Áp xe răng là gì?
Áp xe răng là tình trạng nhiễm trùng, tích tụ mủ ở vùng chân răng hoặc xung quanh, gây ra bởi vi khuẩn xâm nhập. Bất kỳ ai, từ trẻ em đến người lớn tuổi, đều có thể bị tình trạng này.
Áp xe răng không tự khỏi. Bạn cần được điều trị bởi nha sĩ hoặc bác sĩ chuyên về nội nha, là người có thể giúp cứu chữa răng của bạn. Viêm nhiễm không được điều trị có thể lan rộng và gây ra các bệnh lý toàn thân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Các loại áp xe răng
Khám và làm sạch răng định kỳ có thể giúp bạn tránh được các tình trạng dẫn đến áp xe răng
Áp xe răng được chia thành các loại dựa trên nguồn gốc gây bệnh:
- Áp xe quanh chóp răng (periapical abscess): Loại áp xe này hình thành khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng ở chân răng. Vi khuẩn từ túi mủ có thể xâm nhập sâu vào các mô, gây ra viêm nhiễm lan rộng và gây đau đớn.
- Áp xe nướu (gum abscess) hay áp xe nha chu ( periodontal abscess): Nốt mụn trên nướu có thể là dấu hiệu của một loại áp xe bắt đầu từ nướu.
Nguyên nhân gây áp xe răng
Răng của bạn cứng bên ngoài, nhưng bên trong chứa tủy răng, gồm dây thần kinh, mô liên kết và mạch máu. Đôi khi, tủy răng bị nhiễm trùng. Nguyên nhân thường là do:
- Sâu răng nghiêm trọng
- Bệnh nướu, còn gọi là bệnh nha chu
- Răng bị nứt (Răng bị chấn thương hoặc tai nạn, bị sứt mẻ, men răng vỡ, làm lộ rõ tủy bên trong).
Nếu không điều trị nhiễm trùng, tủy răng có thể bị hủy hoại và dẫn đến áp xe.
Bạn có thể bị nhiều áp xe cùng lúc. Một áp xe có thể lan qua xương và xuất hiện ở nhiều vị trí, nhưng tất cả đều liên quan đến một chiếc răng.
Yếu tố nguy cơ gây áp xe răng
Một số thói quen không tốt có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng áp xe răng:
- Không chăm sóc răng miệng định kỳ. Việc bỏ qua việc khám răng định kỳ và làm sạch răng sẽ khiến cao răng và mảng bám tích tụ, gây viêm nhiễm nướu.
- Thói quen vệ sinh răng miệng kém. Nếu bạn không đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày và không dùng chỉ nha khoa, bạn sẽ dễ gặp phải các vấn đề như sâu răng và bệnh nướu răng.
- Việc tiêu thụ quá nhiều đường, đặc biệt là từ đồ ngọt và nước uống có đường, là nguyên nhân chính gây sâu răng.
- Khô miệng. Việc dùng một số loại thuốc hoặc quá trình lão hóa có thể gây khô miệng, từ đó làm tăng nguy cơ sâu răng.
- Mắc bệnh nền, làm suy giảm miễn dịch như: HIV, AIDS, tiểu đường, cao huyết áp… cũng là nguyên nhân khiến vi khuẩn tấn công, gây nhiễm trùng và dẫn đến áp xe răng.
Các giai đoạn của áp xe răng
Áp xe răng bắt đầu khi men răng, lớp bảo vệ bên ngoài của răng bị tổn thương. Tủy răng trở nên dễ bị tổn thương khi vi khuẩn xâm nhập qua lớp bảo vệ.
Nhiễm trùng cục bộ sẽ hình thành. Nhiễm trùng ban đầu có thể trở thành một vấn đề toàn thân nếu không được điều trị kịp thời.
Triệu chứng của áp xe răng
Trong một số trường hợp, khu vực xung quanh răng có thể bị đau, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Cơn đau thường nhói buốt, âm ỉ và tăng lên khi ấn vào răng. Cơn đau có thể lan đến hàm hoặc các phần khác của khuôn mặt ở bên bị ảnh hưởng.
Ngoài những triệu chứng đã kể, bạn còn có thể nhận thấy:
- Nướu đỏ, sưng nề, phồng to
- Vị đắng trong miệng
- Hạch bạch huyết sưng
- Răng đau nhói khi ăn uống đồ nóng lạnh
- Răng đổi màu: răng bị áp xe có thể có màu tối hơn so với răng xung quanh. Mô tủy hoại tử thấm vào lớp răng xốp gây ra sự đổi màu này.
- Miệng có mùi hôi, đặc biệt là mùi tanh của mủ
- Vùng chân răng xuất hiện những túi mủ, hạt mụn, khi chạm vào có cảm giác đau và chảy mủ.
- Có dòng dịch chảy vào miệng có vị mặn, khó chịu hoặc có mùi hôi, sau đó cơn đau giảm bớt. Việc mủ chảy ra là bằng chứng rõ ràng cho thấy áp xe đã vỡ.
- Cảm giác răng bị lỏng lẻo
Đôi khi, áp xe tạo ra một cục u nhỏ giống như mụn trên nướu. Nếu bạn ấn vào và có dịch chảy ra, rất có thể bạn đã bị áp xe răng, và dịch đó là mủ.
Triệu chứng nhiễm trùng răng lan ra cơ thể
Nếu không được điều trị kịp thời, cơ thể có thể xuất hiện thêm những dấu hiệu liên quan đến nhiễm trùng như:
- Sốt
- Sưng ở mặt, cổ hoặc hàm
- Khó thở
Nếu bạn bị sưng mặt kèm theo sốt, hoặc gặp khó khăn khi thở hay nuốt, hãy đến khám tại các cơ sở y tế uy tín ngay.
Chẩn đoán áp xe răng như thế nào?
Áp xe răng sẽ không tự khỏi. Hãy đi khám nha sĩ ngay khi có những dấu hiệu của áp xe. Điều quan trọng là phải điều trị kịp thời vì nhiễm trùng có thể lan sang hàm hoặc các bộ phận khác của đầu và cổ. Điều này đặc biệt quan trọng nếu sức đề kháng của bạn kém, ví dụ như khi mắc bệnh AIDS hoặc đang điều trị các bệnh như ung thư hoặc cấy ghép nội tạng.
Để xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của áp xe, nha sĩ sẽ tiến hành:
- Khai thác tiền sử, bệnh sử
- Khám lâm sàng vùng răng
- Chụp X-quang. Việc này giúp nha sĩ biết bạn có bị áp xe hay không và liệu nhiễm trùng có lan sang các vùng khác trong miệng hay không.
- Chụp CT giúp nha sĩ hình dung rõ hơn về tình trạng nhiễm trùng và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Điều trị áp xe răng
Mục tiêu là loại bỏ nhiễm trùng. Để thực hiện quá trình này, bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt sẽ áp dụng các kỹ thuật như:
- Thuốc kháng sinh. Nếu nhiễm trùng đã lan ra ngoài khu vực áp xe đến hàm hoặc các bộ phận khác của cơ thể, bạn có thể sẽ cần dùng kháng sinh. Tuy nhiên, kháng sinh chỉ là một phần trong quá trình điều trị và không thể loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây áp xe.
- Loại bỏ túi mủ áp xe dưới chân răng, rạch ổ áp xe, dẫn lưu áp xe nha chu
- Điều trị tủy răng. Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị áp xe và là cách tốt nhất để giữ lại răng của bạn. Nha sĩ sẽ thực hiện thủ thuật khoan một lỗ nhỏ trên răng để tiếp cận và loại bỏ hoàn toàn phần tủy răng bên trong, bao gồm cả những ống tủy chạy dài xuống tận vùng nướu. Sau đó, họ sẽ trám và niêm phong các khoảng trống. Sau khi điều trị, răng của bạn sẽ được phục hồi bằng cách trám hoặc bọc răng sứ để bảo vệ và duy trì chức năng. Chiếc răng sau khi phục hồi sẽ khôi phục hoàn toàn chức năng và thẩm mỹ như răng thật.
- Nhổ răng. Nếu bác sĩ nội nha không thể cứu răng, răng sẽ phải được nhổ bỏ.
Làm sao để loại bỏ áp xe răng mà không cần đến nha sĩ
Bạn cần phải đến khám nha sĩ ngay khi phát hiện mình có dấu hiệu bị áp xe răng. Cơn đau của bạn có thể giảm bớt, nhưng điều đó không có nghĩa là áp xe răng đã khỏi. Có hai khả năng giải thích cho hiện tượng này: một là túi áp xe đã tự vỡ, hai là tủy răng đã chết, khiến các dây thần kinh không còn khả năng truyền tải cảm giác đau đớn. Áp xe sẽ không tự khỏi và bạn không thể chữa trị nó bằng các biện pháp tại nhà. Nếu không điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ không tự khỏi mà còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Việc tránh đi khám nha sĩ có thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.
Áp xe có tự khỏi khi dùng kháng sinh không?
Việc sử dụng kháng sinh có thể hỗ trợ hệ miễn dịch của bạn đối phó với tình trạng nhiễm trùng, tuy nhiên, đơn thuần dựa vào thuốc sẽ không đủ để điều trị triệt để vấn đề áp xe răng. Nguồn gốc của nhiễm trùng là chiếc răng, và nó cần phải được điều trị.
Biến chứng của áp xe răng
Nếu không được điều trị, áp xe răng có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nhiễm trùng có khả năng lan rộng ra các vùng khác ở cổ và đầu, gây ra viêm mô lan tỏa hoặc áp xe ngoài mặt.
Trường hợp răng bị áp xe nằm ở vị trí gần kề xoang, có khả năng hình thành một đường thông giữa phần răng và khoang xoang. Khi điều này xảy ra, nhiễm trùng có thể lan vào xoang, là các khoang rỗng trong khuôn mặt, nằm sau má và dưới mắt, dẫn đến nhiễm trùng xoang hàm.
Ngoài ra, vi khuẩn ở ổ áp xe răng có thể theo máu, đến tim, gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Đây gọi là nhiễm trùng huyết, và nó có thể gây tử vong.
Có thể ngăn ngừa áp xe răng không?
Chỉ cần thực hiện những bước đơn giản dưới đây, bạn có thể giữ cho răng và nướu luôn khỏe mạnh:
- Đi khám răng và làm sạch răng định kỳ.
- Đánh răng đều đặn hai lần mỗi ngày, mỗi lần trong 2 phút.
- Hãy dùng chỉ nha khoa hàng ngày để loại bỏ mảng bám ở những kẽ răng.
- Đặt lịch hẹn với nha sĩ ngay khi bạn có răng lung lay hoặc nứt.
- Hạn chế tiêu thụ đồ ngọt và nước ngọt có gas. Đồ ngọt và nước có ga gây sâu răng, có thể dẫn đến áp xe.
- Giảm ăn vặt giữa các bữa ăn.
Điểm cần lưu ý
Áp xe răng là một ổ nhiễm trùng chứa mủ hình thành ở chân răng hoặc xung quanh răng. Bạn có thể bị đau, sưng nướu, và răng nhạy cảm với nóng, lạnh hoặc áp lực. Bạn cũng có thể thấy một nốt giống như mụn trên nướu. Áp xe là vấn đề nghiêm trọng và cần được nha sĩ điều trị ngay lập tức.
Câu hỏi thường gặp
Dấu hiệu nhận biết răng bị áp xe là gì?
Dấu hiệu chính là cơn đau. Nó có thể nhói hoặc buốt. Răng của bạn có thể bị kích ứng bởi sự thay đổi nhiệt độ. Nướu răng đau nhức và sưng tấy có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị áp xe răng.
Làm sao để loại bỏ áp xe răng?
Bạn cần đến nha sĩ ngay lập tức để dẫn lưu áp xe và xem xét khả năng cứu chữa chiếc răng. Mặc dù thuốc kháng sinh giúp giảm viêm nhiễm, nhưng chiếc răng bị áp xe vẫn cần được điều trị nha khoa.
Tôi có thể điều trị áp xe răng tại nhà không?
Bạn không thể tự điều trị áp xe răng tại nhà. Tuy nhiên để giảm đau tạm thời cho đến khi đi khám, hãy thử những cách sau:
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn. Việc sử dụng thuốc giảm đau đúng cách sẽ giúp bạn giảm đau hiệu quả và an toàn.
- Cần hạn chế tối đa việc uống đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh để tránh kích thích răng.
- Ăn thức ăn mềm và nhai ở phía bên kia của miệng.
- Chọn bàn chải lông mềm để chải răng nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương nướu.
- Súc miệng bằng nước ấm.
- Hỏi bác sĩ xem thuốc giảm đau răng có chứa benzocaine có an toàn để sử dụng để giảm đau do áp xe không.
Áp xe răng có được xem là tình trạng khẩn cấp không?
Áp xe răng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Nếu bạn nghi ngờ mình bị áp xe, đặc biệt là khi kèm theo sốt, sưng mặt, cổ hoặc hàm, hãy đến nha sĩ hoặc phòng cấp cứu ngay để được khám và điều trị. Nếu bạn khó thở, hãy gọi cấp cứu để được trợ giúp khẩn cấp.