Khi mang thai, bạn cần gấp đôi lượng sắt so bình thường vì cơ thể cần sử dụng sắt để tạo thêm máu vì cơ thể cần sử dụng sắt để tạo nhiều máu hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra khoảng 50% phụ nữ mang thai không bổ sung đủ khoáng chất quan trọng này. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai nên ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt và uống bổ sung sắt trong chế độ dinh dưỡng.
Lợi ích của sắt là gì?
Trong thai kỳ, sắt được sử dụng để tạo máu (hemoglobin) cho cả bạn và em bé của bạn. Sắt cũng giúp di chuyển oxy từ phổi của bạn đến các cơ quan trong cơ thể và cả thai nhi. Cung cấp đủ chất sắt có thể ngăn ngừa tình trạng thiếu máu (ít tế bào hồng cầu) trong thai kỳ. Thiếu máu do thiếu sắt có thể khiến bạn cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu, chuột rút, kém tập trung, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và công việc.
Bên cạnh đó, thiếu máu gây nên nhiều tác động xấu cho thai kỳ, bao gồm:
- Nguy cơ cho thai: thai nhỏ, sinh non, các vấn đề về bánh nhau, giảm dự trữ sắt ở trẻ sơ sinh…
- Nguy cơ cho mẹ: không đủ dự trữ máu cho quá trình sinh, cần truyền máu nếu mất máu nhiều, suy tim, kéo dài thời gian nằm viện, giảm tạo sữa sau sinh…

Sắt đóng một vai trò quan trọng trong thai kỳ và có nhiều lợi ích đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi
Khi nào mẹ bầu nên bổ sung sắt và bổ sung bao nhiêu?
Trong trường hợp bình thường, không có thiếu máu do thiếu sắt, bạn sẽ cần ít nhất 27 mg sắt nguyên tố mỗi ngày trong thai kỳ. Khi bạn cho con bú, hãy bổ sung ít nhất 10 mg sắt mỗi ngày. Theo CDC, bạn nên bắt đầu bổ sung sắt liều thấp (30 mg nguyên tố mỗi ngày) bắt đầu từ khi bạn biết mình có thai. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn lượng sắt này trong viên vitamin trước sinh.
Tương đương với 30mg sắt nguyên tố là 150mg sắt sulfate heptahydrate, 90mg sắt fumarate hoặc 250mg sắt gluconate. Đây là các dạng sắt tổng hợp có trong các chế phẩm vitamin bổ sung sắt.
Thực phẩm nào có nhiều sắt?
Bạn có thể tìm thấy sắt trong thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm có nguồn gốc thực vật cũng như trong các thực phẩm bổ sung sắt. Có hai loại sắt trong thực phẩm:
- Sắt heme: là loại mà cơ thể hấp thu tốt nhất. Bạn nhận được sắt heme trong thịt bò, thịt gà, gà tây và thịt lợn.
- Sắt nonheme: là một loại sắt khác. Bạn có thể tìm thấy trong đậu, rau bina, đậu phụ và ngũ cốc ăn liền có bổ sung thêm sắt.
- Gan động vật là thực phẩm chứa nhiều sắt nhưng không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai do có hàm lượng vitamin A cao. Hấp thu quá nhiều vitamin A có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi đặc biệt là ở 3 tháng đầu thai kỳ.

Có rất nhiều thực phẩm giàu sắt mà bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn trong thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, việc hấp thu đủ sắt từ thực phẩm có thể khó khăn do nhu cầu sắt mỗi ngày tăng gấp đôi bình thường. Đặc biệt, nếu bạn là người ăn chay hoặc thuần chay, bạn không ăn các loại thịt giàu chất sắt, bạn sẽ khó bổ sung đủ sắt cho thai kỳ chỉ bằng thực phẩm. Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn ăn chay để bác sĩ theo dõi nồng độ sắt và hemoglobin của bạn và chỉ định thêm các vitamin, khoáng chất dạng uống nếu cần.
Những lưu ý khi dùng các thực phẩm giàu sắt
Để lượng sắt trong thức ăn được hấp thu hiệu quả hơn, bạn nên ăn thực phẩm có nhiều chất sắt kèm với thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, chẳng hạn như cà chua, cam. Vitamin C giúp cơ thể bạn hấp thụ sắt nonheme tốt hơn.
Mặt khác, có một số đồ uống và thực phẩm ngăn cơ thể hấp thụ sắt như: cà phê, trà, ngũ cốc nguyên hạt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Cố gắng không ăn những thực phẩm này trong cùng một bữa ăn khi bạn đang ăn thực phẩm giàu chất sắt. Ví dụ, thay vì uống cà phê hoặc trà trong bữa ăn, bạn hãy uống một ly nước cam.
Kiểm tra cơ thể thiếu sắt hay không bằng cách nào?
Uống bổ sung sắt giúp đảm bảo cho cơ thể nhận đủ sắt mỗi ngày. Đa phần, bạn sẽ nhận được đủ sắt trong viên vitamin bổ sung trước khi sinh. Xét nghiệm công thức máu sẽ giúp bạn kiểm tra tình trạng thiếu máu. Nếu bạn bị thiếu máu thiếu sắt, bạn sẽ cần phải uống bổ sung thêm sắt hàm lượng cao. Nếu bạn là người ăn chay, bác sĩ sẽ kiểm tra mức độ sắt của bạn thường xuyên hơn tùy thuộc vào kết quả xét nghiệt.
Chẩn đoán thiếu máu do thiếu sắt khi nồng độ Ferritin huyết thanh thấp hơn 30 mcrg/L và nồng độ Henoglobin (Hb) trong máu <11g/dL trong tam cá nguyệt 1 và 3, <10,5 g/dL trong tam cá nguyệt 2 và <10g/dL trong giai đoạn hậu sản.
Uống bổ sung sắt liều cao là phương pháp đầu tiên được sử dụng để điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Trong trường hợp thiếu máu do thiếu sắt trong thai kỳ mức độ nặng (Hb < 9 g/dL) bạn có thể cần phải được điều trị bằng phương pháp truyền tĩnh mạch bổ sung sắt.
Tác dụng phụ của việc bổ sung sắt là gì?
Bạn cần ít nhất 27 mg sắt, nhưng không nên nạp quá 45 mg mỗi ngày trong khi mang thai hoặc khi cho con bú. Bạn cần đảm bảo bổ sung sắt đúng như khuyến cáo của bác sĩ.
Uống bổ sung sắt có thể gây buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy. Đa số trường hợp, cơ thể bạn sẽ tự điều chỉnh để thích ứng với việc uống bổ sung sắt trong vòng vài ngày. Uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp giảm táo bón. Nhưng nếu bạn vẫn có tác dụng phụ, hãy thử uống bổ sung sắt cùng lúc với thức ăn hoặc chia nhỏ liều lượng thành hai lần mỗi ngày.
Biên tập - Chia sẻ