Nuốt nghẹn có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là người lớn tuổi. Chứng nuốt nghẹn dai dẳng có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị. Vì vậy, bạn không nên chủ quan khi thường xuyên gặp tình trạng này.
1. Định nghĩa
Nuốt nghẹn là tình trạng người bệnh gặp khó khăn, mất nhiều thời gian, cảm giác thức ăn bị kẹt lại ở cổ họng hay ngực khi thực hiện hành động nuốt. Nhiều người bị nuốt nghẹn dai dẳng, không thuyên giảm cũng không nặng lên, đi khám không tìm ra nguyên nhân thực thể, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống hàng ngày.
Mức độ khó nuốt khác nhau tùy theo từng giai đoạn. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể nuốt nhẹ nhàng nhưng cảm thấy hơi đau. Nếu nặng hơn, kể cả khi dùng thức ăn lỏng, người bệnh vẫn cảm thấy buồn nôn, vướng khi nuốt.

Nuốt nghẹn là cảm giác khó khăn hoặc đau khi nuốt thức ăn hoặc chất lỏng
Một số triệu chứng kèm theo của nuốt nghẹn là:
- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng
- Ho hoặc nôn khan
- Khó thở, tức ngực
Lưu ý: nuốt nghẹn không phải một trường hợp bệnh lý. Nuốt nghẹn chỉ là một dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe.
2. Nguyên nhân nuốt nghẹn
Nuốt là một hành động phức tạp, liên quan đến nhiều cơ và dây thần kinh. Các nguyên nhân làm suy yếu, tổn thương các cơ và thần kinh được dùng để nuốt hoặc làm hẹp hầu họng, thực quản để có thể dẫn đến nuốt nghẹn. Nuốt nghẹn gồm 2 nhóm nguyên nhân chính: nuốt nghẹn thực quản và nuốt nghẹn hầu họng.
2.1. Nguyên nhân gây nuốt nghẹn liên quan đến thực quản
- co thắt tâm vị
- co thắt thực quản, rối loạn chức năng co thắt thực quản
- hẹp thực quản do úi thừa, chít sẹo…
- dị vật ở thực quản (thức ăn, răng giả)
- u thực quản
- trào ngược dạ dày thực quản
- viêm thực quản
- xơ cứng bì
2.2. Nguyên nhân gây nuốt nghẹn liên quan đến hầu họng
- Viêm họng mạn tính (thường bắt nguồn từ viêm xoang sau)
- Rối loạn thần kinh thực vật, giảm trương lực cơ
- Bệnh lý tuyến giáp
- Liệt hầu họng do tổn thương thần kinh đột ngột, tai biến mạch máu não, khối u di căn, túi thừa Zenker
- Yếu tố tâm lý: stress, căng thẳng… dẫn đến rối loạn chức năng nuốt
2.3. Nguyên nhân do thói quen ăn uống
- Do ăn quá nhanh (ít nhai, nuốt vội), nói chuyện, cười đùa trong khi ăn
- Thức ăn dẻo, dai, dễ dính
3. Xử trí ngay khi nuốt nghẹn
- Nếu nuốt nghẹn do thói quen ăn uống (ăn nhanh, không nhai kỹ, thức ăn dẻo dính): Ngừng ăn, uống nước từng ngụm nhỏ. Lưu ý ăn chậm, nhai kỹ, không nói chuyện cười đùa khi ăn để tránh lặp lại trong các lần sau
- Nếu nuốt nghẹn xảy ra thường xuyên và không liên quan đến thói quen ăn uống, bạn cần đến khám tại các cơ sở y tế uy tín. Nuốt nghẹn có thể là biểu hiện của các bệnh lý về thực quản hoặc các tình trạng sức khỏe đáng lo ngại khác. Qua thăm khám lâm sàng và các biện pháp cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và hướng điều trị thích hợp, kịp thời.
4. Chẩn đoán và điều trị
4.1. Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng, chỉ định cận lâm sàng để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Thông thường, bạn sẽ được kiểm tra các yếu tố sau:
- Thăm khám Tai Mũi Họng:
- Đánh giá trình trạng hầu họng, thanh quản, thực quản
- Kiểm tra tình trạng viêm họng, viêm amidan
- Kiểm tra tình trạng viêm xoang sau
- Chỉ định cận lâm sàng
- Siêu âm vùng cổ: đánh giá tuyến giáp và hệ thống hạch vùng cổ
- Nội soi dạ dày: giúp phát hiện trào ngược dạ dày thực quản
- Chụp X-quang vùng ngực: tìm dị vật đường tiêu hóa
- Chụp CT hoặc MRI: phát hiện khối u, chẩn đoán ung thư.
Lưu ý: với các bệnh lý khối u, triệu chứng nuốt nghẹn sẽ tăng dần, bệnh nhân có thể gặp khó khăn kể cả khi dùng thức ăn lỏng, uống nước. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện tăng tiết nước bọt
4.2. Điều trị
Tùy theo nguyên nhân dẫn đến nuốt nghẹn, bác sĩ sẽ đưa ra các phương án điều trị thích hợp:
- Thói quen ăn uống không tốt: chia nhỏ bữa ăn, nhai kỹ, chậm, không nói chuyện cười đùa khi ăn
- Dị vật đường tiêu hóa: gắp dị vật
- Các bệnh về mũi xoang: điều trị viêm mũi xoang
- Trào ngược dạ dày thực quản: điều trị viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản
- Viêm amidan mạn tính/ quá phát: cắt amidan
- Khối u vùng hầu họng, thực quản: thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh, xác định u lành tính hay ác tính. Điều trị khối u bằng các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị… tùy theo loại u và giai đoạn của khối u.
Nuốt nghẹn không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, khi gặp phải tình trạng này thường xuyên, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm để xác định nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp. Bằng cách theo dõi và can thiệp kịp thời, bạn sẽ bảo vệ sức khỏe của mình một cách hiệu quả, tránh được những biến chứng không mong muốn.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến việc nuốt nghẹn, hãy liên hệ với các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và thăm khám.