Nguyên nhân của ung thư dạ dày là đa dạng, nhưng Helicobacter pylori đóng một vai trò quan trọng. Triệu chứng bao gồm cảm giác no, chướng bụng, và xuất huyết nhưng có xu hướng xảy ra muộn. Chẩn đoán bằng nội soi, tiếp theo là chụp CT và siêu âm nội soi để phân giai đoạn bệnh. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật; hóa trị liệu có thể được có đáp ứng tạm thời. Thời gian sống thêm thường ngắn trừ khi bệnh còn khu trú.
1. Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là tình trạng bệnh lý xảy ra khi các tế bào dạ dày có cấu trúc bình thường trở nên bất thường đột biến và tăng sinh không kiểm soát, hình thành khối u, xâm lấn cục bộ hay di căn qua hệ thống bạch huyết. Có tới 95% ung thư dạ dày là ung thư biểu mô tuyến.
Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư thường gặp ở cả hai giới. Theo Globocan 2018, tại Việt Nam có thêm 17.527 ca mắc mới và 15.065 người tử vong vì căn bệnh này. Ung thư dạ dày đứng thứ 3 trong các bệnh ung thư thường gặp, điều đáng tiếc là ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa, nhận biết sớm và điều trị hiệu quả nếu phát hiện ở giai đoạn đầu.
Ung thư dạ dày phát triển qua 5 giai đoạn chính gồm:
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư mới xuất hiện ở lớp niêm mạc dạ dày. Đây còn được gọi là ung thư biểu mô, là giai đoạn sớm của ung thư dạ dày.
- Giai đoạn I: Các tế bào ung thư đã gây tổn thương ở lớp thứ 2 của dạ dày.
- Giai đoạn II: Các tế bào ung thư đã lan sâu hơn vào lớp của dạ dày, có thể vào các hạch bạch huyết gần đó.
- Giai đoạn III: Các tế bào ung thư có thể đã xuất hiện ở tất cả các lớp của dạ dày cũng như các cơ quan lân cận như lá lách, ruột kết. Nghiêm trọng hơn là có thể đã đi sâu vào các hạch bạch huyết.
- Giai đoạn IV: Giai đoạn cuối - các tế bào ung thư đã di căn xa và rộng đến các cơ quan như não, phổi, v.v… gây nguy cơ tử vong cao.
2. Các dạng ung thư dạ dày
Dựa vào hình ảnh đại thể, ung thư dạ dày có thể được phân loại như sau:
- Dạng lồi: Khối u dạng polypoid hoặc nấm.
- Dạng loét: Khối u bị loét.
- Thâm nhiễm bề mặt: Khối u lan ra dọc theo niêm mạc hoặc thâm nhiễm bề ngoài bên trong thành dạ dày.
- Thể xơ cứng: Khối u xâm nhập vào thành dạ dày với phản ứng xơ kèm theo gây ra dạ dày có hình ảnh"cái chai bọc da".
- Thể hỗn hợp: Khối u có đặc điểm ≥ 2 loại khác; loại này là phổ biến nhất.
Các khối u thể lồi so thường sẽ có tiên lượng tốt hơn so với các khối u thể thâm nhiễm vì các khối u thể lồi có triệu chứng sớm hơn.
Dựa theo hình ảnh vi thể (hình ảnh soi dưới kính hiển vi), có thể phân loại ung thư dạ dày thành 5 loại sau:
- Ung thư biểu mô tuyến (gồm các loại: ung thư biểu mô tuyến nhú, ung thư biểu mô tuyến ống, ung thư biểu mô tuyến nhày, ung thư tế bào nhẫn).
- Ung thư không biệt hoá.
- Ung thư biểu mô tuyến gai.
- Ung thư tế bào gai.
- Ung thư biểu mô không xếp loại.
3. Triệu chứng của ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Khi ung thư phát triển, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sụt cân không rõ nguyên do trong thời gian ngắn.
- Chán ăn, mất cảm giác thèm ăn.
- Đau thượng vị (vùng trên rốn), đầy bụng, chướng/ tức bụng sau khi ăn.
- Ợ chua, buồn nôn, nôn khan, nôn ra máu.
- Phân đen, phân có máu hoặc phân có màu bất thường.
- Sờ thấy có u ở thượng vị.
Đối tượng nguy cơ cao
- Yếu tố tuổi tác: người từ 50 tuổi trở lên.
- Yếu tố giới tính: đàn ông có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn so với phụ nữ.
- Thói quen sinh hoạt, ăn uống: hút thuốc lá; uống rượu/ bia thường xuyên; chế độ ăn có nhiều thực phẩm có chứa chất bảo quản, ăn nhiều thức ăn nướng hoặc xông khói/ ngâm muối, đồ ăn lên men, thực phẩm đóng hộp, thịt hun khói, ăn ít rau củ quả.
- Yếu tố di truyền: tiền sử gia đình có người mắc ung thư dạ dày và các chứng rối loạn đường tiêu hóa khác có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao gấp 4 lần so với gia đình khác; sinh đôi đồng hợp tử; người có nhóm máu A.
- Yếu tố bệnh lý: béo phì; nhiễm khuẩn HP; teo niêm mạc dạ dày; polyp dạ dày; tái viêm loét dạ dày nhiều lần…
4. Các xét nghiệm có thể thực hiện
- Nội soi dạ dày: Nội soi dạ dày giúp phát hiện các tổn thương, các bất thường hình thái trong bề mặt niêm mạc dạ dày.
- Sinh thiết dạ dày: Sinh thiết, giải phẫu bệnh nhằm xác định bản chất bình thường/ bất thường lành tính hay bất thường ác tính của các tế bào dạ dày.
- Xét nghiệm máu: Trong một vài trường hợp, các bác sĩ có thể cho thực hiện xét nghiệm công thức máu để đánh giá mức độ thiếu máu của người bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể cho thực hiện các xét nghiệm máu khác về chức năng gan – thận, các dấu ấn ung thư (tumor marker)…
5. Cách phòng tránh
- Áp dụng chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh, ưu tiên bổ sung rau xanh, hoa quả tươi vào chế độ ăn hằng ngày, hạn chế đồ nướng, chiên/ xào, đồ muối, đồ ăn lên men, thức ăn và đồ uống công nghiệp.
- Thực hiện chế độ luyện tập và nghỉ ngơi khoa học.
- Không hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích như rượu, bia.
- Chủ động tầm soát ung thư dạ dày sớm đối với các trường hợp có yếu tố nguy cơ.
Tìm hiểu thêm: Chuyên trang ung bướu của Phòng khám 125 Thái Thịnh nhé!
Phòng khám 125 Thái Thịnh cung cấp dịch vụ khám tổng quát sức khỏe và tầm soát ung thư uy tín với độ ngũ bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, quy trình thăm khám chuyên nghiệp. Mọi thông tin về dịch vụ quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline: 0972 88 11 25!