Khoáng chất sắt trong thai kỳ có vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, bổ sung thừa sắt khi mang thai lại tiềm ẩn không ít nguy cơ đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi.
1. Nhu cầu khoáng chất sắt trong thai kỳ
Sắt đóng vai trò thiết yếu trong thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi. Đây là thành phần chính của hemoglobin – huyết sắc tố giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan. Khi mang thai, nhu cầu sắt của cơ thể tăng cao để đáp ứng sự phát triển của thai nhi cũng như phòng ngừa thiếu máu do thiếu sắt ở mẹ bầu. Thiếu sắt không chỉ khiến mẹ bầu mệt mỏi, chán ăn, suy nhược mà còn có nguy cơ gây nhiễm trùng hậu sản và các biến chứng như sinh non hay thai nhẹ cân.
Sắt trong thực phẩm thường khó đáp ứng đủ nhu cầu gia tăng này. Do vậy, việc sử dụng các sản phẩm bổ sung sắt cho mẹ bầu là rất cần thiết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo phụ nữ mang thai cần bổ sung từ 30-60 mg sắt mỗi ngày. Việc bổ sung sắt cho bà bầu cần được theo dõi và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn, phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ và thể trạng của mẹ.
Sắt đóng vai trò thiết yếu trong thai kỳ, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
2. Nguyên nhân dẫn đến thừa sắt khi mang thai
Thừa sắt khi mang thai xảy ra khi cơ thể mẹ bầu hấp thụ lượng sắt vượt quá nhu cầu, dẫn đến nồng độ sắt trong máu tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mẹ và thai nhi. Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp mẹ bầu chủ động kiểm soát tình trạng thừa sắt, từ đó bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi một cách tốt nhất.
Nguyên nhân chủ yếu gây ra thừa sắt khi mang thai:
- Sử dụng quá liều viên sắt bổ sung: Nhiều mẹ bầu tự ý tăng liều lượng viên sắt bổ sung mà không theo chỉ định của bác sĩ, gây ra tình trạng thừa sắt.
- Chế độ ăn uống giàu thực phẩm chứa nhiều sắt: Một số thực phẩm như thịt đỏ, gan động vật, hải sản, rau cải xanh rất giàu sắt. Khẩu phần ăn giàu các thực phẩm này kết hợp với viên sắt bổ sung có thể khiến lượng sắt hấp thụ có thể vượt ngưỡng cho phép.
- Cơ địa và khả năng hấp thụ: Một số phụ nữ mang thai có hệ tiêu hóa hấp thụ sắt hiệu quả hơn bình thường, dẫn đến nguy cơ thừa sắt cao hơn.
- Bệnh lý nền: Các bệnh liên quan đến di truyền (như đột biến gen HFE gây bệnh thừa sắt di truyền) hoặc tình trạng quá tải sắt thứ cấp (do tạo hồng cầu không hiệu quả, thường gặp ở người bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia hoặc thiếu máu nguyên hồng cầu).

Hiểu rõ nguyên nhân giúp mẹ bầu chủ động kiểm soát tình trạng thừa sắt.
3. Mẹ bầu thừa sắt có sao không?
Thừa sắt khi mang thai là tình trạng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Khi cơ thể mẹ bầu hấp thụ quá nhiều sắt, lượng sắt dư thừa không được sử dụng sẽ tích tụ tại các cơ quan như gan, tim và lá lách, gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe.
3.1. Ảnh hưởng đến mẹ bầu
Mẹ bổ sung sắt quá mức có thể dẫn đến stress oxy hóa trong cơ thể, gây tổn thương tế bào của cơ thể mẹ như tăng nguy cơ biến chứng tim mạch trong thai kỳ (tăng huyết áp, tiền sản giật) và nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Bên cạnh đó, lượng sắt dư thừa có thể khiến cơ thể mẹ phản ứng kém hơn đối với tình trạng viêm và nhiễm trùng, khiến mẹ bầu suy giảm sức khỏe và tăng nguy cơ xảy ra bất lợi khi chuyển dạ.
Những ảnh hưởng khác của tình trạng thừa sắt khi mang thai đối với mẹ bầu:
- Rối loạn tiêu hóa: Thừa sắt có thể kéo theo sự thay đổi hệ vi sinh đường ruột của mẹ, dẫn tới nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, đầy hơi, táo bón và đau bụng.
- Ức chế hấp thu các khoáng chất khác: Quá nhiều sắt có thể cản trở khả năng hấp thu các khoáng chất thiết yếu như kẽm, đồng và canxi, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mẹ bầu và gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Nguy cơ viêm khớp và đau mỏi: Sắt tích tụ lâu dài trong cơ thể có thể làm tổn thương mô bao quanh xương khớp, gây ra các triệu chứng như đau lưng, đau mỏi chân tay.
- Ảnh hưởng tâm lý: Cảm giác mệt mỏi do dư thừa sắt trong cơ thể có thể khiến mẹ bầu stress, lo âu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống và sự phát triển lành mạnh của trẻ.
Bên cạnh đó, thừa sắt trong thời gian dài có thể gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan, dẫn đến các bệnh mạn tính như xơ gan, suy gan, suy tim,... Ngoài ra, mẹ bầu bổ sung liều sắt quá cao có thể dẫn đến ngộ độc với các triệu chứng cấp tính như tim đập nhanh, khó thở, lơ mơ, hạ huyết áp,...

Thừa sắt khi mang thai là tình trạng nghiêm trọng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
3.2. Ảnh hưởng đến thai nhi
Đối với thai nhi, stress oxy hóa do lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương ADN ở tế bào của nhau thai. Bên cạnh đó, nồng độ sắt tăng cao cũng gây cản trở quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi, dẫn đến nguy cơ thai chậm phát triển, nhẹ cân và sinh non.
Bên cạnh đó, trẻ được sinh ra từ mẹ bị thừa sắt có nguy cơ mắc các vấn đề như vàng da, khó hoàn thiện hệ hô hấp và suy giảm khả năng miễn dịch.
4. Dấu hiệu thừa sắt khi mang thai mẹ bầu cần lưu ý
Biểu hiện thừa sắt khi mang thai ở các bà bầu có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ thừa sắt và tình trạng sức khỏe của mỗi mẹ bầu. Một số dấu hiệu phổ biến của mẹ bầu khi thừa sắt:
- Mệt mỏi, kiệt sức dù nghỉ ngơi đầy đủ
- Buồn nôn, khó tiêu, có thể đau bụng hoặc tiêu chảy
- Da sẫm màu hơn
- Đau nhức khớp
Trong trường hợp thừa sắt nghiêm trọng, mẹ bầu có thể xuất hiện một số biểu hiện rõ ràng hơn như:
- Khó thở
- Nhịp tim nhanh
- Vàng da và suy gan
- Hạ huyết áp
- Hay quên, mất tập trung
- Rối loạn tiêu hóa: Buồn nôn, nôn nửa, đau bụng và tiêu chảy
- Cân nặng giảm nhanh chóng
- Tiểu ra máu
Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, đặc biệt là các triệu chứng nghiêm trọng, mẹ bầu cần tới ngay các cơ sở y tế để được thăm khám ngay lập tức.

Biểu hiện thừa sắt khi mang thai ở các bà bầu có thể khác nhau
5. Mẹ bầu bị thừa sắt phải làm sao?
Cơ thể có khả năng hạn chế hấp thu sắt nhưng lại không có cơ chế tự đào thải sắt thừa hiệu quả như các chất khác. Khi phát hiện dấu hiệu thừa sắt, mẹ bầu cần hành động nhanh chóng và khoa học để bảo vệ sức khỏe như sau:
- Ngưng ngay viên uống bổ sung sắt để ngăn chặn sắt tiếp tục tích tụ trong cơ thể.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý: Tăng cường chất xơ như rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt để giảm hấp thụ sắt và cải thiện hệ tiêu hóa, hạn chế thực phẩm giàu sắt (thịt đỏ, hải sản, nội tạng động vật,...); tránh tự ý dùng Vitamin C trừ khi được bác sĩ kê đơn..
Quan trọng nhất, mẹ bầu hãy đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xét nghiệm định lượng ferritin để đánh giá mức độ dư thừa sắt cũng như tìm ra nguyên nhân của tình trạng này. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mẹ bầu, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp chăm sóc và điều trị phù hợp.

Khi phát hiện dấu hiệu thừa sắt, mẹ bầu hãy điều chỉnh chế độ ăn uống ngay
6. Cách phòng tránh thừa sắt khi mang thai
Để đảm bảo việc bổ sung sắt an toàn và hiệu quả, hạn chế thừa sắt, mẹ bầu hãy lưu ý những điều sau đây:
- Theo dõi liều lượng sắt được bổ sung qua thuốc và thực phẩm. Phân bổ hợp lý thực phẩm giàu sắt và Vitamin C trong khẩu phần ăn.
- Chọn các loại thuốc sắt phù hợp, ưu tiên sắt hữu cơ vì dễ hấp thụ và ít gây táo bón hơn sắt vô cơ. Nếu gặp các tác dụng phụ như táo bón, tiêu chảy hoặc cảm giác khó chịu, cần liên hệ bác sĩ để thay đổi loại thuốc phù hợp.
- Không tự ý sử dụng hoặc tăng liều lượng viên uống sắt khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
- Đi khám thai thường xuyên để được làm xét nghiệm máu định kỳ.
- Hạn chế thực phẩm cản trở hấp thu sắt như trà, cà phê, sữa, hoặc các chế phẩm chứa canxi.
- Tránh uống sắt trước khi ngủ vì có thể gây khó ngủ hoặc nóng người.
- Khi bổ sung sắt, uống nhiều nước và tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để giảm nguy cơ táo bón.
- Nếu cần bổ sung cả sắt và canxi, nên uống cách nhau ít nhất 2 giờ để tránh tương tác gây giảm hấp thu dưỡng chất.

Mẹ bầu hãy đi khám thai thường xuyên để được làm xét nghiệm máu định kỳ.
Hy vọng những thông tin trên về tình trạng thừa sắt khi mang thai sẽ giúp ích cho mẹ bầu trong công cuộc chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ. Mẹ bầu hãy thực hiện bổ sung sắt hợp lý theo chỉ dẫn của bác sĩ và nhớ đi khám thai thường xuyên để có thể đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.