125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            Dị ứng: Tất tần tật những gì bạn cần biết

            Dị ứng: Tất tần tật những gì bạn cần biết

            THAI THINH MEDIC
            24/10/2024

            Dị ứng là gì?

            di-ung-nhung-gi-can-biet-1

            Các chất gây dị ứng trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, có thể là nguyên nhân chính gây dị ứng

            Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với các chất như phấn hoa, lông thú cưng, hoặc một số loại thực phẩm. Cơ thể nhận diện những chất này là có hại, dù thực tế chúng vô hại.

            Dị ứng phổ biến đến mức nào?

            Gần 18 triệu người trưởng thành ở Mỹ mắc viêm mũi dị ứng (còn gọi là sốt cỏ khô). Ít nhất 1/3 người lớn và 1/4 trẻ em ở Mỹ bị dị ứng.

            Các bác sĩ chưa biết chính xác bao nhiêu người lớn bị chẩn đoán dị ứng lần đầu, nhưng theo Học viện Dị ứng, Hen suyễn và Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI), số ca mắc dị ứng mũi tăng đều mỗi năm.

            Dị ứng rất phổ biến và cũng là một lĩnh vực chiếm chi phí lớn. Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), dị ứng đứng thứ sáu trong số các nguyên nhân gây bệnh mạn tính và tiêu tốn hơn 18 tỷ USD mỗi năm.

            Phản ứng dị ứng

            Phản ứng dị ứng xảy ra khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Lúc này, hệ miễn dịch sẽ giải phóng histamine và các hóa chất khác vào máu, gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến da, xoang mũi hoặc hệ tiêu hóa.

            Các chất gây dị ứng thường gặp:

            • Trong không khí: lông thú cưng, mạt bụi, phấn hoa, nấm mốc
            • Thực phẩm: Đậu phộng, các loại hạt, hải sản, trứng, sữa
            • Vết đốt côn trùng: Ong, ong bắp cày
            • Thuốc
            • Cao su latex

            Triệu chứng dị ứng

            Triệu chứng dị ứng sẽ khác nhau tùy theo loại dị ứng và cách bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Cơ thể có thể hấp thụ các chất này qua:

            • Đường mũi và phổi
            • Miệng
            • Da
            • Vết đốt của côn trùng

            Dị ứng nhẹ thường biểu hiện qua các triệu chứng sau:

            • Ngứa và chảy nước mắt
            • Hắt hơi
            • Ngứa và sổ mũi
            • Mệt mỏi hoặc cảm thấy không khỏe
            • Phát ban hoặc nổi mề đay

            Dị ứng thực phẩm có thể gây:

            • Ngứa ran trong miệng
            • Sưng môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng
            • Nổi mề đay
            • Đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy
            • Sốc phản vệ

            Dị ứng do vết đốt côn trùng có thể gây:

            • Sưng, đỏ và đau tại chỗ đốt
            • Ngứa hoặc nổi mề đay
            • Tức ngực hoặc khó chịu
            • Ho
            • Sốc phản vệ

            Dị ứng nghiêm trọng có thể gây:

            • Đau bụng
            • Lo lắng, hoảng sợ
            • Tức ngực
            • Ho
            • Tiêu chảy
            • Khó thở hoặc khó nuốt
            • Chóng mặt
            • Sưng mặt, mắt hoặc lưỡi
            • Sốc phản vệ

            Nếu có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào, hãy gọi ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.

            Sốc phản vệ là gì?

            Một số phản ứng dị ứng chỉ nhẹ, nhưng có những phản ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, như sốc phản vệ – một phản ứng dị ứng toàn thân. Sốc phản vệ cần được điều trị bằng epinephrine (adrenaline) trong vài phút đầu.

            Nếu bạn có bút tiêm epinephrine tự động (EpiPen), hãy sử dụng ngay. Nếu triệu chứng không cải thiện sau 5 đến 15 phút, hãy tiêm lại. Dù tình trạng có thuyên giảm, bạn vẫn cần đến cơ sở y tế ngay sau khi dùng EpiPen.

            Dấu hiệu của sốc phản vệ:

            • Nổi mề đay và ngứa toàn thân
            • Khò khè hoặc khó thở
            • Giọng khàn hoặc nghẹn ở cổ họng
            • Sưng nề mặt, vùng mí mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
            • Cảm giác tê, ngứa ran ở tay, chân, môi hoặc da đầu

            Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào của sốc phản vệ, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

            Xét nghiệm dị ứng

            Xét nghiệm dị ứng giúp kiểm tra cách cơ thể phản ứng với các tác nhân nhất định. Nếu hệ miễn dịch phản ứng quá mức, bạn bị dị ứng và cơ thể sẽ tạo ra kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE).

            Có nhiều loại test dị ứng khác nhau. Bác sĩ sẽ chọn phương pháp phù hợp tùy vào triệu chứng của bạn và những nguyên nhân nghi ngờ.

            Test chích da hoặc cào da

            Nhân viên y tế sẽ dùng kim nhỏ chứa chất gây dị ứng để chích nhẹ vào da. Hoặc họ sẽ nhỏ vài giọt chất gây dị ứng lên da rồi cào nhẹ để chất này thấm vào. Vùng thử nghiệm thường là cẳng tay hoặc lưng. Nếu bạn dị ứng, trong vòng 15 phút, sẽ xuất hiện mẩn đỏ hoặc nốt sưng – gọi là mề đay. Bạn có thể được thử nhiều loại dị ứng cùng lúc.

            Test nội bì

            Nếu xét nghiệm chích da không đủ thông tin, bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm này. Một lượng nhỏ chất gây dị ứng sẽ được tiêm vào lớp ngoài của da, sau đó quan sát xem có mẩn đỏ hay phản ứng dị ứng nào không.

            Test áp da

            Xét nghiệm này kiểm tra viêm da tiếp xúc, tức là phản ứng khi da tiếp xúc với chất gây dị ứng. Nhân viên y tế sẽ nhỏ chất gây dị ứng lên da và dán băng keo lên chỗ đó, hoặc chất gây dị ứng có thể đã được thấm sẵn vào băng keo. Bạn cần giữ băng dán ít nhất 2 ngày. Sau đó, bác sĩ sẽ tháo băng và kiểm tra xem có phản ứng dị ứng hay không.

            Xét nghiệm máu

            Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu máu của bạn và gửi đến phòng thí nghiệm. Tại đây, các chất gây dị ứng sẽ được thêm vào mẫu máu để kiểm tra mức độ kháng thể IgE. Xét nghiệm này có thể cho kết quả dương tính giả, tức là kết quả cho thấy bạn bị dị ứng dù thực tế không phải vậy.

            Test khẳng định

            Xét nghiệm này do bác sĩ chuyên khoa dị ứng (allergist) thực hiện. Bạn sẽ được cho dùng một lượng nhỏ chất nghi ngờ gây dị ứng – có thể là thực phẩm hoặc thuốc – dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Nếu xảy ra sốc phản vệ, bạn sẽ được tiêm epinephrine ngay lập tức để ngăn phản ứng.

            Trước khi làm xét nghiệm, bạn cần ngừng thuốc dị ứng từ 3 đến 7 ngày, vì những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.

            Dị ứng và chế độ ăn uống

            Hiện chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn dị ứng, kể cả dị ứng liên quan đến thực phẩm. Tuy nhiên, chế độ ăn uống có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Dưới đây là một số thực phẩm đang được nghiên cứu để xem liệu chúng có thể hỗ trợ giảm dị ứng không.

            Chất béo tốt

            Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu liệu axit béo không bão hòa đa như omega-3 có thể giúp ngăn ngừa dị ứng ở trẻ em không. Các loại thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt lanh, hạt chia và óc chó có tác dụng giảm viêm. Người ta cho rằng ăn các thực phẩm này có thể giảm nguy cơ mắc hen suyễn và dị ứng ở trẻ.

            Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho thấy, trẻ em có nồng độ axit béo cao trong máu ở tuổi 8 ít có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng khi lên 16 tuổi. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ liệu điều này là do axit béo trong chế độ ăn hay do yếu tố khác.

            Chế độ ăn Địa Trung Hải

            Một nghiên cứu lớn tại đảo Crete (Hy Lạp) cho thấy, những trẻ ăn theo chế độ Địa Trung Hải, bao gồm nhiều trái cây, rau củ, bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, ít có nguy cơ mắc viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô) hơn.

            Các bước giúp bạn kiểm soát dị ứng

            • Tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng nếu có thể.
            • Dùng thuốc trị dị ứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
            • Cân nhắc tiêm ngừa dị ứng (liệu pháp miễn dịch) để giảm phản ứng của hệ miễn dịch. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn cần tiêm đều đặn trong 3 đến 5 năm. Dù chi phí có thể cao, nhưng đây là phương pháp tốt nhất để giảm dị ứng lâu dài. Hiệu quả có thể duy trì ngay cả sau khi ngừng tiêm.

            Nguồn:  https://www.webmd.com/allergies/allergy-basics 

            Share