Giãn bể thận ở thai nhi là dấu hiệu thường gặp trong thai kỳ. Siêu âm thai là phương pháp tốt nhất để phát hiện, theo dõi và góp phần tìm kiếm nguyên nhân gây nên tình trạng này. Dựa vào kết quả siêu âm và những triệu chứng liên quan khác, bác sĩ có thể theo dõi sự phát triển của thai nhi, đánh giá mức độ nguy hiểm và đưa ra hướng xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho thai kỳ.
1. Định nghĩa
Giãn bể thận thai nhi là tình trạng bể thận của thai nhi tăng kích thước ở một hoặc cả hai bên. Đây có thể là hậu quả của việc tắc nghẽn đường tiết niệu dẫn đến bể thận giãn dần ra, làm thay đổi kích thước và giảm chức năng thận. Giãn bể thận thai nhi là một dấu hiệu thường gặp với tỷ lệ khoảng từ 0,5 - 4,7%.
Bệnh xuất hiện sớm, đa phần được phát hiện vào quý 2 và quý 3 của thai kỳ. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ siêu âm sẽ đo đường kính trước-sau bể thận (anterior-posterior diameter-APD) và tùy vào tuổi thai để chẩn đoán chính xác thai nhi có bị giãn bể thận hay không.

Giãn bể thận thai nhi ở quý II, đường kính trước sau bể thận trái ~ 10mm, bể thận phải ~ 9 mm
Tiêu chuẩn chẩn đoán giãn bể thận thai nhi phổ biến:
- Quý II (đến 27 tuần 6 ngày): ≥ 4mm
- Quý III (từ 28 tuần): ≥ 7mm
MỨC ĐỘ GIÃN ĐÀI BỂ THẬN THEO TUỔI THAI
Mức độ | Ba tháng giữa | Ba tháng cuối |
Giãn nhẹ | 4 - < 7 mm | 7 - < 9 mm |
Giãn vừa | 7 - < 10 mm | 9 - < 15 mm |
Giãn nhiều | >10 mm | >15 mm |
Giãn bể thận (pyelectasis) được bác sĩ chẩn đoán khi đường kính bể thận trên siêu âm từ 4 đến 9,9 mm, và thận ứ nước (hydronephrosis) khi đường kính bể thận ≥ 10 mm. Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ sẽ tiến hành đo, đánh giá lại đường kính bể thận trong những lần siêu âm tiếp theo vì tình trạng này có thể chỉ là thoáng qua.
2. Giãn bể thận ở thai nhi có nguy hiểm không?
Giãn bể thận ở thai nhi không phải là một tình trạng quá nguy hiểm. Nhiều trường hợp thai nhi trở lại bình thường sau vài tuần.
Nguy cơ trẻ mắc bệnh sau sinh tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Đa phần các trường hợp giãn nhẹ là giãn sinh lý, có thể tự hết, tuy nhiên cần theo dõi diễn biến, chỉ có khoảng 11,9% thai nhi sẽ mắc bệnh thận - tiết niệu sau sinh. Ở thể trung bình và nặng, tỷ lệ này lần lượt là 45,1% và 88,3%.
Ngoài ra, giãn bể thận ở quý II được xem như một dấu hiệu cảnh báo hội chứng Down ở trẻ nếu như chúng xuất hiện cùng các dấu hiệu bất thường khác.
Tuy nhiên, mẹ bầu không cần quá lo lắng về tình trạng sức khỏe thai nhi. Khoảng 80% thai nhi được chẩn đoán giãn bể thận ở quý II sẽ giảm dần và tự hết mà không cần can thiệp.
Lưu ý: Phân loại dựa trên sự hiện diện của đặc điểm đáng lo ngại nhất. Ví dụ, thai nhi có đường kính bể thận trước-sau (ARPRD) trong phạm vi UTD A1 nhưng có giãn đài thận ngoại vi sẽ được phân loại là UTD A2–3.
3. Nguyên nhân gây giãn bể thận ở thai nhi
Đa phần các trường hợp giãn bể thận ở thai nhi không xác định được rõ ràng nguyên nhân gây bệnh. Khi phát hiện trẻ có giãn bể thận, các bác sĩ siêu âm sẽ kiểm tra thêm để đánh giá về nguy cơ tắc nghẽn đường niệu, loạn sản thận hay các bất thường cấu trúc khác.
Một số nguyên nhân có thể gặp là:
- Giãn thận sinh lý: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Rất nhiều thai nhi xuất hiện dấu hiệu giãn bể thận thoáng qua tại thời điểm bác sĩ thực hiện siêu âm. Thai nhi có thể sẽ trở lại bình thường trong những lần siêu âm sau.
- Thận đa nang: Thận đa nang không thể phát triển bình thường và bài tiết nước tiểu. Thông thường, bệnh chỉ gặp ở 1 bên thận. Thận còn lại sẽ phát triển mạnh hơn để bù trừ nên chức năng thận tổng thể vẫn bình thường.
- Tắc nghẽn niệu quản: Tắc nghẽn niệu quản khiến nước tiểu không xuống được bàng quang, đài bể thận giãn. Hai vị trí tắc nghẽn niệu quản thường gặp là vị trí nối bể thận - niệu quản và vị trí niệu quản đổ vào bàng quang.
- Tắc nghẽn niệu đạo: Tắc niệu đạo khiến nước tiểu không bài tiết được ra ngoài, ứ lại tại bàng quang và sau đó là ứ tại thận, dẫn đến đài bể thận giãn.
- Trào ngược bàng quang - niệu quản: Đây là tình trạng nước tiểu đi ngược từ bàng quang lên niệu quản. Sự trào ngược này nếu kéo dài sẽ gây ra giãn niệu quản, bể thận. Trẻ có nguy cơ cao nhiễm khuẩn đường niệu.
4. Giãn đài bể thận có cần điều trị không?
Theo dõi trong thời kỳ bào thai
Đa phần các trường hợp giãn bể thận chỉ cần theo dõi bằng siêu âm trong thai kỳ. Sản phụ cần được siêu âm định kỳ hoặc theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tình hình phát triển chung của thai nhi và diễn biến của bệnh.
Những trường hợp giãn bể thận trung bình hoặc nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các phương pháp theo dõi, xét nghiệm hỗ trợ để tìm nguyên nhân, giúp định hướng chẩn đoán trước sinh và hướng xử trí sau sinh.
Sản phụ nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có điều kiện chẩn đoán và hội chẩn với bác sĩ sản khoa, nhi khoa để được chăm sóc, theo dõi tốt nhất.
Theo dõi sau sinh
Sau sinh, bé cần được thăm khám và siêu âm kiểm tra dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu, đánh giá mức độ giãn thận và tắc nghẽn đường tiết niệu (tốt nhất là vào ngày thứ 3 sau sinh).
Dựa vào kết quả siêu âm, các bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và hướng xử lý thích hợp. Với những trẻ có chức năng thận ổn định, giãn bể thận giảm dần hoặc biến mất, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi và không can thiệp gì.
Với những trẻ bị trào ngược bàng quang - niệu quản, trẻ có thể cần phải sử dụng kháng sinh dự phòng để phòng tránh nhiễm khuẩn tiết niệu.
Tuy nhiên, nếu trẻ có dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu rõ ràng, tình trạng giãn bể thận nặng lên, nhiễm khuẩn niệu tái đi tái lại nhiều lần, bác sĩ sẽ khám, đánh giá tình trạng chức năng thận tổng thể và chỉ định phẫu thuật (nếu cần).