125 Thái Thịnh
Chuyên khoa
    Dịch vụ
      Bác sĩ
        Tin tức
          Hỏi đáp chuyên gia
            11 Cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất ngay tại nhà

            11 Cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất ngay tại nhà

            THAI THINH MEDIC
            06/12/2024

            Chỉ một vài thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống và lối sống, các bà bầu sẽ nhanh chóng giảm tình trạng đầy hơi. Theo dõi ngay bài viết sau đây để biết 11 cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất ngay tại nhà được chuyên gia khuyến cáo nhé!

            1. Nguyên nhân khiến bà bầu bị đầy hơi

            Đầy hơi là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ, gây cảm giác khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bà bầu. Nguyên nhân gây ra tình trạng này rất đa dạng, từ sự thay đổi nội tiết tố cho đến những thay đổi trong cơ thể trong suốt thai kỳ.

            Sự thay đổi hormon

            Trong suốt thai kỳ, cơ thể bà bầu sản xuất một lượng lớn hormone progesterone. Hormone này có tác dụng giãn cơ, bao gồm cả cơ trơn trong hệ tiêu hóa. Điều này khiến cho quá trình tiêu hóa trở nên chậm hơn, thức ăn nằm lại lâu trong dạ dày và ruột, tạo điều kiện cho khí tích tụ, gây đầy hơi.

            Ngoài progesterone, hormone relaxin cũng gia tăng trong cơ thể bà bầu, giúp làm mềm các khớp và dây chằng để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Tuy nhiên, relaxin cũng có tác động làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến mẹ bầu dễ bị đầy hơi hơn.

            Áp lực từ tử cung

            Khi thai nhi lớn dần, tử cung sẽ mở rộng và chèn ép lên các cơ quan nội tạng trong bụng, bao gồm cả dạ dày và ruột. Sự chèn ép này làm cản trở quá trình tiêu hóa và khiến khí tích tụ trong đường tiêu hóa, dẫn đến đầy bụng.

            Chuyển hóa chậm

            Trong quá trình mang thai, cơ thể mẹ bầu thay đổi để nuôi dưỡng thai nhi, dẫn đến sự điều chỉnh trong hoạt động của các cơ quan tiêu hóa. Điều này có thể khiến hệ tiêu hóa làm việc chậm lại, làm tăng khả năng bị đầy hơi và khó tiêu.

            Chế độ ăn uống

            Các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như đậu, bắp cải, bông cải xanh, súp lơ hay đồ uống có ga có thể tạo khí trong ruột, gây đầy bụng. Thói quen ăn uống như ăn quá nhiều thực phẩm chiên, đồ uống có ga, hoặc các loại sản phẩm từ sữa cũng có thể làm gia tăng tình trạng đầy hơi. Những thay đổi này có thể gây khó khăn cho việc tiêu hóa và khiến bà bầu cảm thấy bụng căng tức.

            Ngoài ra, việc ăn quá nhanh hoặc nhai không kỹ cũng khiến bà bầu nuốt nhiều không khí, điều này góp phần vào sự tích tụ khí và gây ra tình trạng đầy hơi.

            Táo bón

            Táo bón là một vấn đề phổ biến trong thai kỳ. Khi thức ăn ứ đọng quá lâu trong ruột, vi khuẩn trong ruột sẽ lên men và tạo ra khí, dẫn đến đầy bụng. Táo bón cũng làm cho mẹ bầu cảm thấy khó chịu và bức bách hơn với tình trạng đầy hơi.

            Tăng cân nhanh

            Nhu cầu dinh dưỡng trong suốt thai kỳ khiến mẹ bầu dễ đói và ăn nhiều hơn, dẫn đến tăng cân nhanh. Việc này có thể làm tăng áp lực lên dạ dày và ruột, khiến quá trình tiêu hóa bị chậm lại và dễ gây đầy hơi.

            cach-chua-day-hoi-cho-ba-bau-nhanh-nhat-2

            Đầy hơi trong thai kỳ gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

            2. Cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất

            Tình trạng đầy hơi có thể cải thiện đơn giản thông qua việc thay đổi lối sống và sử dụng một số mẹo dân gian. Sau đây là 11 cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất được chuyên gia khuyến cáo:

            2.1. Tránh các loại thực phẩm có khả năng gây đầy hơi

            Cách đầu tiên để cải thiện tình trạng đầy hơi cho bà bầu là tránh các loại thực phẩm có khả năng gây đầy hơi. Bà bầu nên hạn chế tiêu thụ rau củ kích thích sinh khí như đậu, bắp cải và các thực phẩm khó tiêu như thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng và đồ uống có gas. Những thực phẩm này gây ra sự ứ đọng khí trong ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa.

            Ngoài ra, bà bầu nên lựa chọn các thực phẩm dễ tiêu hóa như chuối, khoai lang, hoặc các loại rau xanh nhẹ nhàng. Đồng thời, bà bầu hãy cố gắng giảm lượng sữa tươi trong chế độ ăn, đặc biệt khi cảm thấy khó tiêu hoặc có dấu hiệu bị đầy hơi sau khi uống sữa.

            2.2. Tập thể dục nhẹ nhàng

            Tập thể dục đều đặn sẽ giúp bà bầu kích thích nhu động ruột, giúp đẩy khí và thức ăn qua hệ tiêu hóa một cách hiệu quả. Không chỉ vậy, vận động thường xuyên còn giúp bà bầu cải thiện tuần hoàn máu, giảm cảm giác nặng bụng và giảm căng thẳng, stress - một trong những nguyên nhân có thể gây tình trạng đầy hơi.

            Bà bầu hãy duy trì thói quen đi bộ mỗi ngày sau các bữa ăn để giúp khí trong dạ dày được đẩy ra ngoài và giảm cảm giác đầy bụng. Bên cạnh đó, nên thực hiện các bài tập yoga hoặc bơi lội để cải thiện sự linh hoạt của cơ thể và kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, từ đó giảm tình trạng đầy hơi.

            cach-chua-day-hoi-cho-ba-bau-nhanh-nhat-3

            Tập thể dục nhẹ nhàng để hạn chế đầy hơi cho bà bầu

            2.3. Hạn chế nằm ngay sau khi ăn uống

            Nằm ngay sau khi ăn có thể khiến thức ăn nằm lại lâu trong dạ dày, dễ dẫn đến đầy hơi, ợ hơi và trào ngược dạ dày. Vì vậy, sau khi ăn tốt nhất bà bầu nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi thẳng lưng ít nhất 20 - 30 phút rồi mới nằm để tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, bà bầu có thể thư giãn bằng cách ngồi trên ghế tựa hoặc dùng gối kê để giúp duy trì tư thế thoải mái mà không làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa.

            2.4. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

            Thay vì ăn ba bữa chính với lượng thức ăn lớn mỗi bữa, bà bầu nên chia nhỏ thành 4 - 5 bữa trong ngày để giảm bớt áp lực lên dạ dày, giúp thức ăn được tiêu hóa đều đặn, hạn chế tình trạng tích tụ khí trong ruột, từ đó giảm đầy hơi. Việc này còn giúp bà bầu được cung cấp nguồn năng lượng ổn định suốt cả ngày.

            Ngoài ra, bà bầu nên hãy ăn chậm và nhai kỹ trong mỗi bữa ăn để giúp thức ăn được nghiền nhỏ và dễ tiêu hóa hơn.

            2.5. Ngồi ăn đúng tư thế

            Ngồi ăn đúng tư thế cũng là một trong những cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất bởi tư thế ngồi đúng có thể giảm áp lực lên dạ dày và ruột, từ đó giúp giảm đầy hơi. Bà bầu nên ngồi  thẳng lưng khi ăn, tránh cúi/cong người quá sâu hoặc ngồi vắt chân một bên để dạ dày có đủ không gian hoạt động.

            Ngoài ra, bà bầu cần đặt ai chân chạm đất và đảm bảo bàn ăn ở mức vừa tầm để có thể ngồi thoải mái mà không làm căng cơ thể.

            2.6. Giữ tinh thần thoải mái

            Các biện pháp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng không chỉ giúp bà bầu bớt khó chịu hơn mà còn hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và giảm đầy hơi. Bà bầu hãy dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như nghe nhạc, đọc sách hoặc tham gia các lớp thiền để giảm căng thẳng. Ngoài ra, bà bầu cũng có thể tập thở sâu hoặc một số động tác yoga thư giãn để cải thiện tâm trạng.

            cach-chua-day-hoi-cho-ba-bau-nhanh-nhat-4

            Bà bầu nên giữ tinh thần thoải mái

            2.7. Uống trà gừng

            Gừng không chỉ là gia vị phổ biến mà còn là loại thảo dược thiên nhiên có tác dụng làm ấm dạ dày, giảm tiết axit dạ dày, từ đó giúp cải thiện tình trạng đầy hơi cho bà bầu hiệu quả. Trà gừng còn có tác dụng giảm buồn nôn và hỗ trợ hệ tuần hoàn, giúp bà bầu cảm thấy dễ chịu hơn trong suốt thai kỳ.

            Bà bầu có thể cắt 2-3 lát gừng tươi, đun sôi với 250ml nước trong khoảng 5-10 phút để pha trà. Bà bầu có thể uống 1-2 tách trà gừng mỗi ngày, nhưng không nên uống quá nhiều để tránh gây nhiệt miệng hoặc nóng trong người và có thể kết hợp thêm một chút mật ong để tăng cường tác dụng làm dịu dạ dày.

            2.8. Sử dụng men tiêu hóa, Probiotic

            Men tiêu hóa và probiotics giúp duy trì sự cân bằng vi khuẩn trong đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa hiệu quả hơn. Nhờ vậy, bổ sung thêm men tiêu hóa và probiotics có thể giúp bà bầu giảm bớt tình trạng đầy hơi hiệu quả.

            Bà bầu có thể ăn sữa chua mỗi ngày, bổ sung các thực phẩm hoặc đồ uống chứa probiotic hoặc men vi sinh trên thị trường. Tuy nhiên, bà bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

            2.9. Uống nước chanh mật ong ấm

            Nước chanh mật ong ấm giúp kích thích tiêu hóa, giảm đầy hơi và làm dịu dạ dày cực kỳ hiệu quả. Không chỉ vậy, nước chanh còn giàu vitamin C hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, tính acid giúp làm sạch ruột, loại bỏ độc tố, giúp giảm cảm giác nặng bụng và khó chịu cho bà bầu.

            Bà bầu hãy vắt nước của ½ quả chanh vào 250ml nước ấm, thêm một thìa mật ong và khuấy đều để uống vào buổi sáng sau khi thức dậy hoặc sau các bữa ăn.

            2.10. Uống trà bạc hà

            Dược liệu bạc hà chứa tinh dầu Menthol có tác dụng làm thư giãn cơ trơn tiêu hóa, ngăn ngừa khí tích tụ trong ruột nên hỗ trợ giảm đầy hơi và chướng bụng rất tốt. Trà bạc hà cũng có thể dùng để giảm mệt mỏi và thư giãn trong suốt thai kỳ. Bà bầu hãy dùng vài lá bạc hà tươi, ngâm trong nước sôi khoảng 5-7 phút để pha trà và uống 1 - 2 lần/tuần. Tuy nhiên những bà bầu bị trào ngược dạ dày - thực quản nên hạn chế thức uống này.

            cach-chua-day-hoi-cho-ba-bau-nhanh-nhat-5

            Uống trà bạc hà tốt cho tiêu hóa của bà bầu

            2.11. Uống đủ nước

            Tuy đơn giản nhưng uống nước cũng là cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất và vô cùng dễ thực hiện. Uống đủ nước giúp cơ thể duy trì sự cân bằng chất lỏng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và giảm cảm giác đầy hơi. Đồng thời, cách này còn giúp làm mềm thức ăn trong dạ dày, giúp tiêu hóa dễ dàng hơn và ngăn ngừa táo bón cho bà bầu.

            Bà bầu nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày và uống nước thường xuyên giữa các bữa ăn để tránh làm loãng dịch tiêu hóa và giảm cảm giác đầy bụng. Bà bầu nên uống nước ấm, tránh nước quá lạnh hoặc nước trái cây có đường, vì chúng có thể làm tăng kích thích dạ dày và gây đầy hơi.

            3. Lưu ý để phòng tránh đầy hơi trong thai kỳ

            Để phòng tránh đầy hơi, bà bầu hãy thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Những thói quen này không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt mà còn cải thiện sức khỏe tổng thể của mẹ bầu và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

            Bên cạnh đó, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc giảm đau hay thuốc hỗ trợ tiêu hóa, bà bầu hãy tham khảo ý kiếm bác sĩ để được tư vấn sản phẩm và cách sử dụng phù hợp nhất.

            Nếu tình trạng đầy hơi, khó tiêu hoặc chướng bụng kéo dài và không thuyên giảm mặc dù đã áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà, bà bầu nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa. Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân cụ thể và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

            cach-chua-day-hoi-cho-ba-bau-nhanh-nhat-6

            Lưu ý để phòng tránh đầy hơi trong thai kỳ

            Tình trạng bà bầu bị đầy hơi rất phổ biến nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được với những phương pháp đơn giản và an toàn. Hy vọng rằng các cách chữa đầy hơi cho bà bầu nhanh nhất được chia sẻ trong bài viết sẽ giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn và trải qua thai kỳ khỏe mạnh.
             

            Share