Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, ung thư tuyến giáp là một trong những dạng ung thư dễ chữa trị thành công nhất, cơ hội sống trên 5 năm cho các bệnh nhân là gần 100%. Vậy ung thư tuyến giáp là gì? Nguyên nhân gây bệnh và dấu hiệu của bệnh là gì? Hãy cùng Phòng khám 125 Thái Thịnh tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Ung thư tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở trước cổ, có chức năng sản xuất hormone (nội tiết tố) tuyến giáp. Những chất nội tiết này điều hòa thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim và chuyển hóa, giúp cơ thể chúng ta hoạt động một cách bình thường.
Ung thư biểu mô tuyến giáp (UTTG) là bệnh ác tính thường gặp nhất với tỷ lệ hơn 90% trong số các ung thư tuyến nội tiết. Tại Việt Nam, UTTG đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100,000 dân, ở nam giới là 1,8/100,000 dân.
2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư giáp
Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định rõ ràng. Tuy vậy, có một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp.
Một số đối tượng có nguy cơ mắc ung thư giáp cao là:
- Người được điều trị tia xạ lúc bé, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ nghi ngờ ung thư.
- Nếu trong gia đình có người bị ung thư tuyến giáp, hoặc một số hội chứng có liên quan, nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
- Bệnh nhân sống gần biển, nơi có đủ Iod trong thực phẩm, khi có u đơn nhân giáp trạng dễ bị ung thư hơn so với những nơi thiếu Iod.
- Bệnh nhân có u đơn nhân hoặc đa nhân giáp trạng.
3. Dấu hiệu nhận biết ung thư giáp
Đa phần ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng. Bệnh thường được phát hiện khi đi khám sức khỏe, được làm siêu âm vùng cổ. Trường hợp nhân tuyến giáp kích thước lớn hơn, bạn có thể tự phát hiện một số dấu hiệu sau:
- Tự nhìn thấy hoặc tự sờ thấy u vùng cổ, phía trước, dưới yết hầu. U có đặc điểm cứng, bờ rõ, bề mặt có thể nhẵn hay gồ ghề, di động theo nhịp nuốt.
- Sờ thấy hạch vùng cổ. Hạch thường nhỏ, mềm, di động và cùng bên với khối u.
Trường hợp giai đoạn muộn hơn sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
- Khối u to, rắn, cố định trước cổ.
- Khàn tiếng: khi nhân tuyến giáp phát triển có thể gây xâm lấn các dây thần kinh chi phối dây thanh âm, hoặc ảnh hưởng trực tiếp tới thanh quản gây khàn giọng.
- Khó thở, nuốt vướng do u chèn ép vào thực quản, khí quản.
- Có thể đau tức vùng cổ trước.
4. Ung thư tuyến giáp có chữa khỏi được không?
Bệnh ung thư tuyến giáp là bệnh lý có tiên lượng khá tốt so với các loại ung thư khác. Bệnh có thể chữa khỏi và hạn chế tái phát nếu được phát hiện và điều trị từ giai đoạn sớm:
- Điều trị từ giai đoạn I và II: khối u còn nằm ở tuyến giáp, chưa di căn ra các vị trí khác của cơ thể thì khả năng sống sau 5 năm là gần 100%, tỷ lệ sống trên 10 năm là trên 75%.
- Điều trị ở giai đoạn III: khối u lớn hơn 4cm, đã phát triển ra bên ngoài tuyến giáp và có thể lan tới các hạch bạch huyết ở vùng cổ, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 80%.
- Điều trị ở giai đoạn IV: khối u đã vượt ra khỏi tuyến giáp và có thể đã di căn xa sang các cơ quan khác, tỷ lệ sống sau 5 năm ở giai đoạn này là dưới 50%, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, tùy thuộc vào từng loại ung thư mà tỷ lệ khỏi bệnh khác nhau:
- Hầu hết ung thư tuyến giáp thể nhú và nang tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể nhú tỷ lệ sống sau 5 năm là 95% và sau 10 năm là 90%. Ung thư tuyến giáp thể nang tỷ lệ sống sau 5 năm là 90% và sau 10 năm là 70%.
- Ung thư dạng tủy tỷ lệ sống sau 5 năm và 10 năm lần lượt là 90% và 86%.
- Riêng đối với ung thư thể không biệt hóa tiên lượng xấu, ít có cơ hội phẫu thuật triệt căn, tỷ lệ sống còn trung bình dưới 1 năm.
Các yếu tố nguy cơ bệnh tái phát là: lớn tuổi, bướu to, bướu xâm lấn ra khỏi bao tuyến và phẫu thuật lần đầu không triệt để.
5. Phương pháp điều trị ung thư giáp
- Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng bậc nhất trong điều trị ung thư tuyến giáp. Phương pháp phẫu thuật được chỉ định trên người bệnh tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể giải phẫu bệnh lý và một số yếu tố nguy cơ khác. Một số cách thức phẫu thuật bao gồm cắt tuyến giáp toàn bộ kết hợp vét hạch cổ, cắt tuyến giáp gần toàn bộ, cắt một thùy tuyến giáp và eo giáp v.v.
- Điều trị i-ốt phóng xạ là phương pháp giúp tiêu diệt nốt những tế bào tuyến giáp còn sót lại sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, được chỉ định dựa trên kích thước u, mức độ xâm lấn, tình trạng di căn hạch, nồng độ các chất chỉ điểm ung thư tuyến giáp sau mổ v.v.
- Liệu pháp thay thế hormone tuyến giáp: sau phẫu thuật cắt tuyến giáp toàn bộ, bệnh nhân sẽ cần được bổ sung hormone tuyến giáp tổng hợp, được sử dụng phổ biến nhất là levothyroxine. Một bộ phận trong số các bệnh nhân cắt một thùy tuyến giáp cũng cần bổ sung hormone này, chiếm tỉ lệ khoảng 20%.
- Xạ trị ngoài và hóa trị có hiệu quả không cao trong điều trị phần lớn ung thư tuyến giáp. Hóa trị có thể được chỉ định khi bệnh không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bệnh ở giai đoạn di căn xa, hoặc trên các bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa.
6. Theo dõi sau khi điều trị ung thư giáp
Ung thư tuyến giáp có thể tái phát sau điều trị. Vì vậy, việc theo dõi định kỳ là cần thiết đối với tất cả các bệnh nhân. Người nhà và bệnh nhân cần nắm rõ lịch tái khám để đến đúng hẹn. Các xét nghiệm chính cần làm trong quá trình theo dõi bệnh là siêu âm vùng cổ và xét nghiệm máu ( định lượng TSH và thyroglobulin).
Đối với ung thư thể nhú hoặc thể nang: thông thường bác sỹ sẽ yêu cầu thực hiện xét nghiệm xạ hình tuyến giáp với Iod, đặc biệt nếu người bệnh có yếu tố nguy cơ tái phát cao.
Đối với ung thư thể tủy: thông thường bác sỹ sẽ kiểm tra nồng độ calcitonin và CEA trong máu. Nếu nồng độ các chất này tăng, bác sĩ có thể chỉ định thêm các cận lận sàng như cắt lớp vi tính (CT) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện tổn thương tái phát.
Phòng khám 125 Thái Thịnh cung cấp dịch vụ khám tổng quát sức khỏe và tầm soát ung thư uy tín với độ ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, quy trình thăm khám chuyên nghiệp. Mọi thông tin về dịch vụ quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 0972 88 11 25!