bàn tay, bàn chân: HPV 1 (phổ biến nhất), 2, 3, 4, 27 và 57
- Mụn cóc nang: HPV 60
- Tăng sản biểu mô khu trú: HPV 13 và 32
Virus HPV có thể lây nhiễm nhanh chóng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp như:
- Da có vết thương hở tiếp xúc với da của người mang mầm bệnh hoặc các bề mặt nhiễm virus như khăn tắm, dao cạo râu, quần áo, giày dép và đồ dùng cá nhân khác.
- Đi chân trần ở nơi công cộng như hồ bơi có thể khiến virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
- Quan hệ tình dục không an toàn với người bị nhiễm mụn cóc/người nhiễm HPV
Những người có các yếu tố nguy cơ sau đây thường dễ gặp mụn cóc hơn:
- Người có hệ miễn dịch kém, người nhiễm HIV, ghép tạng, mắc bệnh tự miễn, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch,...
- Trẻ em và người cao tuổi
- Tính chất công việc tiếp xúc nhiều với nước (thợ rửa bát, pha chế) hoặc tay của người khác (thợ làm móng,...)
- Người có tật cắn móng tay
- Người có tổn thương ngoài da, nhiễm trùng da
- Người có tay chân đổ nhiều mồ hôi

Mụn cóc do virus papillomavirus ở người (HPV) gây ra
3. Bị mụn cóc có sao không?
Phần lớn các trường hợp mụn cóc đều không gây nguy hiểm nghiêm trọng. Hệ miễn dịch tự nhiên có thể loại bỏ virus gây bệnh và khiến mụn cóc tự biến mất mà không cần can thiệp. Tình trạng này còn phù thuộc vào sức đề kháng của người bệnh, chủng virus gây bệnh và vị trí mọc mụn cóc. Trẻ em và thanh thiếu niên thường có khả năng khỏi nhanh hơn so với người lớn. Tuy vậy, mụn cóc có thể dễ dàng tái phát hoặc mọc mới khi người bệnh nhiễm chủng HPV ở vị trí khác.
Đối với các loại mụn cóc lớn hơn, ở những vị trí như lòng bàn chân hoặc các bộ phận chịu áp lực thường xuyên có thể khiến người bệnh đau đớn khi di chuyển, dẫn đến chảy máu, thâm chí nhiễm trùng và biến dạng thẩm mỹ. Không chỉ vậy, một số trường hợp mụn cóc có thể tiến triển thành các dạng ác tính, chẳng hạn như ung thư biểu mô dạng mụn cóc. Dù hiếm gặp, loại ung thư này thường xuất hiện ở lòng bàn chân và có khả năng phá hủy mô tại chỗ nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, mụn cóc sinh dục và mụn cóc ở các vị trí nhạy cảm có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm hoặc phát triển thành các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung.

Phần lớn các trường hợp mụn cóc đều không gây nguy hiểm nghiêm trọng
Để đảm bảo an toàn, người bệnh không nên tự ý cạy, cắt hoặc tác động vào mụn cóc, vì điều này có thể gây nhiễm trùng và tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập. Nếu mụn cóc không thuyên giảm sau các biện pháp điều trị tại nhà hoặc có dấu hiệu lan rộng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
- Mụn cóc xuất hiện tại các khu vực như mặt, miệng, mũi hoặc cơ quan sinh dục.
- Xuất hiện dấu hiệu chảy máu, sưng viêm hoặc nhiễm trùng tại khu vực có mụn cóc.
- Mụn cóc gây đau đớn hoặc ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- Người bệnh có các tình trạng như tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS).
Ngoài ra, mụn cóc thường không để lại sẹo khi chúng tự biến mất. Tuy nhiên, hầu như mọi loại điều trị tại chỗ hiện có đều có khả năng gây sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của người bệnh.
4. Chẩn đoán mụn cóc
Chẩn đoán mụn cóc thường dựa trên đánh giá triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết và các xét nghiệm máu khác khi cần phân biệt với các bệnh lý khác hoặc trong trường hợp tổn thương bất thường
Chẩn đoán phân biệt mụn cóc với các dạng tổn thương khác:
- Mụn cóc: Cạo bề mặt có thể thấy huyết khối mao mạch dưới dạng chấm đen.
- Mắt cá hoặc vết chai (clavi): Sang thương còn đường vân da, không có mao mạch huyết khối khi cạo.
- Lichen phẳng: Tổn thương phẳng, đối xứng, thường kèm theo mạng lưới Wickham.
- Dày sừng tiết bã: Xuất hiện dưới dạng các sẩn tăng sắc tố, chứa các nang keratin.
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loét dai dẳng, bờ không đều.

Chẩn đoán mụn cóc thường dựa trên đánh giá triệu chứng lâm sàng
5. Cách điều trị mụn cóc
Việc điều trị mụn cóc tập trung vào việc loại bỏ các tổn thương, kích thích hệ miễn dịch tấn công virus mà không gây tổn hại đến mô lành xung quanh. Để đạt hiệu quả cao, cần lựa chọn phương pháp phù hợp với loại mụn cóc, vị trí và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể kết hợp nhiều phương pháp để tăng hiệu quả điều trị. Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay bao gồm:
5.1. Điều trị nội khoa
Thuốc bôi tại chỗ:
- Acid Salicylic: Dạng mỡ hoặc dung dịch với nồng độ từ 10%-40% giúp bạt sừng và loại bỏ tế bào chứa virus. Thuốc thường được sử dụng kèm với băng y tế để tăng cường hiệu quả thẩm thấu. Khi bôi các sản phẩm chứa Acid Salicylic, chỉ bôi ở vùng có mụn, tránh lan sang các vùng da xung quanh và không được để dây vào mắt.
- Cantharidin: Thuốc bôi Cantharidin có hai hàm lượng 0,7% trên vùng da mỏng và 1% trên vùng da dày hơn, có thể được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp trong 1 chế phẩm cùng Acid Salicylic 30% và podophyllum 5%. Cantharidin có tác dụng khiến vùng da tổn thương của mụn cóc phồng rộp lên, sau đó bong ra. Cantharidin chỉ hoạt động trên bề mặt da nên không gây sẹo, tuy nhiên có thể gây kích ứng da và khó chịu.
- Imiquimod: Thuốc có tác dụng kích thích miễn dịch, khiến mụn cóc se lại và rụng đi thường dùng cho mụn cóc phẳng hoặc mụn cóc vùng sinh dục. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây đỏ rát, khó chịu tại chỗ. Imiquimod thường được chỉ định sau khi thực hiện liệu pháp triệt lạnh.
- Podofilox: Hiệu quả đối với mụn cóc sinh dục, nhưng có thể gây kích ứng nhẹ vùng bôi.
- 5-Fluorouracil: Thường được kê đơn cho trẻ em, giúp làm rụng mụn cóc từ từ.
Thuốc tiêm trực tiếp tại tổn thương:
- Bleomycin: Bleomycin là một loại kháng sinh độc tế bào, giúp phá hủy virus và tế bào nhiễm bệnh, đồng thời kích thích hoạt động của đại thực bào. Bleomycin được sử dụng trong trường hợp tái phát hoặc mụn cóc lớn không đáp ứng điều trị với các phương pháp khác. Tuy nhiên, thuốc này có thể gây đau khi tiêm, hình thành sẹo xấu, thay đổi sắc tố da, thậm chí gây tổn thương mạch máu hoặc hội chứng Raynaud khi tiêm ở gốc ngón.
- Interferon alpha-2a: Có tác dụng tăng cường hoạt động miễn dịch tại vùng bị tổn thương, nhưng dễ tái phát khi ngừng thuốc.
Thuốc toàn thân:
- Cimetidin: Thuốc kháng Histamin H2, có tác dụng kích thích hệ miễn dịch, hỗ trợ điều trị mụn cóc tái phát hoặc nhiều tổn thương.
- Sulfat kẽm: Ít tác dụng phụ nên có liều tối đa cao, phù hợp với các trường hợp mụn cóc lan rộng, đa thương tổn.

Điều trị nội khoa
5.2. Điều trị ngoại khoa
Liệu pháp Cryotherapy (liệu pháp nitơ lỏng)
Liệu pháp này dùng nhiệt độ thấp Nitro lỏng tạo ra nhiệt độ cực lạnh (-196 độ C) ở vùng da bị xịt vào. Với nhiệt độ này, virus HPV bị phá hủy cũng như các mô vùng mụn cóc bị tổn thương hoàn toàn, sau đó mụn cóc sẽ dần rụng ra những ngày sau đó. Phương pháp này hiệu quả, ít tốn kém nhưng có thể gây đau, phồng rộp da hoặc gây mất sắc tố da, thường được áp dụng cùng dùng thuốc bôi Salicylic.
Bệnh nhân có da quá sáng hoặc quá sẫm màu không nên điều trị áp lạnh, đặc biệt người bị mụn cóc trên mặt. Kỹ thuật này có thể gây đau nên không được dùng để điều trị mụn cóc ở trẻ nhỏ.
Phương pháp nhiệt
- Đốt điện: Sử dụng dòng điện cao tần để phá hủy tổn thương, thực hiện nhanh chóng, chi phí thấp và có hiệu quả cao nhưng cần chăm sóc vết thương kỹ để tránh nhiễm trùng.
- Laser CO2: Có khả năng loại bỏ tổn thương nhanh chóng, thường áp dụng cho trường hợp mụn cóc lớn hoặc khó trị, ngăn chặn lây lan sang vùng xung quanh. Tuy nhiên, đốt laser có thể gây đau và để lại sẹo.
Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương
Áp dụng cho mụn cóc lớn, tái phát nhiều lần hoặc mụn cóc thể nhú. Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định kết hợp sử dụng thuốc bôi để ngăn ngừa tái phát.

Điều trị ngoại khoa
5.4. Lưu ý khác khi điều trị mụn cóc
Việc điều trị mụn cóc không chỉ phụ thuộc vào loại mụn mà còn liên quan đến tình trạng sức khỏe và nhu cầu thẩm mỹ của bệnh nhân. Sau đây là những điều cần lưu ý trong quá trình điều trị:
- Điều trị mụn cóc thường đòi hỏi thời gian dài và sự kiên trì từ bệnh nhân. Không phải tất cả các trường hợp đều đạt hiệu quả ngay lập tức, đặc biệt đối với những bệnh nhân suy giảm miễn dịch. Các phương pháp điều trị cần lặp lại nhiều lần để đạt kết quả tối ưu.
- Điều trị mụn cóc phẳng rất khó khăn và thường kéo dài hơn so với mụn cóc thông thường.
- Với những trường hợp mụn cóc không đáp ứng các phương pháp điều trị thông thường, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp miễn dịch như diphencyprone (DCP) để loại bỏ mụn cóc.
6. Làm thế nào để phòng ngừa mụn cóc hiệu quả?
Phòng ngừa mụn cóc không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh. Sau đây là các biện pháp phòng ngừa mụn cóc bạn nên áp dụng:
- Tiêm vaccin HPV: Việc tiêm vaccine dự phòng HPV là cách phòng ngừa hiệu quả nhất đối với mụn cóc, đặc biệt là mụn cóc sinh dục. Vaccine không chỉ giúp giảm nguy cơ tái nhiễm mà còn bảo vệ cơ thể khỏi các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến virus HPV. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn về loại vaccine phù hợp theo độ tuổi và giới tính.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc: Không chạm vào mụn cóc của người khác hoặc chính mình, đặc biệt là các vết thương hở. Việc chạm, gãi hoặc cạy mụn cóc có thể làm virus lây lan sang các khu vực da khác hoặc lây nhiễm cho người khác.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Tránh chia sẻ khăn tắm, dao cạo, bấm móng tay, găng tay hoặc tất với người khác. Đối với các nghề đặc thù như thợ làm móng, đảm bảo khử trùng dụng cụ kỹ càng sau mỗi lần sử dụng để tránh nguy cơ lây lan virus.
- Bỏ thói quen cắn móng tay: Việc cắn móng tay không chỉ làm tổn thương da mà còn tạo điều kiện cho virus HPV xâm nhập.
- Giữ chân khô ráo: Bàn chân ẩm ướt là môi trường lý tưởng cho virus phát triển. Mang giày dép phù hợp và sử dụng tất sạch sẽ để tránh tình trạng này.
- Quan hệ tình dục an toàn: Để phòng ngừa mụn cóc sinh dục, hãy sử dụng bao cao su và tránh tiếp xúc trực tiếp với khu vực có mụn cóc.
- Giữ vệ sinh ở nơi công cộng: Khi sử dụng hồ bơi, phòng thay đồ công cộng, hãy luôn mang dép hoặc giày để hạn chế tiếp xúc với bề mặt có khả năng chứa virus.

Phòng ngừa mụn cóc không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn hạn chế lây nhiễm cho những người xung quanh
Tóm lại, mụn cóc có thể gây phiền toái và ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu không được điều trị đúng cách. Kiên nhẫn tuân thủ điều trị kết hợp phòng ngừa bằng vaccine HPV và vệ sinh cá nhân là cách hiệu quả để kiểm soát và ngăn tái phát mụn có.
Phòng khám 125 Thái Thịnh - Gần 30 năm đồng hành chăm sóc sức khỏe hàng triệu người dân, là địa chỉ uy tín cung cấp dịch vụ y tế chuyên nghiệp, chất lượng cao với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
Mọi thông tin quý khách vui lòng liên hệ hotline: 097 288 1125 hoặc 0243 853 5522.
Tham khảo: https://ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431047/